CHIẾU SÁNG KHÔNG CHỈ CHO RIÊNG MÌNH

CHIẾU SÁNG KHÔNG CHỈ CHO RIÊNG MÌNH

Những gương mặt khách mời Bàn Tròn Nhà Đẹp Tháng 12 đều ở độ tuổi đủ chững chạc để đúc kết những giá trị về chiếu sáng đúng kỹ thuật, chiếu sáng theo nhu cầu, nhưng vẫn khá trẻ trung để tính năng động, sung sức trong nghề nghiệp của họ góp phần đem lại các trải nghiệm vừa cá nhân vừa mang nhiều suy nghiệm về gia đình, cộng đồng trong sử dụng ánh sáng nhân tạo. Với đa số ý kiến bàn luận, thưởng thức ánh sáng không chỉ là sở thích riêng biệt, mà luôn cộng hưởng, cân nhắc các giá trị của gia đình, trách nhiệm với môi trường nhiều hơn

#1 Theo Anh(chị), có sự khác biệt nào giữa chiếu sáng theo nhu cầu sử dụng, sinh hoạt và chiếu sáng nghệ thuật trong không gian sống? Việc quan tâm xử lý không gian hòa cùng chiếu sáng sẽ đem lại chất lượng tổng thể, hay chỉ cần dùng cách thức chiếu sáng sao cho “ngoạn mục” là có thể nâng tầm được mọi công trình?

  • bantron_Trương Hoàng NghĩaKTS TRƯƠNG HOÀNG NGHĨA, Giám đốc thương hiệu Đèn Trang Trí An An Decor.Theo tôi, chiếu sáng nào đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt hằng ngày thì được lựa chọn, và có lúc chiếu sáng nghệ thuật như một “bản nâng cấp” của chiếu sáng cơ bản. Nhu cầu tăng, người ta sẽ trả một chi phí cao hơn, từ ý tưởng thiết kế đến sản phẩm, để có sự khác nhau. Cách thiết kế và mẫu mã chọn lựa sẽ nâng tầm không gian ngôi nhà lên một mức khác, với sáng tạo kiểu dáng song hành cùng vật liệu sang trọng. Chiếu sáng đẹp, mang tính nghệ thuật sẽ khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho không gian sống.

Mặt khác, có sản phẩm tốt cũng không bằng sản phẩm phù hợp, cho nên trước tiên không gian cần đáp ứng đủ các công năng sử dụng hài hòa, rồi sẽ chú trọng tới nghệ thuật chiếu sáng. Thế hệ khách hàng trẻ trung năng động hiện nay không chỉ quan tâm đến hình thức, mà tính bền vững, điểm nhấn độc đáo có cá tính riêng cũng là những chọn lựa ưu tiên của họ.

  • TS.KTS LÊ THỊ HỒ VI, Giảng viên bộ môn kiến trúc bền vững, ĐH Kiến trúc TP.HCM: Các dạng chiếu sáng kể trên có sự khác biệt khá lớn. Theo nhu cầu sử dụng, sinh hoạt thông thường cần ánh sáng có đầy đủ “chất” và “lượng”. Trong đó, lượng thể hiện qua đủ độ sáng cần thiết cộng với sự phân bố đồng đều của ánh sáng. Còn chất là màu sắc ánh sáng và màu sắc vật thể, độ tương phản để thể hiện rõ chi tiết trong không gian, hướng ánh sáng để thể hiện được bóng đổ và hình khối rõ ràng của vật thể, và không bị chói. Với chiếu sáng nghệ thuật, bên cạnh quy tắc thiết kế cơ bản còn tùy thuộc vào “nhu cầu trình diễn”.

