KHƠI LẠI NGỌN NGUỒN DÒNG CHẢY CUỘC SỐNG
Thành phố cho em tuổi thơ. Dòng sông cho em mộng mơ… (*)
Biết bao nhiêu lời thơ ý nhạc ngợi ca dòng sông quê hương, dòng sông thơ ấu, dòng sông nguồn cội của mỗi người. Sông, hồ, hay tinh gọn lại là mặt nước luôn gắn liền với sự khởi sinh của nhiều nền văn minh. Từ văn minh Lưỡng Hà khởi tạo giữa đôi bờ Euphrates và Tigris, đến văn minh Trung Hoa thăng trầm bên Hoàng Hà, rồi các thành quốc (city-state) Hy Lạp cổ đại, nguồn gốc của văn hóa châu Âu, cũng gắn liền với mặt nước Địa Trung Hải. Cho đến thời hiện đại, đô thị lớn nào cũng được nuôi dưỡng bởi sông ngòi, như kiều diễm dòng Seine chảy qua Paris, hay nhịp đập trái tim London chính là tiếng vỗ bờ sông Thames. Tên của nơi chốn cũng là tên sông, như Amsterdam vốn xuất xứ từ Amstellerdam nghĩa là một con đập trên sông Amstel, còn khúc “Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định Đồng Nai thì về” ghi dấu gọi tên những địa danh mà sông Sài Gòn, chốn Sài Gòn, người Sài Gòn đắp bồi cùng nhau qua năm tháng.
Đến thế kỷ 19 khi giao thông cơ giới phát triển, hệ thống đường thủy trở nên yếu thế [1] người đô thị dần quay lưng với mặt nước đã từng là nguồn sống của mình. Sông Thames trong suốt thời kỳ Victoria cũng bị xả thải trực tiếp từ các khu dân cư và công nghiệp [2], hay như trường hợp của kênh Cheonggyecheon ở Seoul, trước khi trở thành một biểu tượng thành công trong việc tái thiết mặt nước đô thị, thì cũng từng bị lấp đi để xây một xa lộ bên trên. Cùng chung “số phận bên lề” như một số đô thị trên thế giới, sông Sài Gòn và các phụ lưu của nó từng bị bỏ lại phía sau khi nhịp sống đô thị ngày càng theo dòng “quá nhanh quá nguy hiểm”. Sài Gòn-Chợ Lớn khởi đầu cơ nghiệp trăm năm từ bờ kênh bến nước, nhưng quá trình xoay vần trao chuyển cũng có lúc người ta quên mất vai trò mặt nước nuôi nấng mình. Những dịp ra khỏi thành phố tìm chỗ vui chơi, người Sài Gòn vẫn tìm về quanh hồ Xuân Hương Đà Lạt, đổ ra biển Vũng Tàu, hay xuôi về miền Tây Nam bộ. Những cuộc “đi trốn” đó cho thấy, dù sinh hoạt của thị dân hiện đại không còn gắn chặt với kênh rạch, nhưng trong tiềm thức của mình, chúng ta vẫn không hề lãng quên mặt nước và dòng sông.
Rời xa dần mặt nước.
