NHÌN VỀ NƠI AN TRÚ
Vì một số lý do khách quan mà Bàn Tròn tản mạn đầu năm không được tổ chức tại một thời điểm với đầy đủ khách mời dự kiến. Tuy nhiên, các “mạn đàm nhỏ” của PV Nhà Đẹp cùng các nhân vật khách mời lại đem đến nhiều góc nhìn thú vị, những trao đổi sâu sắc, nhiều đồng cảm, cũng như những ý kiến mang tính phản biện, suy ngẫm về nghề, về cuộc sống trước thềm năm mới. Xin trân trọng gửi đến các khách mời đã đồng hành cùng bạn đọc và giới chuyên môn lời chúc Xuân mới thật nhiều an khang, hạnh phúc.
GS PHAN VĂN TRƯỜNG:
Xin chào giáo sư Phan Văn Trường, chuyên gia cao cấp, cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, rồi trở về Việt Nam 15 năm nay trong vai trò người thắp lửa cho thế hệ trẻ. Với quá trình “một đời thương thuyết” của mình, ông hẳn đã trải qua nhiều nơi trú ngụ to lẫn nhỏ, đẹp và chưa đẹp, ông có những nghĩ suy gì về cái “đẹp” của nơi chốn, của nếp nhà và nơi cư trú bình an đời người?
Câu hỏi của tạp chí Nhà Đẹp cũng là trăn trở của không ít người quan tâm đến kiến tạo, sáng tạo và phát triển bền vững, và cái đẹp mà chúng ta bàn tới ở đây theo tôi là cái đẹp tổng hòa, vừa thẩm mỹ vừa phải có nhân văn, đảm bảo phát triển mà không quên nguồn cội. Có lẽ tôi trò chuyện, kể chuyện cùng các bạn cụ thể hơn để gợi mở vấn đề hơn
Gần đây, tôi có trao đổi với một người bạn nước ngoài về vẻ đẹp của một số thành phố ở Việt Nam. Anh ấy nhận thấy rằng có nhiều khu vực tuy gọi là “hỗn tạp” nhưng anh lại thấy đẹp, ngược lại có nhiều khu giàu có hoành tráng nhưng anh thấy không hề đẹp, thậm chí vô duyên.
Tôi mới hỏi lại anh, anh định nghĩa thế nào về một thành phố đẹp, hoặc nhỏ hơn là một quận hay một khu vực đẹp? Anh bảo khu phố cổ ở Hà Nội khá đẹp, khu tòa nhà Chính phủ ở Hà Nội cũng quá đẹp, nhưng anh lại thấy không đẹp tí nào ở vài khu mới phát triển sau này. Về TP.HCM thì anh bảo rằng khu trung tâm Sài Gòn từ khi có nhiều tòa nhà mới đã giảm đi vẻ đẹp của nó trước đây. Thời đó anh còn trẻ, có dịp đi chơi những nơi như Passage Charner hay Chợ Cũ, rất tuyệt vời. Rồi anh còn nhớ về khu Chợ Lớn khi trước đẹp bao nhiêu, nay đã có nhiều tòa nhà mới toanh và lại … không đẹp.
Tôi nghe và thấy rằng, những ý kiến của anh, một người nước ngoài từng biết và yêu mến Việt Nam, rất đáng trân trọng và đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận, tìm hiểu thêm. Nên tôi lại hỏi tiếp anh bạn: anh đã ghé quận Bình Thạnh bao giờ chưa? Anh thấy ở đó xấu hay đẹp? Anh nói: có rồi chứ, và anh trả lời tiếp khiến tôi kinh ngạc. Bình Thạnh đẹp đấy, cho dù có nhiều chỗ tạp nham nhưng sầm uất, có lẽ vẻ đẹp ở đây đến từ những gì tự phát, hồn nhiên, mà tính lộn xộn cũng là một đặc điểm. Tuy nhiên, anh cũng không thích những nơi dù cũ nhưng sau khi quy hoạch thay thế bằng các khu nhà biệt thự dù đắt tiền nhưng giống hệt nhau. Lý do anh nêu: khi một căn nhà có giá trị cao hơn 1, 2 triệu đô la thì ở các nước tiên tiến không ai xây giống nhau như đúc, người chủ sẽ đặt hàng thiết kế theo nhu cầu riêng chứ không “mặc đồng phục”, dĩ nhiên là không vi phạm cảnh quan chung. Và anh bạn tôi nói luôn: một thành phố đẹp, theo anh, là phải đa dạng chứ không đồng bộ đến mức đơn điệu, và dù không đồng bộ nhưng vẫn trong giới hạn phải hài hòa.
