Bố trí ánh sáng: vài điều trao đổi…
KTNĐ – Việc chiếu sáng trong nội ngoại thất ngày càng theo hướng phù hợp hơn với nhịp điệu sinh học của con người, bởi nhu cầu của con người hiện đại đòi hỏi thiết kế ánh sáng phải có nhiều thay đổi lớn so với trước đây.
NHU CẦU HIỆN ĐẠI: CHIẾU SÁNG PHÙ HỢP VỚI NHỊP ĐIỆU SINH HỌC
Trước hết, ai cũng biết cuộc sống mỗi con người tuân theo các quy luật tự nhiên với nhịp điệu sinh học rõ ràng. Từng người có những lúc hưng phấn, tích cực và những lúc mệt mỏi muốn nghỉ ngơi tùy theo nhịp điệu sinh học riêng. Việc chiếu sáng trong nội ngoại thất ngày nay càng ngày càng theo hướng phù hợp hơn với nhịp điệu sinh học của con người.
Ví dụ như ánh sáng của sàn nhảy, quán bar giúp ta phấn khích nhưng không thể kéo quá dài đối với một người bình thường. Người ta không thể cả ngày làm việc trong văn phòng với ánh sáng êm dịu của một quán cà phê. Ngược lại, con người khó có thể nghỉ ngơi trong một môi trường được chiếu sáng như văn phòng.
Nhu cầu của con người hiện đại đòi hỏi thiết kế ánh sáng phải có nhiều thay đổi lớn so với trước đây.
Càng về chiều, ánh sáng càng ngả vàng
NÊN DÙNG ÁNH SÁNG TRẮNG HAY ÁNH SÁNG VÀNG?
Ánh sáng trắng của đèn huỳnh quang là một trong những đòi hỏi phổ biến ở Việt Nam và đến nay vẫn còn là một “vấn nạn” với những nhà thiết kế.
Suốt mấy mươi năm, người Việt đã quen với loại ánh sáng trắng này, và mọi người đều cho rằng ánh sáng trắng sáng hơn ánh sáng vàng và không tạo sự nóng bức. Số người chuộng sự ấm áp từ ánh sáng vàng không nhiều. Tuy nhiên, những đánh giá trên không hẳn là chính xác cho mọi trường hợp.
Trong thiên nhiên, ánh sáng của một buổi sáng đẹp trời cho đến quá trưa là ánh sáng trắng. Quá trưa cho đến lúc gần tắt nắng, ánh sáng sẽ chuyển sang sắc vàng. Ánh sáng trắng của buổi sáng giúp con người thấy khỏe khoắn, sảng khoái, tạo tinh thần để làm việc và hoạt động; ánh sáng vàng cho cảm giác muốn nghỉ ngơi.
Nên nếu ánh sáng trắng được bố trí cho phòng ngủ sẽ gây khó ngủ, nhưng dùng ánh sáng trắng cho bếp (người làm bếp cần có sự tỉnh táo) thì lại phù hợp. Do vậy, muốn dùng ánh sáng trắng hay ánh sáng vàng, người thiết kế cần phải dựa vào chức năng của khu vực chiếu sáng và vào yếu tố sinh học của cơ thể.
Ánh sáng trắng ban ngày
VỀ THÓI QUEN TẮT – MỞ ĐÈN
Ở Việt Nam, chúng ta thường mở tất cả các đèn để chiếu sáng toàn bộ căn phòng và tắt tất cả ánh sáng khi không sử dụng. Bố trí ánh sáng trong nội thất gần như không có những bước chuyển để tăng dần hoặc giảm dần, tránh tạo cảm giác thay đổi đột ngột. Đây chính là điều mà khâu thiết kế ánh sáng cần phải khắc phục.
Xu hướng chung ngày nay là sử dụng nhiều chủng loại đèn khác nhau: đèn để bàn, đèn treo tường, đèn đặt trên sàn… rất đa dạng trong cùng một không gian. Do đó, người ta có thể “điều khiển” ánh sáng một cách rất linh động tùy ý muốn.
