Đóa tầm xuân ven bờ Baltic
KTNĐ – Khi biết mình sẽ đi đến vùng Baltic, tôi đã quyết tâm phải đến Estonia. Tallinn, thủ đô Estonia trong truyện “Lửa trong thành phố sẩm tối” của Eno Ravd của NXB Kim Đồng năm 1986 mà tôi còn giữ đến tận bây giờ. Một trong vài đất nước ly khai đầu tiên ra khỏi CCCP.
Trong truyện, một tên phát xít Đức đã nhìn và trầm trồ “nhỏ, đất nước nhỏ, nhưng rất đẹp”. Mà tôi thì thích cái gì nhỏ và đẹp. Vì muốn nhanh biết là nó đẹp. Mà lại đỡ mệt. Cái to và đẹp cũng thích, nhưng phải mân mê lâu quá.
Tallinn thật ra hơi giống Prague, cũng là một nước xã hội chủ nghĩa cũ, cũng Đông Tây Âu kết hợp, nhà thờ Chính thống giáo Orthodox củ hành xen lẫn Công giáo chóp nhọn.
Tallinn bé và xinh, gái đẹp, nhiều chỗ hơi nghèo, nhưng vẫn sạch, văn minh, giá cả rẻ, nhìn chung là hạp với mình. Vì mình cũng hơi nghèo, cũng nhỏ, rẻ và đẹp.
Nhớ những ngày rong ruổi từ Tây Âu sang Đông Âu rồi lại về Tây, cố gắng càn quét các phân vùng lãnh thổ, cứ đến các nước xã hội chủ nghĩa cũ là lại thấy khác nhiều. Và tôi tự hỏi không biết cái chính thể ấy thực sự có thể là một cái gì mà mạnh mẽ đến vậy, trong vài chục năm mà làm thay đổi hàng ngàn năm, không chỉ về vật thể mà còn về ý thức.
Ở Tallinn, sự pha trộn ấy đến bây giờ vẫn đem lại cho tôi một cảm giác gì đó vừa thân thuộc đáng yêu, vừa lẻ loi, quê quê nhưng lại hay hay, kiểu như cô gái quê xinh xinh thì vẫn đáng hấp dẫn đáng khao khát hơn là cô tiểu thư kiêu kỳ cầm kỳ thi họa các ngón nghề rành hết vậy.
Ngay từ trên tàu biển rời Stockholm đi Tallinn, gout cũ đang cố thoát thai đã thể hiện ngay bằng các bản nhạc disco kiểu như Boney M, Sandra, C.C.Catch, Joy… nhộn nhịp trên tàu, toàn nhạc của những năm 1980 Việt Nam còn chưa mở cửa kiểu “touch, by touch” làm tôi cứ ngồi trong bar uống bia mà phì cười không nhịn được!
Đứng từ tháp nhọn chụp tháp tròn – Nhà thờ Chính tòa lớn nhất Tallinn
Xinh đẹp và không bị tàn phá trong chiến tranh, đầy đủ núi sông và lịch sử
Tàu du lịch xuyên Baltic, nối các thành phố Stockholm (Thụy Điển), Helsinki (Phần Lan), Tallinn (Estonia), Riga (Latvia)…
Nhà cao tầng thời XHCN trên đường từ cảng về phố
Tallinn hài hòa giữa khu cũ và mới, cái gì cũng sạch, cũng xinh và cũng tràn đầy gió Baltic thoáng đãng. Wind of Change là từ Baltic thổi về chăng? Xe điện leng keng, đến năm nay hình như đã miễn phí hoàn toàn cho giao thông công cộng!
Còn wifi thì “free” toàn thành phố, tôi vừa đi lang thang trong khu thành cổ vừa post ảnh ầm ầm lên Facebook làm dân tình ở nhà cứ “giật đùng đùng”. Một đứa trong đoàn tranh thủ “Google” rồi la làng ồ đây là quê hương của Skype.
Dân Phần Lan, Thụy Điển ngày nghỉ rầm rập lên tàu sang Estonia ăn chơi nhảy múa và tha hồ lôi rượu bia về vì rượu bên này rẻ hơn hẳn bên kia. Nhìn chung cái gì cũng rẻ hơn bên Bắc Âu, bia Saku rất ngon mà chỉ có 1 euro một lon to, rẻ hơn một nửa cho mình bõ công uống dè ở bên Thụy Điển.
