BÊN BÀN ĂN BÀN CHUYỆN ĂN Ở

BÊN BÀN ĂN BÀN CHUYỆN ĂN Ở

Các nhân vật gặp gỡ tại Bàn tròn Nhà Đẹp tháng 8 kỳ này đều là người trong nghề, với các độ tuổi và trải nghiệm khác nhau, nhưng cùng hồ hởi thú vị khi cuộc trò chuyện xoay quanh chuyện ăn chuyện ở. Khởi đi từ bàn ăn gia đình, có vẻ như “bàn tròn” đã không chỉ dừng lại ở vấn đề ẩm thực…

#1. Từ thời lo “ăn đủ no” dần sang “ăn để khỏe” và sau này “ ăn sao cho sang”, rồi qua các xu hướng thực dưỡng thải độc, ăn vì môi trường… dường như “chuyện ăn” luôn gắn liền với nếp sống, nếp nghĩ của xã hội, từ đó trực tiếp ảnh hưởng đến tổ chức không gian môi trường sống. Anh (cchị) nghĩ sao về vấn đề này?

  • TRẦN HUY THỐNG, kỹ sư xây dựng: Cách mạng về khoa học công nghệ đem đến nhiều tiện dụng, nhưng cũng khiến nhiều người lệ thuộc vào sức mạnh công nghệ trong không gian sống. Việc nấu ăn sẽ tiện lợi thoải mái hơn với hệ thống làm bếp và thiết bị hiện đại, nhưng quan niệm của các chị các mẹ về gian bếp vẫn vậy, vẫn theo kiểu “mấy ông không rành bếp bằng phụ nữ chúng tôi đâu!”. Thế nên khi xây nhà tư nhân, cứ đến phần bếp ăn là anh em chuyên môn ngóng cổ chờ “nội tướng” quyết định. 

Một số thông tin chia sẻ trên mạng hiện nay có khuynh hướng đề cao yếu tố “sang chảnh” của không gian sống hiện đại, mà bỏ qua tính chất tiếp nối một nền nếp – nhất là nếp ăn nếp ở – của mỗi gia đình luôn khác nhau. Nội thất truyền thống Việt hay tập trung những món đồ có giá trị ở phòng khách, như bộ bàn ghế,  tủ thờ, bộ ván ngựa, hoặc bàn ăn cầu kỳ, tủ trưng cổ vật… dễ khiến nhiều người cho rằng đó là biểu hiện của sự giàu sang và thậm chí còn diễn ra tình trạng “đua đòi” sắm sửa cho “như nhà người ta” mà không nhìn vào thực chất nhà mình có hợp với kiểu bàn ghế, bếp núc, ăn uống đó hay không.

  • TRẦN THẾ NGỌC, nhà Thiết kế Nội thất: Đúng là chuyện ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức không gian môi trường sống, và đặc biệt là không gian bếp. Vì nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, việc ăn không chỉ để cho ngon mà còn cần đẹp nữa. Nhiều chị em phụ nữ trong đó có mình, ngoài chế biến, nấu nướng những món ăn hợp khẩu vị thì khâu bài trí, xếp đặt cũng được chuẩn bị công phu sao cho vừa mắt, thẩm mỹ. Một không gian có ánh sáng, màu sắc được phối kết hợp lý sẽ cộng hưởng các giác quan giúp cho bữa ăn gia đình trở nên ấm cúng, gần gũi hơn. Không phải vô cớ nhiều gia đình hiện nay khi xây hay sửa nhà đã dành khoản chi phí đáng kể để đầu tư cho một gian bếp tiện nghi, sang trọng hoặc có phong cách để vừa thỏa sức trổ tài nội trợ vừa góp phần “giữ lửa” cho gia đình.
  • HUỲNH TRẦN UYÊN THY, kiến trúc sư, giảng viên: Cũng như ăn, tôi thấy thời làm nhà cho “đủ ăn đủ mặc” đã dần được thay thế bởi quan niệm “ăn ngon, mặc đẹp”, và thậm chí hiện nay là “ăn có chất, mặc có gu”. Lẽ tự nhiên của quá trình phát triển là vậy, khi đủ đầy về lượng thì bắt đầu nâng chất lên, thậm chí chưa có nhiều điều kiện vẫn có thể tạo khoảng “ăn chơi” tùy khả năng. Có thể tâm thức của người Việt mình xưa nay luôn gắn liền ăn và chơi, tức là nơi ăn phải vui vẻ, rôm rả, rộn ràng; muốn tìm kiếm những khoảng gọi là “ăn chơi” cho ngôi nhà, tôi thấy thường gắn với sinh hoạt đặc thù của từng gia đình, nếp ăn ở sẽ tạo nên chỗ ăn và chỗ ở! 

