MỞ & GỢI

MỞ & GỢI

Khi không gian đủ độ gợi và độ mở thì tính gợi mở liên tưởng sẽ giúp cảm nhận khơi thông, cảm xúc khơi dòng

Người đi cà phê hay có những cá tính chung và riêng khác biệt mà đôi lúc rất khó để ngồi cùng nhau vì góc nhìn khác nhau. Nhóm thích chỗ bình dân, ưa hoài niệm, nghe nhiều hơn nhìn, sẽ khó kết nối với nhóm trẻ trung hơn ưa tìm chỗ có thể “trải nghiệm” được gì, dù đôi khi chữ “trải nghiệm” với họ chỉ là đến đại để biết vậy và đăng vội cho thiên hạ biết mình vừa đi đâu mà thôi.

Nhưng không vì thế mà không khoái các bạn trẻ ở tư duy năng động, vặn vẹo, nói ngược, bất đồng… mà chúng hay kêu là: anh ơi anh khó tánh quá, có mâu thuẫn mới có phát triển chớ. Như chỗ anh vừa kêu em đến giống gì nhỉ, đại dương hả? 

Mình bảo: ừ thì nghe thuyết minh từ dân chuyên môn nói vậy, sắc màu đại dương, ghé thử xem, thú vị á. OK anh, nhưng đừng cấm tụi em suy tưởng-suy diễn-suy ngẫm-suy bụng ta ra bụng khác nha!

Ha ha, cấm mà được à! 

Y như rằng, mấy ngày sau thấy tin nhắn anh ơi chỗ đó có trước chuối sau nhôm phải không dạ? Chỗ sắc cầu vồng lồng trong kèo sơn trắng chứ gì? Chỗ giống salon xe hơi gắn mấy cục màu xanh là đúng hen? 

Trời ạ, không gian ẩm thực đầu tư nghiêm túc của người ta mà nói lung tung chuối nhôm xe hơi gì gì vậy? Nhưng chợt mỉm cười khi nhớ đến một tản văn nói đại ý rằng: tác phẩm nào cũng có sáng tạo lần đầu là từ chủ thể nghệ sĩ-nhà chuyên môn, nhưng khán giả, người thưởng ngoạn và sử dụng sẽ sáng tạo lần 2, lần 3 tùy góc nhìn, độ tuổi, tiếp cận, cảm nhận. Không cấm người ta và không ép người ta cùng góc nhìn với mình được. Thậm chí, phải thấy sự “suy diễn” khác lạ của người khác là điểm thú vị cho tác phẩm của mình, là cách thức mà tác phẩm đến và ở lại với đời sống. Ta cứ nghe nói nhà hát con sò này kia bên Úc, nhưng lịch sử chỉ rõ kiến trúc sư đâu có chủ đích thiết kế theo ý vỏ sò, còn giới phê bình chuyên môn thì nhìn ra đủ thứ: đợt sóng, cánh buồm, rùa biển, cung đàn… trong vô vàn nghiên cứu, dẫn luận về nghệ thuật kiến trúc.

Thế nên, lại phải chạy ra chỗ đám bạn trẻ “bình loạn” hôm rồi. Lại phải mỉm cười vì chỗ mình ngồi lúc chiều thật khác với buổi sáng, lúc nắng không giống khi mưa, dù vẫn một chỗ.

Một chỗ cà phê có cần phức tạp vậy không? Không phải vậy, do tâm lý thưởng ngoạn phức tạp thôi. Khi không gian đủ độ gợi và độ mở, thì tính gợi mở liên tưởng sẽ giúp cảm nhận khơi thông, cảm xúc khơi dòng. Phức tạp đó mà giản dị cũng ngay đó. Như khi ngồi ngay đây, viết những dòng này, bên dòng xe cộ ngược xuôi phố, bên dòng mơ hồ ảo ảnh đại dương xanh, thấy trong lòng bỗng vui như đời rất lạ (*) dù có chợt thấy em nào đi về bên kia phố đâu, chỉ thấy ngay đây, chút ảo ảnh thú vị, bồng bềnh.

( *): Lời bài hát Cho đời chút ơn – Trịnh Công Sơn

a-48

 Sự trải rộng và pha trộn bí ẩn khiến không gian có những bất ngờ không dễ đoán từ cái nhìn đầu tiên

a-3

Chất “lạnh” của lớp không gian bọc ngoài với gam màu trung tính và các điểm nhấn kỷ hà, vuông tròn rõ rệt

a-38

Hệ cột và khối nhấn ở vùng lõi xử lý khá đa dạng về đường nét, màu sắc, hiệu ứng vật liệu

a-12

Ý tưởng khám phá lớp đáy đại dương biểu hiện qua nhiều góc độ khác nhau trong phần lõi nội thất

Công trình Bemind Cafe.

 Thiết kế: Sawadeesign

Với những hiệu quả cảm xúc từ vật liệu và không gian, thiết kế muốn đem đến cho khách trải nghiệm độc đáo, lấy cảm hứng từ lớp đáy của đại dương cho dự án này, với những phản chiếu và ảo ảnh phong phú. 

Không gian của công trình được phân định rõ theo mặt bằng qua hai lớp: lớp vỏ và lớp lõi. Lớp vỏ với tone màu trung tính bao quanh lớp lõi có tone màu ấm và điểm nhấn là khối điêu khắc bằng vật liệu hologram ảo ảnh.

Phân chia cụ thể không gian qua đường viền bao là lớp sỏi thủy tinh màu xanh phản chiếu, như được vén ra để hé lộ vật thể trong lòng đại dương.

Bài: SONG NGUYÊN 

Ảnh: QUANG TRẦN

Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC NHÀ ĐẸP SỐ THÁNG 11.2022

Có thể bạn thích

Giải Pháp

KHÁC BIỆT KHÔNG CHỈ TỪ DIỆN TÍCH

Thực tế hiếm gặp các căn hộ có diện tích lớn ghép với nhau hoặc việc ghép căn hộ thường mang tính chất liên thông, ít thay đổi cơ cấu

Giải Pháp

NHÀ KHÔNG “ĐU TREND”

Từ ngôn ngữ thiết kế, ngôn ngữ không gian thể hiện qua hình ảnh thực tế, đến ngôn ngữ “chuyện bây giờ mới kể” của người cảm nhận công trình,

Giải Pháp

THẤP THOÁNG DẤU ẤN ĐÔNG DƯƠNG

Qua những cuộc trò chuyện, nguồn cảm hứng và đồng điệu đã giúp gia chủ và nhà thiết kế kết nối hiệu quả, chung tay làm nên một góc sống