- Nghe có vẻ … hơi khó chăng, thưa giáo sư, khi cần đảm bảo hài hòa thống nhất mà lại vẫn đa dạng, phong phú, đầy màu sắc…
Đúng vậy mà, cuộc sống là vậy, con người là vậy, cái đẹp là vậy. Có một nhà quy hoạch nổi tiếng người Mỹ cũng là một nhà báo, bà Jane Jacobs, có nói một câu bất hủ rằng: “Một thành phố phải để cho người dân ở đó sáng tạo ra nó, hình thành và tự quản lý”, vì lý do đơn giản mà xác đáng: Rất cần một nơi chốn phản ánh trung thực cốt lõi của văn hóa dân gian. Văn hóa đó dĩ nhiên sẽ phát triển, sẽ biến đổi theo thời gian, nhưng cũng sẽ luôn là hơi thở tinh thần của con người sống trong đô thị đó. Văn hóa nội sinh từ bên trong đó là thứ văn hóa không có gì bên ngoài áp vào có thể thay thế, xóa nhòa được.
Và nhìn rộng ra thì đô thị nào cũng phải giữ được tính tự nhiên, nét hồn nhiên trong sự tự do sáng tạo đó. Còn nhìn hẹp lại thì từng ngôi nhà cũng thế, nét sáng tạo trong quy củ sẽ cho phép con người được sống ở nơi mình thấm đẫm hồn văn hóa, hồn nơi chốn, hồn lưu truyền theo thời gian cái cốt cách của thế hệ này qua thế hệ khác.
Thế nên, bạn có thấy không, với tôi, với anh bạn của tôi, cũng như với bà Jane Jacobs, một vài khu vực của Hà Nội và TP.HCM đã không còn hồn nhiên, không giữ được tính sáng tạo tự thân của mình, không chiết xuất ra được nét tinh túy vốn có… thì sẽ trở nên không đẹp nữa. Những khu đô thị mới, vì nhiều lý do, đã phản ánh một cách ứng xử khác, một kiểu cách phủ định cái cũ và vùi lấp dấu ấn thời gian lên bề mặt không gian kiểu mới, dạng không gian của các “đại gia sặc mùi kim tiền”, hay một thứ “văn minh ngoại lai” nào đó mà không hề tương hợp tương hòa với căn tính văn hóa bản địa của chúng ta. Những khu như vậy, xin nói thẳng, không đẹp, dù chúng có được nhân danh yếu tố phát triển đồng bộ gì đi chăng nữa.
Tôi xin kết lại câu hỏi bằng những câu hỏi nối tiếp, xin được hỏi ý kiến của các bạn đấy! Bạn thích đồng bộ hay hài hòa? Và cái gì sẽ làm cho nơi cư ngụ trở thành đồng bộ nhỉ? Đồng tiền chăng? Còn điều gì sẽ làm nên sự khác biệt mà vẫn hài hòa, đáng sống nhỉ? Văn hoá chăng?
- Rất cảm ơn các chia sẻ của giáo sư Phan Văn Trường trong hành trình truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ mà giáo sư đã và đang miệt mài cống hiến. Chúc giáo sư Xuân mới thật nhiều sức khỏe và an lạc.
KTS NGUYỄN VĂN TẤT:
Xin chào kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Văn Tất, Phó tổng biên tập Tạp chí Kiến Trúc, phụ trách Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp. Năm Nhâm Dần đã qua, Quý Mão đang đến, bên thềm năm mới, ông có những nhận định, đánh giá gì về công việc của bản thân cũng như các đồng nghiệp trong một năm nhiều biến động cũng như không ít thách thức trên các chặng đường sáng tạo.