#2. Theo Anh (chị) ngôi nhà Việt hiện nay đã có những dấu ấn, biểu hiện nào ở không gian ẩm thực đủ để chúng ta tự hào và bạn bè quốc tế nhìn vào có thể nói “wow, ẩm thực Việt Nam và không gian ẩm thực Việt Nam thực sự mang nét riêng biệt, đặc sắc và đáng quan tâm”? 

*KTS UYÊN THY: Không gian ẩm thực Việt theo tôi để được thừa nhận nên mang tính kế thừa, chọn lọc các giá trị truyền thống, cụ thể là tính tổng hợp và tính linh hoạt. Từ những ngôi nhà dài, nhà rông (Tây Nguyên) đến đình làng, hội quán… đều là không gian đa năng linh hoạt, là “phòng khách-phòng ăn-phòng thờ” của cả cộng đồng dân cư. Với nhà riêng cũng vậy, phòng khách nhiều khi đóng vai trò “vừa là… vừa là…” nên cách bài trí phải thực sự linh hoạt trên cơ sở các trục, điểm, khoảng… xác lập theo cấu trúc cụ thể. Ví dụ như xác định trục giao thông để vào nhà, tiếp đón, ngồi ăn uống, dọn dẹp… thế nào cho thuận tiện. Hầu hết các xác lập đó đều ảnh hưởng đến không gian phòng khách và phòng ăn, mà hiện nay gọi là “living room”, nơi để sống. 

Tuy nhiên, nhịp sống thời hiện đại đã ít còn giữ trục thờ cúng tâm linh được đảm bảo tĩnh tại, trang nghiêm, thậm chí còn gây thêm sức ép về giao tiếp cả đối nội lẫn đối ngoại lên không gian này. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến nhà hiện nay chuyển chức năng thờ cúng lên lầu, qua không gian khác. Từ đó yếu tố truyền thống sẽ không nhận ra ngay khi vào nhà, và đa số gia đình cũng hay mời khách ra quán xá công cộng hơn là tổ chức ăn uống trong điều kiện nhà phố, căn hộ không nhiều diện tích. Có thể khu bếp ăn hiện nay của mỗi nhà ngày càng tiện dụng, đẹp và có cá tính hơn, nhưng không đồng nghĩa với yếu tố bản sắc đặc thù, nếu không có đầu tư chăm chút về kế thừa tính thẩm mỹ truyền thống Việt.

*NTK THẾ NGỌC

Ẩm thực Việt Nam thì đa dạng và phong phú từ Bắc chí Nam, mỗi vùng đều có nét đặc thù, riêng tôi là người Nam Bộ thì khi nói đến việc ăn uống có phần phóng khoáng và thoải mái. Các món ăn thường được chế biến rất dân dã từ đồng ruộng, sông nước và được “mix” với nhiều loại gia vị mặn, ngọt, chua, cay… rau củ quả đủ thứ. Còn khi nói đến tìm chỗ để thưởng thức các món ăn đó thì có rất nhiều sự lựa chọn, khi thì ngồi quanh bàn tròn, lúc thì ra hiên ngồi bệt, hồi nóng nực quá thì ra vườn ngồi, gần gũi với cây cối cho nó mát… tức là ít câu nệ tiểu tiết, nhìn vô có thể cho rằng xuề xòa thiếu trang trọng, nhưng tôi thấy vậy mới là đặc thù, bản sắc. Theo tôi, nếu nhìn nhận sự khởi nguồn từ cách thức bài trí cơ bản đó, xem trọng tinh thần giản dị mộc mạc, nhìn nhận giá trị thẩm mỹ vùng văn hóa nông nghiệp chứ không phải là sắm đồ đắt tiền ngoại lai… chính là nguyên tắc “từ ý đến hình” trong thiết kế, xem trọng giá trị tinh thần trước, hình thức chỉ là biểu hiện bề mặt và có thể biến đổi theo trào lưu, thời đại. Không gian ẩm thực Việt dù nói chung hay nói riêng khu vực Nam Bộ thì theo tôi cần nhìn nhận theo hệ giá trị văn hóa trọng tính âm, thuận hòa với môi trường tự nhiên và ít phô trương lòe loẹt. Từ sự nhận dạng đúng đó sẽ có được đồng cảm, chia sẻ, và tiếp cận tốt các xu hướng hiện đại mà không mất “chất riêng” của mình.

