Chuyện về mùa mưa

Chuyện về mùa mưa

A_-Ng-Van-Minh_resize

NGUYỄN VĂN MINH

KIẾN TRÚC SƯ

KTNĐ – Tôi thấy rằng, một ngôi nhà dù có thể dùng vật liệu và hình thức xử lý đồng nhất nhưng với các bề mặt đón nắng mưa khác nhau sẽ đòi hỏi phải xử lý khác nhau.

Ví dụ chúng tôi từng làm một căn biệt thự được ốp gạch gốm, phía hướng đông bắc luôn khô ráo và không gặp vấn đề gì, nhưng qua hướng đông nam thì chỉ sau hai mùa mưa là nhà đã bị bám rêu mốc đen rất xấu, do hướng này bị gió tạt mạnh khi mưa và gia chủ đặt nhiều cây cối trên mái.

Nhớ lại, trong nhà xưa ta thấy cha ông hay quay phần tường đầu hồi xây kín ra các hướng đông, tây để giúp giảm nắng gắt, hướng nam và đông nam hay làm hiên rộng để mưa theo gió tạt vào chỉ đến bậc thềm, không làm hư hại cửa và tường.

Ngôi nhà hiện đại khó xoay xở thoải mái trong khuôn viên rộng như nhà xưa, nên cần chọn hình khối và giải pháp vật liệu sao cho hợp với điều kiện khí hậu cụ thể từng vùng.

bantron 1_resize_resize

Bên cạnh đó, những vị trí tiếp giáp giữa các hình khối, giữa nhà mới với nhà cũ, với nhà bên cạnh, các ô văng hay bồn hoa lồi ra… luôn là những điểm dễ bị thấm nhất. Vì vậy khi thiết kế và thi công rất cần quan tâm xử lý các vùng “nhạy cảm” này.

Theo quan sát của tôi thì một bộ mái đơn giản vươn rộng và đều đặn chắc chắn ít gặp thấm dột hơn là bộ mái nhiều nhấp nhô giao cắt phức tạp. Một mặt tiền có mảng đặc mảng rỗng hợp lý, có tường bảo vệ dày dặn và sơn hoàn thiện tốt sẽ khó bị thấm hay đóng rêu mốc so với một mặt tiền đục lỗ phức tạp, dùng gạch trần hay trang trí lắt nhắt.

Do đó, bảo vệ công trình và phòng chống các vấn đề thấm, mốc, dột… nhiều khi phải đặt vấn đề cả từ khâu thiết kế tạo kiểu dáng ban đầu, nếu kiến trúc có hình khối phức tạp và chi tiết trang trí bên ngoài nhiều thì cần tính toán giải pháp xử lý cụ thể, tránh biến các cấu kiện và kiểu dáng bên ngoài thành mảng bám rêu, đọng bụi, hứng nước, gây thấm dột…

Về vật liệu, gần đây nổi lên kiểu dùng gạch bông, gạch gốm thô mộc ở các quán xá khá ấn tượng, nhưng khi đưa vào nhà ở, theo tôi nên cân nhắc sao cho phù hợp, nếu thích xây mảng tường để gạch trần hoàn thiện thì phải chọn loại gạch và xử lý lớp phủ bề mặt thật tốt, và phải biết bảo trì thường xuyên, điều này hoàn toàn không dễ làm, đừng thấy Nhà thờ Đức Bà dùng gạch trần mấy trăm năm trước vẫn tốt mà nghĩ mình làm gạch trần thời nay sẽ được vậy!

bantron 9_resize_resize

A_-Lam-van-Chinh   LÂM VĂN CHÍNH

NHÀ THẦU XÂY DỰNG

Để chống thấm hiệu quả cho ngôi nhà đòi hỏi cả một quá trình, không phải ai cũng có điều kiện làm ngay hoặc đủ kinh phí để “chống” đại trà cho nhà mình khi mùa mưa đến.

Nhưng chống thấm thế nào để tiết kiệm mà vẫn hiệu quả? Tôi ủng hộ các nhà chuyên môn trong vấn đề chống thấm chủ động, từ đầu và kết hợp nhiều nhóm giải pháp.

Hiện nay, đa số nhà xây dựng mới thường ít đặt ra chuyện sử dụng hiệu quả phần mái bằng – sân thượng. Nếu không lên mái thường xuyên thì rất khó đảm bảo rằng cái “khay” khổng lồ trên nóc nhà mình không bị thấm. Khi đó thà lợp mái dốc còn đỡ tốn kém hơn là đổ tấm sàn mái rồi để đó cho mưa nắng hoành hành.