Không phải một năm mà chính xác nên nghĩ là 2 năm đã trôi qua, nếu lấy đại dịch COVID 19 làm dấu mốc. Bệnh dịch và các hệ lụy ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống dĩ nhiên là thảm họa của nhân loại, nhưng đồng thời cũng là một cơ hội lớn để mọi người nhận ra nhiều giá trị đích thực của cuộc sống. Trải nghiệm, nhìn nhận, suy ngẫm, hay hành động… bằng cách nào đó người ta vẫn đứng lên, mạnh mẽ hơn, biết điều hơn, hiểu chuyện hơn. Trong hành trình nhìn lại các chân giá trị của đời sống, có kiến trúc, có ngôi nhà, có tổ ấm của mỗi gia đình, mỗi con người. Chúng ta hay nói “quay qua quay lại lại đến Tết”, đúng vậy, bỗng chốc, qua bao nhiêu biến cố, nhiều người ngộ ra đâu mới là giá trị thật, là giá trị bền vững cần cho tổ ấm của mình. Và từ đó, chọn một thái độ sống, một cách thức ứng xử và làm việc khác đi. Công việc có thể vẫn vậy, vẫn là những người kiến tạo nơi chốn, nhưng nhận thức và nhìn nhận chắc chắn đã có nhiều đổi thay theo chiều hướng sâu và rộng hơn.
- Theo ông thì việc tìm kiếm, tạo lập nên không gian sống bình an, bền vững hiện nay có là mơ ước xa vời, hay thực ra rất gần với thực tiễn cuộc sống của chúng ta?
Từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX đã phải “sống chung với lũ” trong các mệnh đề bàn về kiến trúc cho Đồng bằng sông Cửu Long, đến nay hơn 40 năm rồi, câu chuyện sống sao cho phù hợp với điều kiện môi trường ngày càng biến đổi khí hậu gay gắt, biến động kinh tế xã hội… ảnh hưởng đến từng ngôi nhà ở châu thổ Tây Nam Bộ vẫn luôn còn đó các trăn trở từ thực tiễn. Khi khởi lập các ý tưởng kiến tạo từ bài học thực tế, chắc chắn không có sáng tạo nào là xa vời cả. Theo tôi, sáng tạo ra hay san sẻ đi, và sống an lạc với những giá trị có được trong mỗi ngôi nhà tổ ấm thì rất đơn giản thôi nếu nhận thức của mình sáng rõ, tường tỏ. Nhưng ngược lại, sẽ vô cùng gian nan về mặt nhìn nhận nếu không nhận biết những giá trị nào phù hợp và đủ với cá nhân mình, với gia đình mình. Như triết lý sống biết đủ là đủ, đợi chờ hay vay mượn cho đủ thì không bao giờ đủ.
- Xin ông cho ý kiến về vai trò của người làm kiến trúc trong tiến trình tạo lập nếp nhà an yên cho mọi người, khi mà hiện nay và tương lai công nghệ AI sẽ thay thế con người trong nhiều công đoạn thiết kế – sáng tạo
Sau nhiều năm làm nghề và trăn trở, tôi phát hiện ra và tự buộc mình trung thành với ý nghĩ: mỗi kiến trúc không được “vẽ” nên đơn thuần bằng đường nét, hình khối… mà nó yêu cầu phải được “mọc lên” bằng kỹ năng và văn hóa ứng xử của người làm nghề – KTS – với ngữ nghĩa đầy đủ các trách nhiệm và nghĩa vụ của danh xưng này. Bạn nhìn các công trình thuần túy kỹ thuật, hạ tầng hay công nghệ, chắc chắn sẽ thấy ở đó đủ các yếu tố khoa học và đầu tư về chất xám đáng ngưỡng mộ. Nhưng với một công trình kiến trúc, nhất là kiến trúc nhà ở, thì giá trị chất xám của KTS sáng tạo được cộng hưởng với giá trị sử dụng, giá trị cảm thụ của gia chủ, đem lại dấu ấn rất đặc biệt, mà ta hay nói là nhìn ngôi nhà có hồn, có tình cảm. Thậm chí, nhà cửa thường có chút gì đó không hoàn hảo như sản phẩm máy móc làm ra hàng loạt, nhưng ngôi nhà – tổ ấm của mỗi chủ nhà – là một “ca” duy nhất, không có lặp lại. Điều này khiến cho các giải pháp về công nghệ, kể cả công nghệ AI thông minh đến đâu cũng chỉ cung cấp được cho chúng ta phương tiện. Cảm xúc, sự thấu hiểu và văn hóa chia sẻ, cộng cảm của KTS mới là mảnh đất màu mỡ để mọi công cụ và phương tiện khi đi cùng ý tưởng sẽ được đơm hoa kết trái, hướng tới một công trình kiến trúc có giá trị bền vững.