* KS TRẦN HUY THỐNG: Chưa bao giờ khái niệm giải pháp bền vững, tiết kiệm được nhắc đến nhiều như hiện nay, bởi cần sự đáp ứng đa nhiệm trong không gian hạn chế của đô thị khiến phòng ăn nói riêng và toàn bộ khu bếp ăn ngày càng có mẫu mã gọn gàng, tinh giản về hình thức hơn. Xu hướng này dẫn đến thay đổi tư duy về xử lý không gian ẩm thực trong gia đình phải gọn ghẽ hơn mà khả năng kết nối lại cao hơn. Biểu hiện cụ thể của khu bếp-bàn ăn tiện ích hiện nay là tích hợp đa năng, ít thay đổi cơi nới phần cứng, dễ thích ứng và thay thế sửa chữa…

Khi giới chuyên môn quốc tế nhìn vào nhà cửa Việt Nam hiện nay, tôi hay nghe một số ý kiến khen ngợi về dùng chất liệu, tạo cảnh quan hay ngôn ngữ truyền thống trong thiết kế Việt hiện đại, nhưng một số lời chê thường nhắm vào việc thiếu cá tính riêng, nét đặc sắc riêng. Cá tính ở đây là cá tính của người thiết kế, chủ đầu tư cũng như rộng hơn là của dấu ấn Việt hiện đại. Vẫn thấy đâu đó những không gian Việt do người Việt thiết kế và sử dụng dụng mà trông như Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc… thậm chí khá giống với các nước xứ lạnh, kiểu Bắc Mỹ hay Bắc Âu.

#3. Các biến động của thời giới qua đại dịch và thay đổi nếp nghĩ về nhà cửa đã tạo nên xu hướng tự bài trí lại góc ăn ở sao cho hợp với nhu cầu cá nhân và gia đình. Liệu những kiểu DIY ( do it yourself) này có làm giảm đi vai trò của nhà chuyên môn, và tạo ra vô số “ đồ tự chế” thiếu chuẩn mực chăng, thưa Anh ( Chị)?

* KS. TRẦN HUY THỐNG: Nhu cầu chỉnh sửa, làm mới làm đẹp hơn cho đồ nội thất là luôn có thật, và sẽ gia tăng khi kinh tế thắt chặt chi tiêu, hay gia đình có nhiều điều kiện để “tự chế” – DIY (Do It Yourself) – thay vì mua sắm đồ mới. Có nhiều cách làm đồ tự chế, nhưng dù thuộc kiểu nào thì phần hình thành nên ý tưởng luôn giữ vai trò chủ đạo khi muốn tạo nên kệ trang trí đẹp hay một góc bàn ăn thú vị. Từ những chất liệu giản dị, dễ tìm, nếu đem lại niềm vui và hơi ấm quây quần trong mỗi ngôi nhà, đó sẽ là phần thưởng lớn nhất cho những ai “trót đam mê” con đường DIY này. 

Không chờ đến đại dịch hay giãn cách, dân thiết kế và các bạn trẻ ưa mày mò đã làm nhiều sản phẩm khá tốt. Vấn đề là cần giới chuyên môn đồng hành thay vì dè bỉu hay phớt lờ; người sáng tạo nào (có thể nghiệp dư) cũng luôn mong mỏi giao lưu với cộng đồng sáng tạo, trong đó chữ sáng tạo hiểu toàn diện cần đi từ hình thành ý tưởng-triển khai-thử nghiệm-chia sẻ, hưởng thụ-chỉnh sửa… như vòng lặp không thể thiếu mắt xích nào của chuỗi phát triển sản phẩm. Nếu bạn tự chế đồ cho mình dùng, có thể tham khảo mạng và tự làm tự chịu, còn nếu bạn muốn đưa sản phẩm đến với công chúng, kinh doanh và phát triển dòng “hàng đặt, hàng độc” đó… thì bạn phải tuân thủ luật chơi” trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