Cách bố trí đèn này cũng làm cho việc chiếu sáng có thể mô phỏng môi trường tự nhiên: ánh sáng mặt trời luôn chuyển sang sáng hoặc chuyển sang tối một cách từ từ. Cách chuyển sáng tối này sẽ tránh tạo phản ứng sinh học bất lợi cho cơ thể trước sự thay đổi đột ngột của chiếu sáng.
Bên cạnh việc bố trí nhiều chủng loại nguồn sáng, chúng ta có thể sử dụng hệ thống tăng giảm chiếu sáng của đèn bằng công tắc “dimming” hoặc hiện đại hơn là bộ điều khiển ánh sáng tự động với nhiều chương trình khác nhau mô phỏng điều kiện tự nhiên.
Tất cả đều nhằm tạo ra sự thân thuộc và dễ chịu cho người sử dụng.
VAI TRÒ CỦA CHẤT LƯỢNG ÁNH SÁNG
Chất lượng ánh sáng tốt nhất trên trái đất chính là ánh sáng mặt trời. Nguồn sáng nhân tạo có chất lượng cao luôn hướng đến các thông số của ánh sáng mặt trời để làm chuẩn mực. Sống dưới ánh sáng có chất lượng không tốt sẽ bị tổn hại về sức khỏe và cảm giác.
Hiện nay, chất lượng ánh sáng tốt nhất vẫn thuộc về các đèn hoạt động theo nguyên tắc đốt nóng như đèn dây tóc hoặc đèn halogen. Các loại đèn này cho hình ảnh vật rất trong trẻo, sạch và thật. Đèn huỳnh quang, trái với sự “tín nhiệm” của số đông, nó không phải là loại đèn cho chất lượng ánh sáng tốt.
Xu hướng tiêu dùng hiện nay đang hướng tới đèn LED như một giải pháp tân tiến nhất bởi rất tiết kiệm điện, không sinh nhiệt, không sinh CO2 … Hiện đèn LED vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục cải tiến và hoàn thiện.
Nhiều loại đèn LED trên thị trường có dải quang phổ rất thấp, cho cảm nhận về màu sắc vật thể sai lệch hoàn toàn. Chỉ cần thực hiện một số so sánh thực tế trên cùng một mẫu vật sẽ cho thấy rõ điều này.
Chất lượng ánh sáng khác nhau sẽ cho sự cảm nhận về màu sắc của vật thể khác nhau. Ảnh trên cho thấy chất lượng ánh sáng cao hơn ảnh bên dưới
SỰ CHÓI SÁNG
Một yếu tố cần quan tâm nữa trong thiết kế ánh sáng đó là sự chói sáng. Trong tự nhiên, ta chỉ bị chói khi nhìn thẳng vào mặt trời hoặc khi nhìn trực tiếp vào các bề mặt phản chiếu ánh nắng. Trong không gian nội thất, với ánh sáng nhân tạo, phải làm sao tránh tối đa việc trực tiếp nhìn thấy nguồn sáng.
Ánh sáng gián tiếp luôn đem lại cảm nhận dễ chịu nhất cho con người. Bố trí ánh sáng sao cho chỉ thấy ánh sáng mà không thấy bóng đèn là giải pháp tối ưu nhất!
Bài: MINH KHANG
Ý kiến chuyên môn: KS NGUYỄN QUỐC THỐNG
Ảnh: CARA ENGINEERING – LIGHTING, TƯ LIỆU
Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 9.2015
Có thể bạn thích
Màu của nắng
KTNĐ – Khi ánh sáng tự nhiên đi qua khu vườn và nhẹ nhàng phủ lên không gian nội thất, một không khí tinh khôi được khơi dậy. Trên những
Rộn ràng mùa hạ
KTNĐ – Như một mặc định lâu nay mỗi khi cần có không khí rộn ràng, những gam màu nóng thường được nghĩ đến trước tiên. Ấy vậy mà trong
“Chất” thiên nhiên
KTNĐ – Do nhu cầu sử dụng, căn biệt thự được thiết kế với khá nhiều phòng ngủ. Cách bố trí không gian chung – riêng cùng giải pháp kết