Về vật liệu mới, tôi thấy rất phong phú nhưng cũng cần kinh nghiệm xây dựng và thiết kế hợp lý, rồi “đi chợ“ cùng nhà chuyên môn để tìm loại phù hợp. Ví dụ với phòng tắm, có một vài trường hợp thi công không đúng kỹ thuật là làm theo kiểu đúc sàn âm (lật xuống dưới) đi ống vào trong, đôn nền lên rồi lát gạch hoàn thiện.

Cách làm này đòi hỏi phải ngâm nước xi măng chống thấm cho sàn âm, rồi thi công chống thấm rất kỹ lưỡng nhưng nếu có ngấm thì sàn âm đó trở thành cái khay tích nước.

bantron 4_resize_resize

bantron 8_resize_resize

Cách làm khác hiện nay phổ biến là vẫn làm như sàn bình thường và phải thấp hơn sàn ngoài phòng một chút, đóng trần dùng tấm kháng ẩm. Cách làm này giúp giảm thời gian công sức mà khi cần sửa chữa chỉ gỡ mảng trần tầng dưới khá đơn giản.

Việc chống thấm theo cách làm này phải lưu ý các vị trí lỗ đục sàn đi ống, và phải chọn những loại keo dán gạch, bột trét mạch gạch lát chuyên dùng có tác dụng chống thấm, vừa dễ kết dính, chống thấm tốt, vừa tiện lợi hơn so với cách pha trộn vữa theo thói quen chủ quan.

bantron 7_resize_resize

A_-Vo-Huu-Thuan   VÕ HỮU THUẬN

KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG

Trên thị trường hiện nay, các chủng loại vật liệu chống thấm cũng nhiều không kém gì các… kiểu dạng thấm. Mỗi chủng loại đều có các ưu nhược và cách thi công riêng.

Ngoài ra, vẫn có những cách chống thấm từ kinh nghiệm sử dụng các vật liệu thông thường (mà lâu nay quen gọi là “quét xi măng – lăn lanh cốt”) hoặc sử dụng kết hợp nhiều loại vật liệu. Dù theo cách nào, nên triển khai chống thấm từ giai đoạn xây thô và lựa chọn hợp với vị trí, cấu tạo, vật liệu của khu vực cần chống thấm.

Với nhà đang sử dụng mà bị thấm thì phải tiến hành khảo sát kỹ xem nguồn thấm từ đâu để ngăn chặn tác nhân gây thấm, rồi mới “chữa trị” cụ thể vị trí bị thấm. Cần phải có sự tham gia từ phía nhà chuyên môn đáng tin cậy để đưa ra giải pháp khắc phục triệt để và hiệu quả nhất.

bantron 3_resize_resize

bantron 6_resize_resize

Trường hợp với sàn thường xuyên dùng nước có diện tích lớn như sàn rửa xe, sân giặt phơi, có thể tham khảo các công nghệ chống thấm và xử lý bê tông bằng các hóa chất chuyên dụng quét lên trên bề mặt cần bảo vệ.

Cách làm tương tự nhà công nghiệp và các công trình công cộng như siêu thị, bến xe… phụ gia trộn cùng bê tông hoặc quét lên bề mặt sau khi ngấm vào bê tông sẽ trở thành một khối tinh thể mới, đông cứng, bịt kín và chống thẩm thấu.

Ngoài ra còn có các loại cao su lỏng dạng chống trơn trượt vốn thông dụng trong ngành cầu đường, khi áp dụng vào nhà ở có thể sử dụng tại các lối đi ngoài trời, gara xe, thậm chí có thể quét trên bề mặt mái tôn giúp giảm tiếng ồn khi trời mưa và chống tích nhiệt dưới mái.

Thực hiện: LÊ HUY
Ảnh: VIỆT KHÔI

Theo Tạp Chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – Số Tháng 7.2015

Có thể bạn thích

Bàn Tròn

Nhà ở chọn mới lạ hay truyền thống?

KTNĐ – Bài toán cân bằng những giá trị trong thiết kế không phải lúc nào cũng dễ giải quyết, đặc biệt là giữa mặt hình thức với những tiện

Bàn Tròn

TIN YÊU VÀ HOẠCH ĐỊNH

Theo Tạp Chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – Chuyên mục Bàn tròn số Tháng 3.2023

Bàn Tròn

Diện mạo mới của những chung cư cũ

KTNĐ – Không chỉ là những không gian thư giãn, quán xá, những không gian mới và “chất” xuất hiện ngày càng nhiều đã góp phần thay đổi chất lượng