TS.KTS PHẠM PHÚ CƯỜNG
- Thưa TS.KTS Phạm Phú Cường, Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc TP.HCM, bạn đọc tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp mong được ông chia sẻ đôi điều về quan niệm: một nếp nhà bình yên – nơi an trú thời nay – đang có diện mạo ra sao, và vai trò của giới KTS để góp phần định hình nên nếp nhà đó như thế nào?
Ngay trong câu hỏi của Kiến Trúc Nhà Đẹp tôi thấy đã có lời đáp rồi, vì vai trò chủ đạo của KTS chính là người đồng hành, góp phần tạo nên một nếp nhà bình yên, nơi an trú. Tại sao là người làm chuyên môn, chứ không hoàn toàn là gia chủ, người quyết định đầu tư và chọn lựa mọi thứ cho nhà mình? Có lẽ cần nhìn lại lịch sử, nhìn lại thế kỷ XX khi KTS đại tài Le Corbusier phát biểu: “Nhà là cái máy để ở” mang tính khái quát và dự báo chính xác tiến trình phát triển nhà ở bấy giờ. Thiết kế và xây dựng ngày càng chuyên môn hóa sâu, chuẩn xác và kiểm soát chặt chẽ mọi dữ liệu liên quan. Nhưng liệu những “cỗ máy để ở” ấy có tạo lập giá trị tinh thần, cảm xúc của người ở, chạm đến được những rung động mỹ cảm cũng như biến thiên tình cảm của con người? Cho đến phát biểu của F.L. Wright định vị “Nhà là nơi có trái tim là bếp lửa hồng” thì đã gia tăng, minh định tính nhân văn, yếu tố con người thành cốt lõi trong không gian sống. Giá trị vật chất và kỹ thuật xây dựng tạo nên nhà cửa là cơ bản, không có gì phải bàn cãi, nhưng yếu tố làm nên nơi an trú mà tôi tâm đắc chính là điều mà Juhani Pallasmaa trong “Đôi mắt của làn da” đã nhắc đến: “Điều hữu ích nhất là ngôi nhà là việc ngôi nhà che chở sự mơ mộng, ngôi nhà bảo vệ kẻ mơ, cho ta được mộng mơ trong cõi yên bình”.
Rõ ràng là trải nghiệm về cảm xúc trong kiến trúc tạo nên nhận thức để thiết kế, tạo dựng không gian chứ không phải các công thức kỹ thuật hay vẻ đẹp thuần túy thị giác. Điều cốt lõi theo tôi không phải là KTS tuân thủ theo hướng dẫn, cách thức thiết kế… thế nào, mà là KTS nghĩ gì, quan niệm ra sao về ngôi nhà để từ sự hợp lý như một cỗ máy thuần túy vật chất – điều kiện cần – có thể trở thành nơi chốn bình yên, góc an trú – điều kiện đủ – cho tâm hồn con người.
- Là một chuyên gia vừa làm nghề kiến trúc vừa đào tạo các KTS, ông mong mỏi điều gì trong năm mới Quý Mão này, khi những biến động của kinh tế, bất động sản có ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường hành nghề kiến trúc thời gian qua.
Bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay đang tạo ra một số thách thức trong hệ sinh thái bất động sản mà kiến trúc là thành phần chịu ảnh hưởng. Mặt tích cực là đã có những dấu hiệu cho thấy các chính sách vĩ mô trong lành mạnh hóa thị trường bất động sản, hỗ trợ doanh nghiệp… giúp hồi phục bền vững hơn. Mặt khác, nghề KTS là một nghề không chỉ phụ thuộc vào thị trường bất động sản, mà là người chăm chút cho kiến tạo không gian, dù là nhỏ hay lớn, đắt giá hay ít tiền… Chưa bao giờ người làm kiến trúc “thất nghiệp” nếu hiểu hành nghề là quá trình trau dồi, chăm chút, kỳ công… trong từng không gian anh ta được giao phó, chứ không phải chuyện “làm ăn”. Nước ta vẫn là nước đang phát triển, nhu cầu thực tiễn trong kiến tạo môi trường sống vẫn chưa bao giờ hạ nhiệt, và do đó vấn đề cốt lõi theo tôi không phải là KTS có nhiều việc để làm hay không, mà là làm việc ra sao, ý thức thế nào và tình cảm , tâm huyết với nghề đến đâu.
NHÀ THƠ – NHÀ BÁO KHÁNH CHI
*Xuân mới thường là dịp nhìn lại, về lại với các giá trị gia đình, truyền thống, bản sắc… Theo chị dưới khía cạnh “nếp nhà gắn với nếp ăn ở” thì việc giữ gìn căn tính, bản sắc của gia đình và cộng đồng giữa những biến động của kinh tế và xã hội hiện nay nên nhìn nhận và hành xử thế nào?
Có một điều mà ngày nay ai cũng phải thừa nhận là không thể nào phản bác, tranh cãi: Nhà chính là nơi để trở về, nơi ta nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả ở bên ngoài, nơi ta lặng lại, sắp xếp lại mình, trở về với mình sau những tranh đấu nhọc nhằn với cuộc sống bên ngoài.
Và thầm lặng, hơi chua chát, hơi ân hận, không ai có thể phủ nhận một điều rằng cách đây chỉ vài năm thôi, khi cuộc sống đang sôi nổi, hân hoan, vội vã chạy theo những phát triển mạnh mẽ nhưng không kém phần… rối loạn và đôi khi mất phương hướng của kinh tế thì ý nghĩa giá trị của một ngôi nhà đôi khi không phải như là hôm nay.
Tôi còn nhớ, có một thời, người ta coi nhà như tài sản, coi nhà như sự thể hiện, sự chứng tỏ, sự đánh giá đẳng cấp của một con người… nhiều hơn ý nghĩa của một nơi trở về sau mỗi ngày làm việc hay sau mỗi một cuộc ra đi, tìm kiếm, thu lượm, vun vén thành công hay thất bại nhưng cũng đều làm cho người ta mệt nhoài.
Bởi thế mà ngôi nhà có nhiều năm, theo tôi, không hề gắn với nếp ở hay chứa đựng điều gì như là một tâm hồn sống động thứ hai, thể hiện tâm hồn của người ở. Những ngôi nhà từng có thời, tôi thấy, có đẹp, cũng là sự cóp nhặt, học hỏi, bắt chước khéo léo, mà có xấu cũng là sự sao chép, học đòi vụng về, thô thiển.
Rồi khi người ta bắt đầu no đủ những giá trị bên ngoài, hay nói đúng hơn, chán ngán những giá trị bên ngoài, thì người ta mới bắt đầu gắn con người mình, giá trị thật của mình, đời sống của mình và nhất là tinh thần của mình vào cái nơi ở đó.
Chưa kịp làm mọi thứ cho đàng hoàng, tử tế, vẫn còn đang tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, thử nghiệm… thì cả trái đất rùng mình vì cơn đại dịch kéo dài đến hai năm. Cơn rùng mình đó dồn tất cả mọi người, xô dạt mọi người, lùa mọi người chạy trốn về nhà.
Vậy là đã có một thay đổi lớn mang tính “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để lúc này con người ta nhìn lại, xem lại mà sắp xếp lại cái “nếp nhà, nếp ăn ở” cho phù hợp với nhau, cho phù hợp với thời cuộc, với tình hình cuộc sống, kinh tế, xã hội.
Có thể cách nói, diễn tả của tôi không phù hợp lắm với “lỗ tai” của những người làm kiến trúc. Nhưng tôi thật lòng thương họ. Học để vẽ một ngôi nhà, theo tôi rất khó. Bởi tôi nghĩ trong công việc của họ bao gồm quá nhiều sự đòi hỏi: từ nghệ thuật tới khoa học, từ tính sáng tạo tới tính thực tiễn, thực dụng. Họ là người bị xô dạt theo những biến động của kinh tế, xã hội, nhiều không kém những người ở trong ngôi nhà mà họ phải vẽ và xây.