Thực tế có thể kết hợp nhiều cách thức chiếu sáng trong cùng một không gian. Do nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao, ranh giới giữa chiếu sáng sử dụng thông thường và chiếu sáng nghệ thuật ngày càng nhòa dần. Trong cùng 1 không gian có thể tồn tại nhiều lớp ánh sáng khác nhau: ánh sáng nền phân bố đều, ánh sáng điểm, ánh sáng hắt… Tùy thuộc vào thời điểm và khu vực sinh hoạt mà cách chọn lọc bố trí đèn trang trí hay đèn cho ánh sáng chung có thể khác nhau, gia tăng giá trị mỹ cảm cho không gian công trình, dĩ nhiên phải đảm bảo công năng sử dụng.

  • bantron_Thanh NhànCÂY BÚT TỰ DO, NHÀ SÁNG TẠO NỘI DUNG THANH NHÀN: Từ trải nghiệm cá nhân trước đây, tôi thử tìm hiểu và khá bất ngờ về các thông tin liên quan đến “ô nhiễm ánh sáng” và sức khỏe của cư dân đô thị hiện nay. “Ô nhiễm ánh sáng” gây cản trở nhịp sinh học, ảnh hưởng sự lên xuống bình thường của melatonin làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, béo phì, trầm cảm, ung thư… Chưa hết, “ô nhiễm ánh sáng” còn ảnh hưởng tới rất nhiều loại động vật hoang dã. Hóa ra, khi sử dụng sai cách thì dù là phát minh vĩ đại của loài người, bóng đèn điện, cũng gây ra tai họa khôn lường với môi trường. Thực tế, bóng tối là “người bạn đồng hành” không thể thiếu của ánh sáng và cuộc sống bình thường của con người, sinh vật tự nhiên. Nơi ánh sáng xuất hiện, dù là đêm hay ngày đều rất cần một khoảng tối, vùng bóng râm hợp lý để phát huy trọn vẹn giá trị. Do đó, tôi không cho rằng kỹ thuật chiếu sáng hiện nay giúp “nâng tầm” công trình nếu chỉ xem đó như một phương tiện trình diễn, mà bỏ qua tính hòa hợp và bền vững. Khi chiếu sáng có trách nhiệm thì dù là ngọn đèn nhỏ trong công viên hay những vệt sáng dẫn lối trong cầu thang đều cần đầu tư nghiêm túc và hợp lý. 

#2   Anh (chị) nghĩ sao về 2 thái cực quan niệm tiêu dùng trong chiếu sáng nhân tạo hiện nay: một là chiếu sáng cho nhà chỉ vừa đủ dùng, đơn điệu… và hai là làm trừ hao, đầu tư cao cấp cho hệ thống đèn? Có nên và có thể đưa ra chuẩn mực nào cho cách thức chiếu sáng vừa đủ với không gian sống chăng?

THANH NHÀN: Tôi nhận ra chiếu sáng nhân tạo cũng như dùng màu sắc không thể bắt chước hay “bắt trend”. Mỗi vùng địa lý, khí hậu và văn hóa, lối sống khác nhau sẽ có cách lựa chọn loại đèn, loại ánh sáng, cường độ sáng khác nhau. Chúng ta ở xứ nhiệt đới sẽ không hợp sử dụng ánh sáng và bảng màu như người Bắc Âu. Hay như nhà có người lớn tuổi mà chiếu sáng đa màu, đa sắc, rực rỡ chói lọi như xứ Phi châu thì chắc chắn khó được chấp nhận. Ở mức độ đầu tư vào chiếu sáng trong nhà cửa, cùng một dạng thiết bị, loại đèn, cùng loại ánh sáng… nhưng phủ lên bề mặt chất liệu hay màu sắc khác nhau thì cảm thụ ánh sáng không hề giống nhau. Đó là lý do mà nhiều gia chủ than trời hoặc “trách móc” giới chuyên môn là “em làm đèn cho chị không đẹp như cái resort bữa chị gửi”, “sao đèn nhà họ nhìn thấy ấm áp và bình yên còn nhà chị thì cứ bật đèn lên là muốn… nóng mặt.