Không ai dám chắc mối liên kết giữa người Sài Gòn và mặt nước tự nhiên bắt đầu phai mờ từ khi nào. Một số cột mốc lịch sử cho thấy có lẽ xuất phát từ chủ trương quy hoạch của người Pháp vào cuối thế kỷ 19. Trước thời điểm đó, vùng đất TP.HCM ngày nay vẫn còn tách biệt thành hai thị tứ là Sài Gòn và Chợ Lớn, nối với nhau bởi hệ thống kênh rạch. Giao thông đường thủy vẫn là quan trọng nhất, trong đó kênh Tàu Hủ được xem là chủ đạo trong sự giao thương Sài Gòn-Chợ Lớn với Nam Kỳ lục tỉnh, xuống tận Hậu Giang [3]. Thậm chí, kế hoạch phát triển Sài Gòn như một thành phố kênh rạch, “Venice phương Đông” từng được người Pháp đặt ra. Nhưng đến năm 1863, chính quyền đề đốc Bonard sau khi tham vấn các bác sĩ thủy quân Pháp là Cormeyras, Laure và Lallyaux d’Ormay, thuận theo đề xuất lấp các ao, đầm, kênh rạch thành đường nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường nước, hạn chế bệnh truyền nhiễm và sốt rét, vốn đang gây tổn thất lớn cho người Pháp [4]. Về sau, người Pháp tái thiết các con đường cũ và mở thêm nhiều đường mới đẩy mạnh các tuyến hàng hóa thương mại. Tuyến đường sắt đầu tiên ở Đông Dương dài 70km nối Sài Gòn-Mỹ Tho hoạt động từ 1885, và cầu Bình Lợi đưa vào sử dụng năm 1902 rút ngắn hướng đi Thủ Đức, Biên Hòa, thông với đường thiên lý Bắc-Nam của người Việt xưa… dần làm mất đi vị thế thương mại của đường thủy. Khi suy giảm vai trò giao thông huyết mạch, kênh rạch và các hoạt động diễn ra xung quanh nó cũng dần biến mất, cư dân của một đô thị sông nước dần quên đi những mặt nước tấp nập và nhộn nhịp lâu nay.
Hãy lắng nghe dòng sông, bằng nhịp thời gian, miên man con nước yêu thương vỗ về…(**)
Khoảng 20 năm gần đây, mặc dù các con kênh lớn như Nhiêu Lộc-Thị Nghè hay Tàu Hủ-Bến Nghé đã dần được khôi phục môi trường nước, nhưng vai trò không gian mặt nước vẫn còn lắm mơ hồ, ngổn ngang. Sau một thời gian dài bị quay lưng, dòng Sài Gòn và chi lưu chảy qua đô thị dài 80km dần được nhìn nhận dưới vị thế “cao cấp” trong thị trường bất động sản, nhà ở. Một số đoạn sông đẹp, như khu Thảo Điền, đoạn hợp lưu giữa kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè với sông Sài Gòn, khu nam Sài Gòn… các dự án nhà ở cao cấp hầu như “chiếm” trọn mặt sông chung làm của riêng, đôi chỗ còn xâm phạm vùng bảo vệ bờ sông. Nguồn tài nguyên quý giá cho không gian đô thị vẫn chưa được nhìn nhận nhiều dưới góc độ lợi ích tổng thể cho cư dân, nơi cộng đồng của vùng đô thị đông đúc xứ nắng nóng này được vui chơi, sinh hoạt, giao lưu… cùng mặt nước, dòng sông, và được “miên man con nước yêu thương vỗ về” đúng nghĩa.
Kết nối mặt nước, cộng hưởng đa lợi ích
Có thể nếp sống hiện đại không còn lệ thuộc nhiều vào kênh rạch, nhưng đời sống tinh thần xung quanh mặt nước thì hầu như chưa bao giờ phai nhạt. Hồ Con Rùa hay Bồn binh cây Liễu dù chỉ là những mặt nước nhân tạo với diện tích nhỏ bé, vẫn gắn với nhiều kỷ niệm của người Sài Gòn, có lẽ vì quá thân quen gần gũi. Làm sạch làm đẹp mặt nước đô thị là bước đầu, còn muốn thực sự đưa mặt nước hòa vào nhịp sống đô thị thì việc tái thiết phải được tính toán chỉn chu và sáng tạo từ các nhu cầu của cư dân và xu thế chung trên thế giới. Nếu như trước đây mặt nước cần rộng rãi, an toàn cho thuyền bè qua lại, thì ngày nay mặt nước và bối cảnh lân cận cần phải hấp dẫn, thoải mái và đa dạng hoạt động, từ vui chơi, thư giãn, đến thương mại, dịch vụ… sao cho các bên tham gia (người dân, doanh nghiệp, quản lý) đều được cộng hưởng lợi ích cùng nhau.