Phải công nhận Tallinn có một không khí giống Prague, nhưng khi nghĩ về Prague, tôi thấy nó như một bông hồng pha lê Bohemien rực rỡ, còn Tallinn như đóa tầm xuân nhạt hơn, hoang dại hơn, đáng yêu và dễ nựng hơn.
Hầu như Tallinn “thuộc về” Bắc Âu, từ ngôn ngữ đến lịch sử, chủng tộc. Và cuộc kết hôn với phía Đông có vẻ mang lại nhiều cay đắng hơn là ngọt ngào.
15 tiếng trên tàu Baltic Queen, tôi tranh thủ vớ được 1 anh người Estonia khoảng gần 40 trong siêu thị mini, trao đổi vài câu thấy anh lắc đầu rất kiểu cách khi nhắc đến Nga, nhưng khuyên là “mày nên đến St Peterburg, cũng đẹp”, “ồ nhưng mày phải có visa”. Tiếc hùi hụi!
Một cảnh phim cổ đang quay trên đường
Nhà bảo tàng thời Xô Viết, bên trong nôm na như quán cà phê Cộng nhà mình, toàn xe Lada, phích nước, nồi áp suất, đài radio kiểu quen thuộc với Việt Nam
Ngả ngớn uống bia ngoài quảng trường chính và ngồi sưởi nắng ngắm các nàng trong tiết thu quả thật không còn sung sướng gì hơn
Lễ hội hóa trang nhộn nhịp, các kiểu đoàn làm phim cổ trang với hiệp sĩ Trung cổ múa khiên giáo rầm rập ngoài đường. Mình thường chỉ thích các “thành phố buồn nhớ không anh…” nhưng Tallinn là một trong vài ngoại lệ.
Đi chơi loăng quăng trên phố cổ, nơi đẹp như bất cứ cái phố lát đá lắt léo nào ở châu Âu. Trèo lên tháp nhà thờ cao thứ 2 thế giới, uống bia quảng trường chính xong buổi chiều chạy ra siêu thị càn quét mua cả rau lẫn bia mang về Thụy Điển trước khi ra cảng xuống tàu, vẫn còn nhiều nơi hơi tiếc chưa kịp đến, nhưng chả tiếc.
Chỉ tiếc là không chụp được cảnh nào hôn nhau ngoài đường phố Tallinn.
Trong vài chục thành phố đã từng qua, có thể các điểm “must see” không đi hết, nhưng bao giờ tôi cũng cố phải làm các việc sau đây: (1) uống bia; (2) đi bar/đi nghe nhạc hoặc tham gia một hoạt động văn hóa tập thể (mặc dù có thể vào bar vẫn xách theo túi nilon cơm như bên Stockholm); (3) đi một mình ngoài đường xem các đôi hôn nhau.
Thật tiếc mình không phải là trai, nếu không thì bao giờ cũng sẽ phải có thêm số (4), một số 4 “must do”. Không chụp được cảnh ôm nhau ở Tallinn nên lấy ảnh Kutna Hora – cũng xứ XHCN cũ Tiệp – xem đỡ, tinh thần mình tưởng tượng ra cũng sẽ như vậy.
Siêu thị ở Tallinn, ở đây cũng bật nhạc Sandra!
Những nụ hôn rớt trên từng bậc thang thấp dưới mặt đường không ai ôm mặt khóc cạnh cột đèn chỉ có những thùng rác xanh quên đậy nắp (Du Tử Lê)
Và dù không thấy cảnh yêu đương ở đây, nhưng khi rời khỏi nơi này, trái tim tôi đã nằm dưới một viên đá lát…
BÀI: KTS LÊ THƯỢNG NHÃ
ẢNH: NGUYỄN ĐỨC VIỆT, LÊ THƯỢNG NHÃ
Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 3.2016
Có thể bạn thích
Pù Luông – mùa lúa chín
KTNĐ – Lúa Pù Luông chín một năm hai vụ, vào tầm tháng 6 và tháng 10. Cách Hà Nội không quá xa để có một cuối tuần hít thở
NHỮNG NGỌN PENJOR VÀ ĐỈNH THÁP THIÊNG
Trong mảng sáng tối loang lổ, những mảng rêu xanh, những bức tường gạch, các mảng phù điêu trên sa thạch cùng đan xen đưa tới cảm giác kính sợ
Chiều bên hồ Lucerne
KTNĐ – Chỉ gặp nhau một buổi chiều, nhưng Lucerne đã để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc đẹp. Một ngày nào đó tôi sẽ trở lại thành phố