  • TS.KTS LÊ THỊ HỒ VI: Có 3 mục đích chiếu sáng cơ bản trong không gian kiến trúc: Chiếu sáng để làm việc và di chuyển an toàn; Chiếu sáng để sinh hoạt thoải mái và chính xác; Tạo môi trường thụ cảm ánh sáng hài hòa tập quán và văn hóa. Ngoài ra, hệ thống ánh sáng nhân tạo như “chiếc áo” cho công trình vào ban đêm, do vậy cần hiểu đặc tính thẩm mỹ do ánh sáng mang lại để “ thưởng thức” được nghệ thuật chiếu sáng. Ở hai thái cực quan niệm tiêu dùng trên đều chưa tối ưu. Chiếu sáng chỉ vừa đủ dùng, đơn điệu, thì vẫn phải đạt được các yêu cầu tối thiểu cho chiếu sáng, và nếu thiếu tính thẩm mỹ thì chắc làm suy giảm giá trị mỹ cảm nơi cư ngụ. Còn đầu tư cao cấp cho hệ thống đèn thì vẫn nên quan tâm đến đèn tiết kiệm năng lượng, hệ thống đèn thông minh, cảm biến ánh sáng linh hoạt… vì đó là các chuẩn văn minh và an toàn với môi trường. 

Đã có các tiêu chuẩn về chiếu sáng cho từng không gian sống nhưng đa phần chỉ có giới hạn dưới hoặc chỉ số trung bình (khoảng 300lux cho phòng khách, 100lux cho phòng ngủ), nhằm đảm bảo yêu cầu tối thiểu cho sức khỏe (mắt) của người sử dụng. Các tiêu chuẩn ít nhắc đến giới hạn trên do điều này tùy thuộc vào sở thích và yêu cầu của người dùng. Tuy nhiên, các yêu cầu về chống chói (quá sáng) trong thiết kế chiếu sáng cho không gian kiến trúc có thể xem như giới hạn trên về chất và lượng của ánh sáng.

  • KTS TRƯƠNG HOÀNG NGHĨA: Đầu tiên theo tôi vẫn cần đầu tư cho đúng và đủ về công năng, vì cái quan trọng nhất vẫn là cái phù hợp, khi chúng ta đủ cảm xúc, đủ các điều kiện kinh tế sẽ “chịu chơi” nhiều thứ hay ho hơn và có thể trong mắt người khác đó là sự dư thừa, phô trương… nhưng với mỗi người “biết chơi” thì đó là cả một nghệ thuật và có câu chuyện đằng sau của nó.
  • Về chuẩn mực, theo tôi nên có những tiêu chuẩn mang tính đại chúng, dễ tiếp cận và đánh giá, để đại số khách hàng có thể dễ dàng cập nhật kiến thức cũng như quan tâm đúng mức đến chất lượng ánh sáng nơi ở của mình. Với xu hướng phát triển thời đại công nghệ, ánh sáng góp phần cực kỳ quan trọng trong cuộc sống. Nguồn sáng chất lượng, hợp lý không chỉ tạo nên không gian đầm ấm, mà còn góp phần kết nối tích cực các mối quan hệ, giữ “lửa” hôn nhân, hạnh phúc gia đình, ví dụ như ánh sáng đẹp và đúng tại bàn ăn, ánh sáng lãng mạn trong phòng ngủ…

#3 Dưới góc độ thuần túy “hưởng thụ” không gian sống, Anh (Chị) có thể chia sẻ quan niệm và giải pháp thực tế của mình đã làm cho tổ ấm của mình về mặt chiếu sáng nhân tạo?