- Với góc nhìn một người lâu năm song hành cùng nghệ thuật, theo chị, việc kiến tạo nên một nếp nhà đẹp, nơi an trú cho tâm hồn cần những “điều kiện” gì, và cá nhân chị đã tìm thấy nơi an trú đó chưa?
Thực ra, sau một khoảng thời gian cố gắng tìm cho mình một nơi “an trú”, quan sát bạn bè người thân cũng cuống cuồng đi tìm nơi “an trú”, người xây nhà vườn ở thôn quê, người chạy lên núi cao lập trang trại, người ra biển mua nhà nghỉ mát… tôi mới nhận ra rằng, thật ra chính tâm hồn của chúng ta mới là nơi “an trú” tốt nhất cho con người. Ta chẳng thể nào mang một tâm hồn sóng gió, cuồng giận, sân si, ghét thương, đặt vào bất cứ nơi nào dù đẹp đẽ, to lớn, sang trọng, hay dù là bình yên êm ả đến đâu, để giúp cho tâm hồn được bình yên. Mà chính ta cần làm sao cho tâm hồn mình được bình yên, thì đặt vào nơi nào nó cũng sẽ bình yên, thậm chí nó mang bình yên đến cho nơi nó trú ngụ.
Nhưng tất nhiên, đó là điều quá lý tưởng, dành cho những người sống nhiều, có khi còn phải va vấp, từng trải nhiều, đau đớn, thất bại, gục ngã rồi lại đứng lên… vài ba lần, để rồi có thể ngộ ra nhiều lẽ sống, lẽ đời, mới có thể cảm nhận điều đó, mới có thể lan tỏa sự bình yên trong chính họ đến khung cảnh xung quanh. Còn thông thường, người ta vẫn luôn muốn nương tựa vào một nơi chốn bình yên nào đó, hằng mong nhận được cái năng lượng tuyệt vời từ một nơi ăn chốn ở, một phong cảnh hợp ý, hợp tình.
Đã gắn ngôi nhà với tâm hồn, cái nọ chứa đựng cái kia, bao hàm cái kia, thì cũng phải hiểu rằng có nhiều kiểu tâm hồn, nhiều kiểu “an trú”. Cho nên quy chuẩn để cho ra những điều kiện chung chắc khó lắm. Thôi thì, việc đó để dành cho các KTS, người sau khi tiếp xúc với nhiều khách hàng của mình, có thể “phân loại” kiểu tâm hồn và từng cách “an trú” riêng.
Riêng tôi, sau khi tìm tòi, ước vọng, từng hy vọng, rồi thất vọng, rồi lại cố gắng… tôi đã trở về với căn nhà tuổi thơ của mình. Nó cũ kỹ, đơn giản, hiền hòa và chất đầy kỷ niệm của ba má tôi, những nhà văn – nhà giáo sống rất lành, rất an suốt cả đời giữa sách và tình yêu thương dành cho nhau, cho con cái. Tôi làm mới nó đôi chút, cho hợp với nhu cầu hôm nay của đời sống, nhưng vẫn giữ lại những điều quen thuộc yêu quý. Tôi thật sự thấy rằng mình đã an trú được trong chính mình!
NHÀ VĂN LƯU THỊ LƯƠNG
- Thưa nhà văn, độc giả dường như luôn thấy có một nguồn cảm hứng bất chợt rất gần gũi, đời thường, thậm chí ngộ nghĩnh, hài hước mà sâu sắc trong những tản mạn về Nếp nhà chị viết trên Kiến Trúc Nhà Đẹp. Vậy chị nghĩ sao về viễn cảnh ngôi nhà của chúng ta vài năm tới sẽ có những công ty thiết kế nhà không có KTS mà chỉ dùng trí tuệ nhân tạo, hỏi đáp nhu cầu khách hàng rồi nhập dữ liệu, nhấn nút, và … ?
