“CHỐNG CHÂN” ĐỂ NGẮM CHÂN TRỜI
Không gian sống này đã ứng xử với cảnh quan khá trầm tĩnh, nhẹ nhàng, nhưng đề cao chất lượng sử dụng và tính gắn kết với đặc thù địa phương.
Khi chọn lựa cách thức tổ chức không gian sống cho mình, không phải gia chủ nào cũng khai thác hết được các thế mạnh của khu đất, địa phương nơi nhà mình tọa lạc. Có thể là vì các giới hạn của khu đất, thói quen khép kín không gian riêng tư, ít hướng ra ngoại cảnh chung quanh. Cũng có thể do tương tác giữa chủ đầu tư và nhà chuyên môn chưa đủ “hợp cạ” để tạo ra các ý tưởng khác biệt dựa trên những giả định khác biệt.
Nếu bạn có một mảnh đất nơi thôn quê cách xa trung tâm thành phố Đà Nẵng, bạn có “dám” cùng kiến trúc sư xoay xở các sắp xếp khác với thông thường để công trình mở ra cả vùng chân trời hút tầm mắt, băng qua đồng ruộng đến tận núi non không?
Nếu cuộc đất nhà bạn nằm trong vùng thường xuyên ngập lũ trên 1 mét, bạn có “chịu chơi” để chọn giải pháp nhà “chống chân” trên cột, gần như bỏ qua phần không gian tiếp đất để đẩy mọi sinh hoạt lên các tầng trên, hằng ngày được thoải mái ngắm chân trời quang đãng từ nhiều góc nhìn “đắt giá” trên cao không?
Nếu bạn biết chắt lọc những gì mình cần, liệu bạn có chọn ngôn ngữ thô mộc, với các khối hình vát xéo và mạnh đi cùng mảng bo tròn để vừa hạn chế đặc điểm không vuông vức của khu đất, vừa khai thác tận dụng ngóc ngách cho công năng, vừa biểu đạt tính hiện đại giữa vùng thôn quê này không?
Những chữ “ nếu” ấy cũng là đề bài và kết quả mà nhóm thiết kế cùng gia chủ đưa ra. Không gian sống này đã ứng xử với cảnh quan khá trầm tĩnh, nhẹ nhàng, nhưng đề cao tính gắn kết với đặc thù địa phương và chất lượng sử dụng. Họ đã “nói được làm được” một cách khá chỉn chu, và cả những xoay xở sáng tạo nếu cần thiết.
Tính sáng tạo ở đây biểu lộ qua xử lý công năng chặt chẽ và đủ đầy, sự thoải mái và tiện lợi. Tổng thể bên ngoài trông như hai khối hộp, một khối xám màu bê tông xếp chồng lên khối gạch trần nâu đỏ rắn rỏi. Những khung cửa vuông, tròn, chạy cong, xẻ dọc, chỗ ít chỗ nhiều, ngỡ như ngẫu hứng như thực ra được tính toán khá chặt chẽ để kiểm soát tốt tầm nhìn, tạo sự cân bằng đặc rỗng và như nhóm thiết kế quan niệm: mọi thứ nên cần được cân đối để cảm xúc vừa đủ và đạt được sự tinh tế đúng mức.
THÔNG TIN CÔNG TRÌNH
Công trình Fairytale, ngoại ô Đà Nẵng
Thiết kế: Hinzstudio, KTS chủ trì Phan Văn Trần Tuấn
Công trình tọa lạc ở vùng quê êm đềm với cánh đồng và những rặng tre xanh ngát
Các góc nhìn phong phú có thể nhìn ngắm cả hoàng hôn và bình minh mỗi ngày từ nhiều góc sinh hoạt trong nhà
Khối kiến trúc hiện đại, khúc chiết và phối kết mảng đặc rỗng khá ấn tượng
Cấu trúc mặt bằng khai thác hiệu quả các ngóc ngách và dùng chính hệ kết cấu, trục giao thông làm tạo hình bên ngoài
Chống chân tầng trệt để dẫn dắt không gian công năng lên các tầm cao thú vị
Ngôi nhà có một bảng màu thiên nhiên qua cảnh sắc bên ngoài, gạch trần và bê tông, khúc xạ và phản chiếu… khá thú vị
Mọi khoảng sinh hoạt chung, hay nơi riêng tư đều luôn được nhìn ngắm những “bức tranh thiên nhiên” phong phú, tươi mát
Bài: THẾ NGỌC
Ảnh: QUANG TRẦN
Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC NHÀ ĐẸP SỐ THÁNG 11.2022_YT
Có thể bạn thích
CÓ CÁI NẮNG, CÓ CÁI GIÓ…
Tọa lạc ở vùng đất cao nguyên có khí hậu chuyển đổi rõ rệt theo mùa tiết, như nóng, lạnh, khô hanh, mưa ẩm… ngôi nhà ẩn chứa nhiều sắc
SUM VẦY VỚI NẮNG VỚI GIÓ
Phòng ăn mở thoáng là nơi nữ gia chủ quán xuyến và tự tay trình bày những bữa cơm ấm cúng cho gia đình hay tiệc họp mặt bạn bè,
THÔ MỘC & BỒNG BỀNH
Những ngôi nhà khi “kiêm nhiệm” chức năng dịch vụ luôn phải giải bài toán cân đối giữa hiệu quả kinh tế và ước muốn riêng tư, quân bình sao