Mái nhà miền biển
KTNĐ – LỜI TÒA SOẠN: Tạm lắng được mối lưu tâm về thời sự, giữa cái nóng bức của thời tiết gần đây, điều chúng ta thường xuyên nghĩ đến hẳn là cảm giác mát lành của biển, kèm với đó là những thành phố, thị trấn muôn hình muôn vẻ trải dọc theo dải đất hình chữ S.
Nhiều công trình, từ nhà ở đến công cộng, đã hình thành và góp thêm những dấu ấn thú vị trên bản đồ kiến trúc.
TRỊNH BÁ HOÀNG SA – KIẾN TRÚC SƯ
Đường bờ biển dài suốt lãnh thổ Việt Nam tạo nên sự đa dạng, phong phú về cảnh sắc, văn hóa biển.
Theo quan sát của tôi, các vùng cư trú ven biển nước ta có thể tạm đưa về 2 dạng vùng cơ bản. Một là vùng cư trú ven biển còn giữ ít nhiều nét tự nhiên nguyên thủy: đây là những khu vực biển còn hoang sơ, đời sống sinh hoạt của người dân vẫn còn gắn với kinh tế biển truyền thống.
Tại đây các tín ngưỡng biển như lễ hội cá ông, lễ hội cầu ngư… được vật thể hóa qua các di tích tín ngưỡng trong cộng đồng làng chài, đi cùng những nếp nhà và con thuyền đang nằm phơi trước sân, với hình ảnh ngư dân cặm cụi đan lưới, hay những người mẹ, người vợ ngóng ra biển chờ người thân trở về sau những chuyến xa khơi…
Những hình ảnh đặc trưng cho “nếp nhà miền biển”, dù ít hay nhiều các vùng cư trú ven biển ấy cũng đang chịu ảnh hưởng mai một trong tiến trình phát triển chung, nhưng vẫn còn giữ được nét mộc mạc, dung dị vốn có.
Hai là dạng vùng cư trú ven biển đã được đô thị hóa, đầu tư và khai thác, tập trung tại các thành phố biển có tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch… với ngày càng nhiều khu resort nghỉ dưỡng, khách sạn, bãi tắm, nhà hàng, cảng biển, khu công nghiệp… dần thay thế cho những làng chài truyền thống.
Việc quy hoạch, phát triển không gian đô thị ở các phân vùng này vẫn còn những hạn chế và chưa đồng nhất nên có thể thấy bên cạnh các cụm kiến trúc đơn lẻ của từng khách sạn, resort tạo ra được những điểm nhấn, vẫn còn những dự án tồn tại lạc lõng giữa nét đẹp vốn có của thiên nhiên, biển cả, thậm chí tạo hình ảnh phản cảm, xa lạ.
Khai thác được đặc trưng tự nhiên và giữ gìn dấu ấn văn hóa xã hội là điều cần làm trong tổ chức không gian cư trú ven biển hiện nay
Tôi chưa nhận thấy nhiều sự đặc trưng cụ thể trong kiến trúc nhà ở ven biển Việt Nam hiện nay, có chăng đó là đôi nét lãng mạn nhờ bối cảnh tự nhiên vốn có, chứ chưa thực sự nhờ dấu ấn thiết kế, xây dựng.
Bên cạnh đó, cũng bởi những tác động đặc thù tự nhiên như nắng gió mưa bão, độ ẩm độ mặn… nên những nét hoen ố, rong rêu, gỉ sét trong vật liệu, cấu trúc của ngôi nhà ven biển cũng in dấu rõ rệt hơn so với nhà ở các vùng cư trú khác như đồng bằng, cao nguyên, miệt vườn.
Những người làm chuyên môn như chúng tôi rất mong mỏi một định chế chặt chẽ hơn từ quản lý quy hoạch đến thiết kế đô thị, tiêu chuẩn xây dựng công trình để các mái ấm ven biển Việt Nam không bị nhạt nhòa, giữ được bản sắc riêng và phát triển hài hòa, bền vững.
TS.KTS NGUYỄN BÍCH HOÀN – GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC TP.HCM
Tôi vừa đi một số đảo ở Bali, Indonesia về và cảm nhận ít nhiều về cách người dân bản địa “đối xử” với không gian cư trú ven biển.
Trong khi không gian phố thị ven biển ở Việt Nam đang ngày càng bị “phố hóa”, bê tông hóa một cách vội vã nửa vời thì các không gian biển ở Maldives hay Bali vẫn triệt để giữ lại nét hoang sơ, xem đó như tài sản vô giá và khai thác rất hiệu quả quỹ di sản thiên nhiên ấy.
“Cao không quá đọt dừa” là câu cửa miệng quen thuộc khi họ xây dựng nhà cửa, là quy định rất rõ ràng cho chiều cao kiến trúc ven biển (tất nhiên đó đây vẫn gặp công trình dịch vụ cao tầng, nhưng chỉ là thiểu số ít ỏi và được đan xen với đồi núi cây cối kín đáo để không tạo sự lấn át thiên nhiên).
Vào các ngôi làng hoặc khu du lịch của họ, có thể không thấy khác biệt giữa không gian ở và không gian dịch vụ, họ sống làm sao thì phục vụ khách cũng vậy. Hoang sơ nhưng không hoang dại thiếu thốn, tự nhiên nhưng không sơ sài qua loa.
Trái lại, hệ thống tiện nghi cao và hoàn thiện tỉ mỉ luôn tồn tại trong dáng vẻ bề ngoài rất nhẹ nhàng và mộc mạc, điều mà có lẽ du khách đến đa số công trình du lịch ở Việt Nam sẽ hiếm gặp.
