Cái Tết của Đồng Văn

Cái Tết của Đồng Văn

KTNĐ – Trong nhiều ngăn ký ức, cái Tết của Đồng Văn là một trong những quãng thời gian đẹp đẽ và tha thiết nhất của cuộc đời tôi, với những dấu ấn không bao giờ mờ phai của tuổi thanh xuân.

Địa đầu Tổ quốc – cao nguyên đá Đồng Văn nằm cách thủ đô Hà Nội hơn nửa ngàn cây số. Những con đường dài miên man uốn lượn theo triền sông, khúc khuỷu trên lưng đèo, dốc núi. Những chiếc xe khách lèn chật người và hàng vội vã lao đi trong không gian buốt giá, rét đến cắt da cắt thịt của rẻo cao. Giữa những tháng ngày hối hả ấy, khi lúa nương đã xếp chặt bồ, chum rượu tết đã ủ kỹ từ tháng trước, ngô treo lúc lỉu dưới hiên nhà, người vùng cao đang tính đến phiên chợ cuối năm, đi mua giấy bản mới về thay cho ban thờ ngày tết, giữa những tháng ngày ai đang đi làm xa đều mong ngóng đến ngày trở về nhà sum họp với gia đình đón năm mới, thì tôi, đã chọn cho mình một chuyến xe khách vội, để ra đi.

PHIÊN CHỢ TẾT
Hôm nay là phiên chợ giáp Tết. Tôi tỉnh giấc một phần vì quá rét, một phần vì tiếng lợn kêu eng éc mơ hồ. Nhìn qua ô cửa sổ, trời vẫn còn chưa tỏ, sương đọng thành giọt sũng sĩnh trên mái hiên. Bóng ai đó đang cắp lợn vừa đi vào phố, chân trần giá lạnh, chiếc váy Mông nhiều màu hối hả, tay giấu trong vạt áo. Tôi tự hỏi không biết nhà chị kia cách chợ huyện mấy con dao quăng, và con lợn tí hon kia hôm nay liệu sẽ đổi được bao nhiêu món hàng.
Chợ phiên với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao vốn đã là một thứ lễ hội hằng tuần, huống hồ đây là phiên chợ tết. Người dưới xuôi mang hàng lên đông một, thì người miền cao đi chơi chợ đông mười. Lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh con đường dẫn vào phố cổ Đồng Văn, bên hông chợ đá, người len nhau đi mua sắm và chơi tết đến không còn một khoảng trống, phía trên đầu, cờ Tổ quốc đỏ rực và ấm áp, như thể muốn xua đi cơn gió rét
đang tràn về từ trên đỉnh Đồn Cao. Ai cũng hối hả. Và hớn hở. Người mong bán được gùi rau, chum rượu, gánh
xôi màu, bánh gạo, nồi phở chua. Người mong sắm được tủ gỗ, dây lưng màu, đôi giày và giấy bản. Lại có người chỉ cần một chiếc ghế thấp bên chảo thắng cố, uống chén rượu nhạt với bạn vừa quen, vợ kiên nhẫn ngồi bên cột đá, đợi chồng như muôn đời.


Ngoài cơm áo gạo thịt sắm sanh dự trữ cho ngày tết, đám đàn bà con gái say sưa chọn váy áo mới, khăn quàng cổ, tranh thủ khâu lại đôi giày, cánh đàn ông lựa cây khèn, chiếc lồng chim chơi xuân, bọn trẻ níu tay mẹ xin mua mấy thứ đồ chơi xanh đỏ hoặc đơn giản chỉ là gói quẩy giòn hay quả bóng bay.

Một phiên chợ rộn ràng khác hẳn chợ dưới xuôi. Cũng người bán, kẻ mua mà sao tôi thấy như mùa xuân đang đọng trong từng ánh mắt, nụ cười của người biên giới. Tôi ngồi xuống trên thành một chiếc xe cải tiến ai đó đã bỏ ngang trên con đường vào chợ, máy ảnh buông lỏng trên vai. Giây phút ấy, tôi chỉ muốn được ngồi thật lặng yên, để ngắm từng gương mặt tết đang lướt qua trước mắt như một thước phim quay chậm trong phiên chợ của Đồng Văn.

NHỮNG MÓN ĂN TRUYỀN THỐNG
Quá trưa, phiên chợ vẫn còn đông như trẩy hội. Tôi lang thang vào phố cổ, ghé cửa hàng xay xát gạo những ngày cuối năm bận rộn và tất bật vô cùng, nhiều người phải xếp hàng chờ đến phiên. Chú bé người Mông hai má ửng đỏ, khăn bảy màu quấn cổ, mũ dạ đen đội đầu trông rất mạnh mẽ và can trường, ngồi bệt trên bậu cửa, vậy mà
hỏi gì cũng chỉ cười. Ngoài phố, ai đó đang đốt một nắm cây khô, lửa cháy đùng đùng, reo vui lách tách. Hỏi ra mới biết người đàn bà dân tộc Hán đốt cây lộc vừng lấy tro trộn vào gạo để gói món bánh chưng đen truyền thống.
Nghe có vẻ sạn nhưng với công thức và bí quyết riêng, món bánh chưng đen nhân đỗ xanh hoặc đường ấy, gói ra có mùi thơm đặc biệt, lại có thể để hàng tháng trời mà không hỏng. Ăn tết hết tháng giêng cơ mà.