* KTS TRƯƠNG HOÀNG NGHĨA: Một tổ ấm hạnh phúc là nơi có tình yêu, sẻ chia và sự thấu hiểu, vun đắp vào hạnh phúc chung thông qua những chọn lựa trong quá trình sinh hoạt và sử dụng sẽ có những kinh nghiệm riêng của mỗi nhà. Tuy nhiên, một số kinh nghiệm nho nhỏ tôi thấy đã áp dụng và muốn chia sẻ, cơ bản là gia chủ cần nắm được cách bố trí hợp lý tùy theo thực tế:

– Với các phòng được bài trí nội thất sáng màu thì cần ít ánh sáng hơn phòng sậm màu. Ánh sáng gián tiếp tạo không gian ấm áp nhưng sẽ không đủ sáng cho nhu cầu chuyên biệt như đọc sách – cần cò đèn chuyên dụng.

– Với căn hộ có bàn ăn kết hợp tiếp khách thì cần sử dụng đèn treo có thể thay đổi độ sáng để cho phép linh hoạt phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Đèn chùm cầu kỳ và nhiều tầng bậc sẽ khó phù hợp không gian thiếu chiều cao và không đủ khoảng lùi ngắm nhìn.

– Đèn tường kết hợp với gương hoặc tranh sẽ giúp tạo điểm nhấn cho không gian thêm sang trọng. Các loại đèn “chạy” theo cấu trúc tủ kệ phù hợp với nơi trưng bày, quầy bar.

*THANH NHÀN: Ở nơi công cộng như trung tâm thương mại, văn phòng… chúng ta phải chấp nhận nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng được mặc định sẵn. Nhưng khi trở về nhà, ta được lựa chọn và điều chỉnh ánh sáng phù hợp để nghỉ ngơi, thư giãn, để có cảm giác thuộc về mình, là chính mình. Chẳng ai lại muốn tiếp tục chịu đựng, gượng gồng trong chính ngôi nhà của mình, với một nguồn sáng có thể đảm bảo chỉ số kỹ thuật nhưng lại là ánh sáng không thân thuộc, không cho mình thoải mái hạnh phúc.

Tôi thường chọn cường độ sáng đủ cho góc làm việc, đọc sách, nấu nướng; chọn ánh sáng dịu nhẹ cho không gian phòng ngủ… sao cho đảm bảo nhịp sinh học và sức khỏe. Bên cạnh đó, tôi vẫn phải dung hòa, không thể chọn hệ thống đèn LED nhấp nháy gắn khắp nhà khi bố mẹ tuổi cao và cực kỳ khó chịu với những loại đèn chớp tắt liên tục. Và tôi cũng không thể yêu cầu con trẻ tắt đèn để sử dụng nến hay đèn mờ ảo cho lãng mạn, vì các con cần ánh sáng rõ ràng tươi tắn để chơi đùa, để học tập… Chiếu sáng đúng, với tôi là cần đảm bảo tính phù hợp với các thành viên khác trong gia đình, chứ không riêng gì bản thân mình.

*LÊ THỊ HỒ VI: Chọn đèn gì cho nhà mình phụ thuộc vào trải nghiệm và sở thích của mỗi cá nhân. Ví dụ, trong thiết kế cho khách hàng, tôi có xu hướng dùng đèn chiếu sáng có màu trắng ấm (3.000 – 5.000K) để mang lại không khí ấm cúng cho ngôi nhà. Tuy nhiên khi thiết kế cho riêng mình, tôi muốn trong nhà mang ánh sáng chủ đạo trắng lạnh (5.000 – 7.000K), mát mẻ. Các cụm đèn chiếu sáng nhẹ cho thời gian ban đêm, ví dụ như đèn cầu thang, đèn ngủ…  tôi sử dụng ánh sáng màu trắng ấm. tuy nhiên, theo kinh nghiệm cũng như sở thích cá nhân, các cụm đèn này ít khi được sử dụng.