Tại Bali, hình ảnh điêu khắc voi Ganesa (thuộc tín ngưỡng Hindu giáo) xuất hiện ở nhiều nơi, từ quán xá đến nhà ở, góc phố hay sân vườn dưới nhiều dáng vẻ khác nhau. Chỗ thì rêu phong cổ kính, chỗ thì tươi tắn tinh xảo, nhưng đặc điểm chung là tượng voi này không bị sơn phết lòe loẹt hay bái vật cúng tế quá đáng, mà tồn tại ngay trong cuộc sống đời thường, gần gũi mà trân trọng và có nét thẩm mỹ riêng của từng nơi từng chỗ.
Tôi thắc mắc về những dải màu trắng, đen hoặc vàng quấn quanh tượng voi, thì được trả lời màu trắng tượng trưng cho điều tốt, ban ngày; màu đen là đêm tối, cái ác, điều xấu; còn màu vàng là sự thánh thiện, cao đẹp. Khi các màu đi cùng nhau là hàm ý về sự song hành đủ mặt tốt xấu trong đời sống.
Tâm thế trung hòa này giải thích thêm cho tôi hiểu vì sao rất ít gặp sự chênh lệch giàu nghèo thể hiện qua nhà cửa ở Bali, công trình có thể lớn có thể nhỏ nhưng cũng giống như ở Hội An, nơi vẻ đẹp tổng thể và sự tự nhiên được đề cao, chứ không phải là vẻ đẹp hình thức đơn lẻ hay sự can thiệp quá đáng vào cảnh sắc tự nhiên.
NGUYỄN DUY SINH – HỌA SĨ, NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA
Theo tôi, cần quan sát không gian cư trú ven biển theo chiều dài lịch sử, để thấy dường như nhà ở ven biển hiện nay vẫn chỉ là sự lan tỏa, nhắc lại của dạng nhà ở làng xã làm nông nghiệp một phần và khai thác tài nguyên biển một phần, sau đó chuyển đổi sang cơ cấu dịch vụ với sự hình thành phố xá, bến bãi, nên ít mang đặc trưng riêng biệt.
Không gian vùng cư trú ven biển không khép kín sau lũy tre như làng xã nông nghiệp, chúng lỏng lẻo và chịu nhiều biến động do thời tiết, di dân do chiến tranh và mưu sinh. Khi cái chung chưa rõ ràng và đồng nhất thì cái riêng cũng nhạt nhòa, bước chân vào một làng biển hay một phố biển hiện nay có thể thấy dạng thức nhà cửa na ná các làng quê hay phố xá ở bất cứ nơi nào khác.
Đặc thù bộ khung gỗ của ngôi nhà truyền thống vùng biển đảo cũng là điều chưa được giữ gìn, khai thác và hoàn thiện xứng tầm. Các resort hiện nay được đầu tư không gian theo kiểu “di cư làng Việt” nên có thể bắt gặp sự phục dựng hình ảnh một làng quê Bắc bộ, thậm chí kiểu nhà cổ điển châu Âu nằm trong các resort ven biển.
Nhìn ra chung quanh, có thể thấy các resort, nhà ở ven biển Indonesia, Thái Lan hay Malaysia được xây dựng thuần bản địa mà vẫn rất hiện đại. Từ cách họ lợp mái tranh dày cắt tỉa chỉn chu, đến việc tạo hình bộ khung gỗ nhẹ nhàng, kỹ lưỡng.
Tất cả hệ cấu trúc gỗ – gạch – đá – tranh tre ấy đều vừa vặn với thiên nhiên chung quanh, như sinh ra từ thiên nhiên và tồn tại song hành, không thấy sự du nhập khiên cưỡng kiểu thức kiến trúc xa lạ nào.
Một đặc điểm nữa mà không gian cư trú ven biển nước ta chưa làm được là sự kết nối các điều kiện tự nhiên trong một thể thống nhất. Chỉ trừ khuôn viên các resort sang trọng được chăm chút một cách phân mảnh rời rạc, còn lại rất thiếu vắng bàn tay thiết kế để khai thác được sự phong phú về địa hình, cũng như sự chăm chút về cảnh quan.
Vì thế, vấn đề đặt ra với nhà quản lý và giới chuyên môn ở đô thị ven biển hiện nay không phải là tìm cách “mặc đồng phục” hay tạo hình “trăm hoa đua nở”, mà rất cần có sự phối kết nhịp nhàng giữa thiết kế đô thị, thiết kế công trình và thiết kế mỹ thuật nội ngoại thất trên cơ sở tôn trọng các giá trị tự nhiên và xã hội đặc thù.
THỰC HIỆN: KTS LÊ HUY
ẢNH: VIỆT KHÔI
Theo Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – Số Tháng 6/2016
Có thể bạn thích
SỞ HỮU PHÒNG TẮM ĐẬM CHẤT RIÊNG VỚI HANSGROHE FINISHPLUS
Ngoài cảm giác sáng sạch, bóng loáng từ các thiết bị phòng tắm mạ chrome quen thuộc, không gian phòng tắm hiện đại còn có thể trở nên ấn tượng
TIN YÊU VÀ HOẠCH ĐỊNH
Theo Tạp Chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – Chuyên mục Bàn tròn số Tháng 3.2023
Giới đầu tư đặt ra bài toán an toàn khi làm nhà, lựa chọn vật liệu xanh cho không gian sống lý tưởng
Dùng vật liệu xanh để xây dựng một không gian sống lý tưởng sẽ là xu hướng tất yếu của thời đại khi cả người dùng và giới đầu tư