Nhưng nguyên lý trên chưa dễ hiện thực hóa ngay, mà cần các cấp quản lý và giới chuyên môn khảo sát thực tế, tham vấn chuyên gia, xây dựng lộ trình, giải bài toán kinh tế… phù hợp, như một số dự án dưới đây trên thế giới đã xử lý hiệu quả.
Dự án tái thiết suối Cheonggyecheon (Thanh Khê) ở trung tâm Seoul là kinh nghiệm tốt trong việc đưa mặt nước về gần với con người. Dòng suối này cũng trải qua một giai đoạn bị bỏ mặc khi Seoul đang phát triển, trở thành mặt nước đen. Khoảng những năm 1950, chính quyền thành phố quyết định lấp dòng suối này, và năm 1984, một con đường nhựa (Cheonggye Road) đã mở ra ngay trên vị trí dòng suối cũ. Mãi đến năm 2001, chính quyền Seoul quyết định tái lập cảnh quan mặt nước, dù “suối” ngày nào giờ chỉ còn là một lạch nước nhân tạo được bơm 120.000 tấn nước mỗi ngày, nhưng chính nhờ vào thiết kế thân thiện với người đi bộ cộng với cảnh quan đa dạng, dự án vẫn rất thu hút, tạo ra chỗ chơi mới cho người dân đô thị. Có đến 12 cầu dành riêng cho người đi bộ, nhiều cầu thang đi xuống dòng suối được bố trí để cảnh quan và mặt nước bên dưới kết nối cùng khách bộ hành, tạo ra không gian công cộng và tăng trưởng thương mại dọc hai bên dòng suối. Số lượng các tòa nhà văn phòng, cửa hàng nhỏ và nhà hàng tăng thêm hơn 20% [5]. Mặt nước đã thực sự mang đến niềm vui và sự thịnh vượng cho đô thị.
Victoria & Alfred Waterfront (V&AW) ở Cape Town-Nam Phi là một ví dụ khác về tái thiết các hải cảng cũ, đưa cộng đồng đến gần hơn với mặt nước trong đô thị. V&AW được thành lập năm 1988, là một phức hợp gồm các không gian bán lẻ, văn phòng, dịch vụ lưu trú, nhà hàng, và các khu vực giải trí, kết nối tái thiết khu vực bến Alfred và bến Victoria, là hai bến tàu lịch sử được xây dựng vào thời thuộc Anh. Khu vui chơi trên bến dưới thuyền này khiến V&AW trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất Nam Phi, với hơn một nửa số du khách đến từ trung tâm Cap Town, cung cấp hơn 16,000 công việc, và trở thành điểm nhấn chính trong cơ cấu kinh tế của cả thành phố.[6]
[
Sự lựa chọn cho việc thư giãn và vui chơi trong đô thị cũng như cách người ta chơi ở nhà của mình. Có thói quen, tiện ích, và có cả ký ức lẫn tâm thức thế hệ về một nơi chốn, điều không dễ xóa nhòa, mà thực ra, cần giữ gìn và trân trọng đúng mức. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng có viết: “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây là một tục ngữ của người Việt thời cận hiện đại để chỉ những mức sống tốt nếu có thể lựa chọn. Ở câu trên cho thấy xu hướng chọn những gì tiện lợi cho đời sống của mình, dù đó là sản vật của dân tộc khác.” [7]. Đây là một lời bình không sai về sự cởi mở trong gặp gỡ-dung nạp-tiếp biến văn hóa sống của người Việt. Trong thế giới phẳng, chỗ chơi và nơi ở của cư dân đô thị rất đa dạng, ít nhất là khoảng 20 năm đầu thế kỷ 21 này, không chỉ nhà Tây mà còn có hồ khoáng nóng, vườn thiền và hồ cá koi, hay trường dạy cưỡi ngựa Ả Rập, bắn cung Nhật, leo núi… Sự mới lạ giúp nhanh chóng xua đi cái khô khan và tẻ nhạt của đời sống đô thị hiện đại. Nhưng sự thân quen với ngọn nguồn của văn hóa bản địa, cụ thể là được tái kết nối với mặt nước tự nhiên, thì chắc chắn vẫn luôn là niềm vui vô giá của những ai được hòa nhịp sống cùng những giai điệu da diết nơi thành phố bên sông này.