Đọc báo thấy ở bên Dubai họ xây công trình đồ sộ bằng in 3D, nhìn đẹp quá, chỉ biết ngưỡng mộ, thèm thuồng. Chắc cái công ty nhấn nút này cũng giống vậy chứ nhỉ. Tôi thích chuyện này đấy. Thế là sẽ chấm dứt chuyện làm phiền hàng xóm về sự ngổn ngang, bừa bãi, dơ bẩn khi mình xây nhà. Hết sợ chuyện nhà thầu ăn gian, cắt xén, đổi thay gạch, sắt, xi măng, dây điện, ống nước… Cũng khỏi nhìn thấy cảnh thợ thầy ăn ngủ, tắm giặt, phơi đồ… dầm dề tại công trình rất là nhem nhuốc, nhếch nhác, lúc thư giãn thì mở nhạc nhiếc um sùm, hát karaoke om sòm làm mấy nhà chung quanh khó chịu, lườm nguýt, chửi chó mắng mèo.
Vậy, ở nhà kiểu mới đó, chừng nào thấy chán, hay nó hư hỏng thì mình tháo ra như đồ chơi lego rồi bán ve chai, làm cái khác. Đúng không? Khỏi tốn tiền mướn nhà trong khi mỏi mòn chờ đợi, chạy tới chạy lui canh chừng, dòm ngó từng bậc thang, cây cột. Khỏi sợ chi phí xây cất phát sinh tới nỗi mang nợ gánh nần. Bữa nay tưởng tượng, phác thảo và đặt hàng, ngày mai có liền căn nhà vừa ý. Trí tuệ nhân tạo ơi, vạn vạn tuế.
Nhưng mà phải có ông (bà) KTS bằng người thật (biết đau, biết sợ, biết cảm, biết người biết ta… ví dụ thế) để mình bàn bạc chút đỉnh chứ nhỉ, để trao đổi nọ kia mà làm ra cái nhà tuyệt vời nhất ấy. Cho nó có tình người ấm áp chan hòa. Chứ còn ba cái vụ máy móc này nó ngay đơ cán cuốc, vô tình, vô cảm, chỉ biết cắm điện, cắm đầu chạy theo chương trình được lập sẵn, thẳng băng từ đầu tới cuối, mình đâu có chỗ nào chen vào mà vặn vẹo thắc mắc này nọ, thăm dò đây kia. Hay là cãi nhau với nó được (!).
- Vậy nhà văn có quan niệm thế nào về một nơi chốn an trú cho người Việt, tâm hồn Việt, lối sống Việt giữa cuộc sống còn nhiều lo toan, vất vả như hiện nay.
Tôi có dịp nhìn lén, chớp nhoáng, một khu nhà trọ. Hai dãy phòng cách nhau cái hành lang cũng là lối vào nhà. Hành lang dài, thông hai đầu như cái đường hầm, bề ngang rộng khoảng hơn hai thước, bên trên lợp mái mà không có chèn một miếng tôn sáng nào, nên cứ có cảm giác nóng nực, tăm tối, ngột ngạt, bí thở. Mỗi căn phòng có một cửa ra vào, đương nhiên. Thử ra phía sau coi có trổ cửa sổ hay lỗ thông gió nào không, thì chỉ thấy nguyên cái vách tường tô xi măng phẳng lì. Giữa trưa nắng chói chang, phòng nào sáng choang là vì có bật đèn. Người lớn, con nít ngồi chơi, nghỉ ngơi, nói chuyện, ăn cơm ngay trên sàn nhà, cũng là chỗ nấu ăn, rửa chén, dựng xe (chiếc xe kiếm sống, mỗi ngày lăn bánh lên đủ thứ sạch dơ ngoài đường). Sống vậy sao vui vẻ thoải mái tinh thần, đảm bảo sức khỏe được. Không có chỗ để đặt một tí cây xanh để tưới tắm, ngắm nghía cho vui, cho đỡ ngán ngẩm. Không có bậc thềm ngồi hóng gió, ngóng người nhà đi đâu đó về. Lại còn bị tốn thêm tiền điện thắp đèn ban ngày, quạt máy không lúc nào ngừng quay. Buồn quá!