*NTK THẾ NGỌC: DIY cũng là một phần của trào lưu tái sử dụng vật liệu, sống xanh sạch hơn, khi nhiều chất liệu ta ngỡ như phế thải hoặc không có ấn tượng gì rõ rệt nhưng nếu được sắp xếp theo trật tự mới, cảm hứng mới thì sẽ đem lại ấn tượng bất ngờ. Tôi đã gặp nhiều người từng tiếc ngẩn ngơ khi không mua được một bộ bàn ghế “gia bảo” tuy đã hư nhiều chỗ nhưng lưu dấu thời gian đậm đặc, hoặc hụt mất một món đồ cá nhân “độc lạ” nào đó. Hiện nay giới trẻ làm nội thất cũng ưa thích việc sáng tạo ra đồ mới từ đồ cũ rất hiệu quả. Việc chế tác lại, thêm bớt đôi chút ở đồ phế thải đòi hỏi khả năng sáng tạo và cả một chút … liều lĩnh nữa, nên cần sự tỉnh táo và chừng mực để phối kết sao cho hợp ý tưởng nội thất, không bị “ve chai hóa” mọi thứ. Xu hướng nào cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Nếu nói đến việc tự làm, tự bài trí lại góc ăn ở cho bản thân thì đó cũng là một cơ hội để mỗi người chủ nhà được tự do nghĩ ra những thứ hay ho, độc đáo, tạo ra được những dấu ấn cá nhân và cá tính riêng cho ngôi nhà của mình. Nhưng hãy thử nghĩ theo chiều ngược lại, nếu quá sa đà vào việc tạo dựng dấu ấn độc lạ mà quên đi những nguyên lý, chuẩn mực trong thiết kế thì sẽ rất dễ tạo ra cảm giác làm “lố” trong không gian sống. 

*KTS UYÊN THY: câu chuyện tự chế theo tôi là tốt, cái cần lưu ý là tự chế bằng cách cải biên lại sản phẩm đỉnh cao của người ta, với giá rẻ hoặc kỹ thuật không chuẩn sẽ tạo nên sản phẩm kém chất lượng, thậm chí sai lệch về công thái học (ergonomics) và phản cảm về thẩm mỹ. Một chiếc bàn café cho cá nhân mình trải nghiệm thì không sao, nhưng phủ sóng nó rộng khắp thì lại là câu chuyện “tự chế có trách nhiệm”. Việc tự chế nếu có chủ đích, chủ đề và thẩm mỹ sẽ mang lại dấu ấn cá nhân đậm nét. Nếu hiện nay đa số các nhà thiết kế nội thất đều định hướng cho khách hàng những xu hướng thiết kế như retro, rustic, scandinavian (Bắc Âu), minimalism, neo classic, wabi sabi… thì có những lúc phong cách được liệt vào loại… không theo phong cách nào cả, mà là tác phong-thẩm mỹ của chủ nhà, theo kiểu mùa nào thức nấy, bày biện thức thời theo tâm trạng có sẵn, tuy có vẻ khó định hình nhưng đó có lẽ thực sự là ngôi nhà để ở mang đậm tính cá nhân. 

01

Khu phòng thờ, tiếp khách cùng bàn ăn là trục trang trọng của nếp nhà Việt dù xưa hay hiện đại

03

 “Gần hơn với thiên nhiên” có lẽ là tiêu chí đầu tiên cho một góc ẩm thực lý tưởng

05

 Ngăn mà không cách để liên kết không gian bếp-ăn-sinh hoạt gia đình tốt hơn

08

 Bếp ăn hiện đại dù nhà rộng hay hẹp vẫn đề cao tính đơn giản và đa năng, thẩm mỹ tối giản, nhẹ nhàng.

10

 Nơi “ trà dư tửu hậu” có thể nhỏ gọn, cũ kỹ, nhưng luôn không thể thiếu trong nếp sinh hoạt thuần Việt.

12

 Phòng khách ngày càng đa năng để tích hợp cùng không gian ẩm thực

Thực hiện: KTS LÊ HUY

Ảnh: THÁI KHƯƠNG

Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC NHÀ ĐẸP SỐ THÁNG 8.2022

Có thể bạn thích

Bàn Tròn

Mái nhà miền biển

KTNĐ – LỜI TÒA SOẠN: Tạm lắng được mối lưu tâm về thời sự, giữa cái nóng bức của thời tiết gần đây, điều chúng ta thường xuyên nghĩ đến

Bàn Tròn

Chuyện về mùa mưa

NGUYỄN VĂN MINH KIẾN TRÚC SƯ KTNĐ – Tôi thấy rằng, một ngôi nhà dù có thể dùng vật liệu và hình thức xử lý đồng nhất nhưng với các

Bàn Tròn

Những lưu ý khi thiết kế cho gia đình có người lớn tuổi

KTNĐ – Thiết kế và bài trí không gian như thế nào để hợp môi sinh và tập quán dành cho người cao tuổi, nhất là trong những căn nhà