Sau này, tôi có dịp biết thêm một món bánh tết cổ truyền của người Mông ở Đồng Văn, gọi là bánh láo khoải. Trên đường chạy từ Thài Phìn Tủng ra Sủng Là, tôi dừng lại trước cổng một căn nhà đang tụ tập đông người. Vào sân mới thấy mấy gia đình ở Sính Lủng, cả đàn ông, đàn bà, người già con trẻ đang tụ tập làm bánh láo khoải và
cán sợi mì từ bột ngô chuẩn bị đón xuân. Cuộc sống ấm no hơn, nhưng với đồng bào vùng cao, ngày tết vẫn không thể thiếu thịt lợn, thịt gà, rượu và bánh truyền thống làm từ gạo nếp hoặc bột ngô.

Thắng cố, mèn mén dễ dàng tìm thấy ở chợ phiên, nhưng mỗi khi bản làng có hội hè, ma chay, cưới hỏi, là cả làng lại có bữa tiệc chung. Tết cũng là dịp để nhà nhà quây quần cùng nhau làm những món ăn mùa cũ đã thành tục lệ trăm năm.

NHỮNG NỐT NHẠC XUÂN

Có lẽ suốt đời tôi cũng không thể quên tiếng bước chân chạy rộn ràng của đám trẻ người Mông ở Pải Lủng mùa xuân năm ấy. Nó như những nốt nhạc xuân ngân lên trong lòng tôi những giai điệu ấm áp và đủ đầy, ngọt ngào và sôi nổi. Bọn trẻ con như những mùa xuân của cuộc đời, hồn nhiên và tươi trẻ, háo hức và e dè, trong những bộ quần áo mới rực rỡ như hoa đào, hoa mận, nắm tay nhau dung dăng dung dẻ trên con đường mang tên Hạnh Phúc.

Ở trong thị trấn, trên những cánh đồng lớn đang mùa ngơi nghỉ, người ta cho dựng lên những cột cây nêu, những
chiếc đu quay, những bãi đất bằng phẳng để chơi đẩy gậy, chọi chim hay ném còn. Nhưng ở trên những triền núi đá, những lối mòn vắt vẻo lưng trời, đầu nhà, sân bản, còn có biết bao người ùa ra tung tăng đi chơi núi, tụ tập thành từng tốp từng tốp khiến khoảng trời miền đá trở nên sáng bừng và rạng rỡ. Đám thanh niên mới lớn có thể chơi trò bắt vợ, trêu ghẹo những cô gái xinh, đám trẻ nhỏ hơn cùng nhau chơi đánh cầu, nhảy ngựa.

Mặc kệ gió lạnh, sương mù, mặc kệ gập ghềnh núi đá, mặc kệ khăn chưa ấm vai, hài chưa ấm gót, mặc kệ khách đường xa đang bị bỏ bùa mê với nụ cười con trẻ, tiếng hát gầu plềnh bay cao hơn ngọn nêu, đánh thức mùa xuân về trên từng cành cây, ngọn cỏ, trên từng phiến đá tai mèo lô nhô như thạch trận.

Em có cùng tôi về, chơi thêm một cái
Tết của Đồng Văn?

BÀI & ẢNH THỦY TRẦN

Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số 1&2-2018

Có thể bạn thích

Văn Hóa Kiến Trúc

KHƠI LẠI NGỌN NGUỒN DÒNG CHẢY CUỘC SỐNG

Thành phố cho em tuổi thơ. Dòng sông cho em mộng mơ… (*) Biết bao nhiêu lời thơ ý nhạc ngợi ca dòng sông quê hương, dòng sông thơ ấu,

Văn Hóa Kiến Trúc

Khoảnh khắc nhiếp ảnh gia KTS Nguyễn Văn Tất

KTNĐ – KTS Nguyễn Văn Tất – 1955 Cầm máy và ghi lại những khoảnh khắc không thời gian tuyệt vời nào đó, ngày nay không còn là thế giới

Văn Hóa Kiến Trúc

Zaha Hadid – tinh cầu Starchitect

KTNĐ – Trong những ngày đầu Zaha Hadid viễn du vào một thực cảnh khác, dư luận thế giới đã dành cho bà những tình cảm thật đặc biệt.  Tờ The Guardian