CHỌN LỰA TRONG GIỚI HẠN

CHỌN LỰA TRONG GIỚI HẠN

Những chắt lọc trong màu sắc, đồ dùng, trong bố trí không gian đã tạo nên một Nấm tĩnh lặng và bình yên. Để dù ngồi ở góc nào, ta cũng thấy lòng mình nhẹ nhõm đến lạ.

Khi chọn cách “trở về” trong không gian ẩm thực, dù theo nghĩa nào, cũng có vô số lựa chọn cân nhắc đi kèm giới hạn.

Người chọn hoành tráng, tưng bừng, kẻ lại âm thầm lặng lẽ. Anh năng động, hoành tráng thì phối kết màu sắc, nâng tầm chi tiết, gây ấn tượng mạnh. Chị khéo léo, tinh tế thì gạn lọc những gì tinh túy, thổi hồn mới vào, thấp thoáng hương xưa…

Chọn vị trí sẽ nảy sinh giải pháp. Chọn thương hiệu không thể quên nhận diện. Chọn nhô ra sẽ khắc chọn lui vào…

Quán chay bởi vậy cũng có mẫu số chung và nét chọn lọc riêng, cũng bắt gặp đâu đó các bảng màu quen mắt, trang trí quen thuộc. Như các chi tiết và màu sắc lựa từ nguồn gốc thực vật, hay màu nơi cửa Phật cõi thiền, màu của buông bỏ muộn phiền, màu tỏ thâm trầm hướng thiện…

Chọn Nấm làm tên quán, đi cùng giới hạn của khuôn viên nhà cũ, hẻm nhỏ, là chọn trong muôn lối ta quen mà vẫn háo hức tìm kiếm. Ta quen nhưng chưa chắc thuộc về số đông, nên vẫn lạ như thường.

Nhẹ đi một chút nên thấy màu Nấm là màu phai chứ không nhạt. Như trong nắng chiều, trong khoảng sân nhỏ, Nấm bừng lên chất thanh tịnh mà không nhuộm sắc chùa chiền, vẫn giữ nét thanh đạm mà ít sa vào kiểu cố ý làm thô mộc, ôn nghèo kể khổ…

Đơn giản đi một chút để những tâm tình, hoài niệm thấp thoáng hiện lên trong từng món ăn được bài trí gọn gàng trên chiếc bàn gỗ không cầu kỳ, hoa mỹ. Thêm những đặt để đầy dụng ý như bộ tủ gỗ đựng đồ ăn thuở nào, rồi bộ chén đĩa hình gà, đến cụm đèn trang trí làm từ bu ấp gà… tất cả dẫn lối quay về khung cảnh ngày cũ chưa xa. Một khung cảnh quen với góc nhà cũ nơi con hẻm nhỏ, bên mâm cơm đơn sơ đầy ắp tiếng cười.

Khiêm cung một chút để không gồng mình phô diễn những điểm nhấn nổi bật hay o ép phải tuân theo một quy tắc, chuẩn mực nào. Có đôi lúc ta thấp thoáng thấy không gian mang hơi hướng thiền Nhật Bản, khi lại quay về chái bếp những ngày xưa, có khi lại điểm chút mới mẻ của cuộc sống hiện đại… Nấm khá lặng lẽ để tạo nên một góc dừng chân an tĩnh dù bên ngoài trục phố khá ồn ã ngược xuôi. Không nhất thiết xác quyết đi ăn chay vì sức khỏe, tín ngưỡng hay điều gì khác. Quan trọng hơn cả là thân tâm đủ quán chiếu những hồi vọng bình yên xưa cũ, giác quan được buông xả các nỗi ưu tư thường nhật, thì dù nơi chốn có đơn sơ và nhiều giới hạn vẫn đong đầy được thảnh thơi, an lạc.

THÔNG TIN CÔNG TRÌNH

Nấm – Vegetarian Bistro

Địa điểm: Quận 1, TP.HCM

Đơn vị thiết kế, thi công nội thất: T CONCEPT

03
01

Phía sau cánh cổng sắt hoen gỉ màu thời gian là khung cảnh quen thuộc của những ngày xưa cũ, nơi có cửa sổ mở ra hàng hiên đặt bộ bàn ghế gỗ ngồi thưởng trà, ngó nghiêng phố xá, nơi tụi trẻ con đùa giỡn ở hàng hiên lát gạch dưới bóng cây xanh mát…

05
02

Màu sơn vàng và xanh lam đặc trưng xuất hiện khéo léo kết hợp ánh sáng vàng qua chiếc đèn làm từ bu úp gà… giúp không gian toát lên vẻ Vintage xưa cũ như những ngôi nhà thập niên 90

01
04
03

Bộ chén đĩa hình gà, những bộ ghế gỗ cũ, chiếc tủ gỗ đựng thức ăn… không cầu kỳ, hoa mỹ nhưng lại chứa đựng nhiều ký ức thân thương bên chái bếp cùng bà, cùng mẹ bên mâm cơm đầy ắp tiếng cười

05
03
01

Những sắp đặt mộc mạc, đơn giản trong khung cảnh quen thuộc đã tạo nên Nấm, chốn dừng chân an lạc giữa phố thị đông đúc, xôn xao

Hiện trạng là một ngôi nhà nép mình tại một con hẻm nhỏ xinh ngay trung tâm quận 1. Ngôi nhà tuổi đời hơn 100 năm được giữ lại phần kết cấu chính, chỉ cải tạo lại nội thất. Chủ nhà còn muốn Nấm là nơi bình yên để thực khách đắm chìm vào không gian hoài niệm, thân thương. Do đó, chúng tôi tập trung vào các sắp đặt đơn giản, mộc mạc; vật liệu tự nhiên và vật dụng gợi nhớ ký ức như bộ chén đĩa hình gà, tủ gỗ đựng thức ăn, lu trồng sen… Đồng thời, những mảng tường cũng xử lý thủ công và sơn xanh lam, vàng tạo cảm giác gần gũi. 

Bài: NGUYỄN NHÀN

Ảnh: Phú Đào

Theo Tạp Chí Kiến Trúc Nhà Đẹp số Tháng 6/2023 – Chuyên mục Điểm Đến

Có thể bạn thích

Chốn Riêng

NHÀ MÌNH KHÔNG CÓ CHUYỆN KỂ

Bài: KTS Nguyễn Huân Hình ảnh: KTS Phạm Quốc Hiệp Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, mỗi ngôi nhà có một câu chuyện… Những khuôn thức chung ấy dường

Chốn Riêng

“TỚI CÔNG CHUYỆN” VỚI ĐIỂM NHẤN RIÊNG

Ai làm nghề cũng thường mong muốn công trình của mình giải được bài toán “vừa là… vừa là” muôn thuở. Vừa đạt hiệu dụng trong khai thác công năng

Giải Pháp

TÁI CHẾ ĐỂ BỀN VỮNG

Công trình nhà hàng này đã xác lập quan điểm 3R rõ ràng trong thiết kế, xây dựng và sử dụng, đó là Reduce, Reuse, Recycle để giảm thiểu, tái