Làng Gamcheon “khu ổ chuột” kiểu hàn
KTNĐ – Người ta gọi Gamcheon bằng nhiều cái tên mỹ miều như Machu Picchu hay Santorini của Busan (Hàn Quốc), nhưng ít ai biết rằng ngôi làng văn hóa có “truyền thống” gần 60 năm này là một khu ổ chuột của những cư dân nghèo trong thành phố.
Tôi thuộc thế hệ 8X đời cuối, ít rung cảm với những trào lưu văn hóa du nhập từ xứ Hàn như phim ảnh, K. Pop, thời trang hay mỹ phẩm. Ngay cả chuyến đi Hàn Quốc 10 ngày vừa qua cũng là một sự ngẫu hứng không có chủ đích, nhưng những gì tôi nhặt về từ xứ sở kim chi quả không đong đếm được. Trong đó có cả sự mở mang về kiến trúc, quy hoạch cảnh quan, giao thông đô thị, giáo dục, văn hóa ứng xử nơi công cộng và dĩ nhiên không thể thiếu mảng du lịch.
Gamcheon là một điển hình như thế! Hơn 65 năm trước, Busan từng là “miền đất hứa” của những người tị nạn trong cuộc chiến tranh Nam Bắc Triều Tiên. Chỉ riêng hai tuần đầu tháng 7-1950 (khi cuộc chiến tranh vừa bùng nổ) người ta ước tính đã có 380.000 người tị nạn Triều Tiên đã tiến vào biên giới phía nam Hàn Quốc, trong đó tập trung nhiều nhất ở thành phố biển Busan. Vùng đồi núi Gamcheon (một phân khu của quận Saha-gu ở miền trung tây Busan) được chọn làm nơi trú chân của những người dân tị nạn nghèo khó. Họ dựng lên chừng 800 ngôi nhà gỗ tạm bợ nằm rải rác trên các con dốc ngoằn ngoèo bên sườn núi.
Sau khi chiến tranh kết thúc, cuộc sống của người dân trong khu ổ chuột này vẫn không được cải thiện và luôn ở trong tình trạng khó khăn, thiếu hụt điện, nước. Tình trạng này kéo dài đến gần 60 năm sau, trong khi những phần khác của thành phố Busan đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Mãi đến năm 2009, khi chính phủ Hàn Quốc quyết định biến Gamcheon thành một món “đặc sản” cho ngành du lịch, ngôi làng này mới được thay da đổi thịt và khoác lên mình cái tên mới “Làng văn hóa Gamcheon”.
Quá trình biến khu ổ chuột thành một điểm đến văn hóa và sự sáng tạo có sự tham gia tích cực của các nghệ sĩ, người dân địa phương lẫn sự đầu tư của chính phủ Hàn Quốc. Tôi không được trải nghiệm một Gamcheon ngày trước, nhưng diện mạo mới của ngôi làng xứng đáng là một điểm đến du lịch.
Chúng tôi đến Gamcheon vào một ngày nắng ấm tràn lên mọi nẻo đường và nhiệt độ bên ngoài khoảng trên 5 độ C. Sau những ngày lạnh giá ở Seoul, khí trời ấm áp cùng những mảng xanh lác đác của cây lá ở Busan thật sự làm cả nhóm vui thích. Từ trạm metro, chúng tôi leo bộ trên con đường chính dẫn vào làng, hai bên là những ngôi nhà thấp bé, lô xô nhưng sạch sẽ, chỉn chu với những màu sơn mới. Diện mạo và cấu trúc của ngôi làng dường như không thay đổi so với mô hình cũ, các nghệ sĩ chỉ cố gắng tạo nên “chất thơ” để thay thế vẻ nhếch nhác, lụp xụp thường thấy ở các khu ổ chuột. Nhiều cửa hàng lưu niệm, các quán cà phê, các tiệm bánh và những nhà trưng bày nghệ thuật vừa mới được mọc lên để phục vụ du khách. Tất cả đều được thiết kế xinh xắn, dễ thương và lãng mạn kiểu Hàn.