Khi đi xa rất nhớ dòng sông
Đi đâu xa cũng nhớ về em
Em đang đi, đi bên sông chở đầy nắng hồng (*)
(*) : Lời bài hát Thành phố đêm nay đầy sao, NS Phạm Minh Tuấn
(**):Lời bài hát Tình yêu con tàu và dòng sông, NS Nguyễn Đức Trung
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Wolf, W. (1996). Car Mania: A Critical History of Transport. Pluto Press. trang 2.
[2] Hayman, K. (2001 April 20). A tale of two rivers. BBC
[3] Lưu, T. T. T. (2013). Kinh rạch Sài Gòn xưa, in trong cuốn Sài Gòn xưa và nay (Tái bản lần 3, trang 147-153). NXB Hồng Đức.
[4] Nguyễn, Đ. H., Doling, T., Võ, C, M. (2020). Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn – Chợ Lớn xưa và nay. NXB Văn hóa-Văn nghệ.
[5] Lee, J. Y. & Anderson, D. C. (2013). The Restored Cheonggyecheon and the Quality of Life in Seoul. Journal of Urban Technology, Vol.20 (No.4), trang 3-22.
[6] Ferreira, S. & de Villiers, R. (2014). The Victoria and Alfred Waterfront as playground for Capetonians. Urbani izziv, Vol. 25, supplement.
[7] Phan, C. T. (2015). Văn minh vật chất người Việt (Tái bản lần thứ 5). NXB Tri Thức. trang 560.
Hình 1, 2: Dù Hà Nội hay Hội An, những vùng cảnh quan chính của đô thị vẫn luôn gắn liền với sông, hồ
Hình 3, 4: Mặt ao hoang dã trong bảo tàng Branly, hay một ghềnh đá nhân tạo giữa công viên Bercy cho thấy Paris sáng tạo thế nào khi tạo lập tiện ích nơi công cộng gắn với mặt nước.
Hình 5: V&AW ở Cape Town-Nam Phi, sau khi cải tạo thành một điểm trên bến dưới thuyền cực kỳ thu hút.
Hình 6, 7, 8: Kiến tạo cho Thanh Khê mới thành không gian công cộng hấp dẫn, chính quyền Seoul đã sửa lại những sai lầm khi lấp suối trong quá khứ
Hình 9, 10: Những con kênh nhỏ ở Rotterdam làm nên thương hiệu thân thiện, xanh mát cho thành phố này.
Hình 11, 12, 13: Hồ Con Rùa, Bảo tàng áo dài, Cầu ánh sao…những không gian mặt nước mới cũ, lớn nhỏ khác nhau của Sài Gòn – TPHCM nhưng luôn cần chăm chút, tương tác, nâng tầm…
Bài: KTS BÙI THÚC ĐẠT
Ảnh: KHANG HẠNH, TƯ LIỆU
Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC NHÀ ĐẸP SỐ THÁNG 6.2022
Có thể bạn thích
Shwenandaw tu viện bằng gổ Teak
KTNĐ – Nằm ngay trên con đường nối tu viện Atumashi và Đại học Phật giáo Mandalay (cố đô Mandalay, Myanmar), tu viện Shwenandaw đã níu bước chân tôi cả
Bảng thiết kế của Hollywood
KTNĐ – Kiến trúc giống như một viên ngọc, nó cần được lau, mài, giũa, tỉa, chế tác tỉ mỉ, cẩn trọng, tinh khéo để có thể tạo nên khí
Khoảnh khắc nhiếp ảnh gia KTS Nguyễn Văn Tất
KTNĐ – KTS Nguyễn Văn Tất – 1955 Cầm máy và ghi lại những khoảnh khắc không thời gian tuyệt vời nào đó, ngày nay không còn là thế giới