Ngoài ra, trong gia đình có nhiều thành viên, mỗi người có sở thích sử dụng đèn khác nhau. Tôi sử dụng nhiều cấp độ đèn để có thể tùy chỉnh khi cần thiết, cũng là để “thích thì chiều” theo các thời điểm khác nhau và nhu cầu của gia đình.

bantron 02 Từ ngoại thất vào nội thất, ánh sáng luôn góp phần định hình giá trị cho không gian sống

bantron 03

Những không gian chức năng khác nhau luôn đi cùng giải pháp, cường độ, cách thức bố trí ánh sáng tương ứng phù hợp

 KS Nguyễn Quốc Thống, Chủ tịch HĐQT Công ty Giải pháp chiếu sáng CARA Lighting:

  1. Nhu cầu chiếu sáng có các cấp độ từ thấp đến cao:
  • Chỉ cần đủ sáng cho nhu cầu cụ thể đọc sách, học tập, ăn uống… với vài bóng đèn tròn hoặc 1 máng đèn tuýp (huỳnh quang) cho cả nhà.
  • Khi kinh tế khá hơn, người ta cần nhiều đèn để sáng hơn, chủ yếu để không hại mắt (cận thị).
  • Sau khi đủ sáng thì chú ý đến đèn chiếu sáng để làm đẹp không gian nội thất. Lúc này cần thiết kế chiếu sáng với các loại đèn có các công dụng khác nhau.
  • Khi khá giả, người ta quan tâm đến những đèn đắt tiền như là điểm nhấn trong nhà.
  1. Xét về mặt chuyên môn, chiếu sáng trong nhà phải đáp ứng được các nhu cầu:
  • Đủ sáng để làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi… Đủ sáng để bảo đảm an toàn cho thị giác, mắt không mệt mỏi, giảm đi thị lực. Đủ sáng không có nghĩa là sáng trưng mà sáng đúng chỗ, đúng lúc.
  • Tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu. Đây là cảm giác do ánh sáng mang lại nhưng thường ít được để ý, cho rằng đó là do nội thất.
  • Mỹ thuật, nghệ thuật: làm nổi bật nên kiến trúc, nội thất, các vật dụng trang trí (tranh ảnh, tượng, hoa…), trong đó vai trò, khiếu thẩm mỹ, khả năng thụ cảm của chủ nhà đóng vai trò quan trọng điều chỉnh, gia giảm ánh sáng.
  • Tiết kiệm điện, giảm ánh sáng dư thừa, lãng phí và hại thị giác.
  1. Ánh sáng phải có tính hợp lý, và có điểm dừng

Người ta thường quen với ánh sáng trong nhà nhưng ít để ý rằng nó có đúng hay phù hợp không. Khi có dịp tới một không gian khác nào đó (nhà người khác, khách sạn, nhà hàng…), người ta thấy thoải mái, dễ chịu lạ thường. Khi tìm hiểu họ mới biết rằng chiếu sáng là yếu tố quan trọng, không chỉ đẹp hay xấu mà còn tạo nên cảm xúc khác nhau.

Mặt khác, chiếu sáng là nghệ thuật, phải biết khi nào là đủ, không phải chi nhiều tiền là có được bữa cơm ngon, mà cần biết cách nấu ăn và chế biến. Chiếu sáng cũng vậy.

Thực hiện: KTS LÊ HUY

Ảnh: THÁI KHƯƠNG, HỮU HUÂN

Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC NHÀ ĐẸP SỐ THÁNG 12.2022

Có thể bạn thích

Bàn Tròn

Không gian sống như ta hằng mong muốn

KTNĐ – LTS: Bàn tròn số đầu năm 2017, Nhà Đẹp mời đến những vị khách thật đặc biệt. Đó không phải là những người làm chuyên môn trong lĩnh

Bàn Tròn

Chuyện về mùa mưa

NGUYỄN VĂN MINH KIẾN TRÚC SƯ KTNĐ – Tôi thấy rằng, một ngôi nhà dù có thể dùng vật liệu và hình thức xử lý đồng nhất nhưng với các

Bàn Tròn

NHÌN VỀ NƠI AN TRÚ

Vì một số lý do khách quan mà Bàn Tròn tản mạn đầu năm không được tổ chức tại một thời điểm với đầy đủ khách mời dự kiến. Tuy