Người ta cũng thi vị hóa những bức tường, ban công hay các góc phố bằng vô số bức tranh vẽ tường, những tác phẩm điêu khắc, hoa tươi hay các món đồ trang trí. Mỗi lần len vào một con hẻm nhỏ, chúng tôi lại ồ lên như những đứa trẻ vừa bắt gặp một món đồ chơi. Thỉnh thoảng lại bị lạc vào một “thư viện sách” nằm giữa trời, thế giới của các hộp thư hay vương quốc của Hoàng tử bé.
Giữa những tác phẩm mang tính trang trí hơn là chuyển tải các giá trị nghệ thuật, tôi thích nhất là ngôi nhà cộng đồng được làm bằng những song gỗ thưa, nằm trên triền dốc. Nhà có một khoảng sân rộng để trống cho du khách ngồi chơi, ngắm cảnh; một cầu thang nhỏ đủ chỗ cho một người đi và một chỗ ngồi duy nhất nằm giữa tầng áp mái. Ngồi ở đây, tôi có thể thầm lặng quan sát cả thung lũng bên dưới, đồng thời lẩn trốn đám đông và chiêm nghiệm về bản thân mình.
Với lợi thế của miền đồi núi, Gamcheon còn có một đặc sản khác là hoa anh đào. Mùa xuân (bắt đầu chớm hè ở nước ta), anh đào dại phủ trắng các sườn đồi tạo thành một khung cảnh nên thơ, bắt mắt. Tôi mải chạy theo hoa nên đi lạc vào một xóm nhà. Trước sân, một bác trai đang làm vườn thì có chàng trai trẻ mặc quân phục, khoác ba lô trên lưng chạy đến gọi ông từ xa. Ông bỏ cuốc, hớn hở chào anh rồi cả hai ôm nhau trên triền dốc. Họ đi về phía mái nhà lợp tôn xanh có điểm những bông hoa anh đào trắng nõn, vừa đi vừa rôm rả chuyện trò. Hoa rơi lả tả trên bậu cửa họ ngồi. Tôi đứng nơi đầu dốc, chẳng muốn rời chân đi. Có những hạnh phúc giản đơn như đón một màu áo lính trở về!
So với những quốc gia châu Âu và Đông Nam Á tôi đã ghé thăm, Hàn Quốc là một sự pha trộn kỳ lạ của phương Đông và phương Tây, của truyền thống và hiện đại nhưng vẫn là tổng thể nhất quán, hài hòa. Làng văn hóa Gamcheon cũng là một sự pha trộn kỳ quặc giữa cuộc sống đời thường bình dị và nghệ thuật đường phố. Không kể đến giá trị khai thác du lịch, bản thân việc đầu tư cải tạo Gamcheon đã là một hành động mang tính nhân văn nhằm cải thiện đời sống của cư dân địa phương đồng thời gìn giữ những giá trị lịch sử.
Với ý nghĩa này, dự án đã giành được nhiều giải thưởng quy hoạch trong khu vực trong đó có giải thưởng của Tổ chức định cư con người Liên Hiệp Quốc tại châu Á UN-Habitat năm 2012 và các giải thưởng của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc.
BÀI & ẢNH: NGÔ LY KHA
Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 8.2016
Có thể bạn thích
Pù Luông – mùa lúa chín
KTNĐ – Lúa Pù Luông chín một năm hai vụ, vào tầm tháng 6 và tháng 10. Cách Hà Nội không quá xa để có một cuối tuần hít thở
Sống tối giản hẹp nhà mà rộng đời!
KTNĐ – Kinh đô Paris luôn hào nhoáng với những công trình kiến trúc cầu kỳ và hùng vĩ, những cửa hiệu thời trang cao cấp, những khối nhà mặt
Bali – giấc mộng hoang đường
Người ta bảo “Bali chính là một ngôi đền nổi khổng lồ mà ở đó tất cả các ngôi nhà đều là đền thờ và tất cả các đền thờ