Đó là chuyện nhà ở cho qua ngày đoạn tháng. Còn với chuyện nhà ở suốt đời, thấy ai xây nhà, tôi cũng muốn biết họ có chừa chỗ trống cho thoáng mát không, mà hiếm lắm. Sợ trộm chui vào. Cái tật tiếc tấc đất tấc vàng nên xây bít hết cho nhiều chỗ ở, chỗ kê đồ. Sợ bụi bặm, độc hại trên trời dưới đất len lỏi, sợ tiếng ồn hàng xóm xộc thẳng vô. Mà ở chung cư đời mới thấy cũng không vui. (chắc tại mình chất chồng tuổi tác rồi). Hành lang luôn ở trong tình trạng vắng bóng người, thấy rờn rợn sau lưng, ghê ghê trước mặt. Lỡ có chuyện gì, không biết kêu ai cứu giúp. Ở trên cao còn thêm sợ thang máy đứt dây, sợ gió lùa lạnh toát, không khí loãng, sợ nghẹt cái ống cống tập thể dài thăm thẳm, sợ cháy nhà chạy hoài không xuống tới mặt đất bình an.
Không biết, nếu dân mình được phân chia chỗ ở, chỗ buôn bán, giải trí, chỗ hành chánh, thì chuyện tụ tập ăn nhậu, đánh nhau trong xóm, đụng xe trên đường sẽ giảm bớt đi ít nhiều chăng.
Hay là, xây cất những khu chung cư thấp thấp, ít tầng lầu, vừa phù hợp túi tiền dân chúng, vừa tạo cơ hội cho dân cư đi thang bộ. Ngày lại ngày vận động chút ít, coi như họ có đều đặn tập thể dục giữ gìn sức khỏe, bởi việc kiếm sống đã chiếm hết thời gian rảnh rỗi rồi mà.
KTS NGUYỄN TRẦN ĐỨC ANH:
- Là cây bút viết về mảng kiến trúc, văn hóa và có quá trình đi qua nhiều vùng non nước đất Việt, anh có suy nghĩ gì về hành trình của những người làm sáng tạo “đi để trở về” trong nỗ lực phát triển và giữ gìn căn tính, bản sắc của nếp nhà Việt giữa những biến động của thời cuộc và xã hội hiện nay?
Khởi đầu những chuyến đi hơn 10 năm trước, tôi không có kế hoạch cụ thể về hành trình của mình, mục đích chỉ là du lịch thông thường để tăng thêm hiểu biết. Nhưng khi dấn thân vào, tôi hiểu đó là hành trình không có sự kết thúc, tuy đôi lúc cũng có gián đoạn. “Đi để trở về”, điều đó luôn đúng như mọi người vẫn thường nói, nhưng không chỉ có vậy. Đi để thấy trời đất mênh mông, để thấy đất nước mình rất tươi đẹp, nhưng cũng để thấy có nhiều thứ lụi tàn, mất mát. Với người làm sáng tạo nói chung và làm kiến trúc nói riêng, đi là điều cần thiết để hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, tập quán và con người; đi và trải nghiệm thực tế có ý nghĩa và thẩm thấu hơn nhiều so với sách vở.
Kiến trúc tự thân là nội hàm của văn hóa, là thành tố quan trọng của văn hóa, thậm chí ở góc độ nào đó là sự nhận diện khởi nguyên. Nhưng có nơi có lúc người ta xem kiến trúc là công trình xây dựng thiên về kỹ thuật và công năng. Tất nhiên điều đó không sai nhưng không đủ, chưa đúng bản chất của kiến trúc, vốn luôn cần có linh hồn, chứa đựng tinh thần cuộc sống. Thử nhìn lại, những nếp nhà Việt, có bản sắc, có sự tự tôn, có thể định danh… phần lớn là những nếp nhà cổ đang mai một. Kiến trúc phản ánh rất rõ thời đại nhưng trải qua tiến trình lịch sử, tới thời đại của công nghệ ngày nay, thì những kiến trúc văn hóa thực sự của chúng ta đang thiếu vắng, biểu hiện rõ nhất trong kiến trúc nhà ở.
Ngôi nhà, ngỡ là kiến trúc quy mô nhỏ và đơn giản, nhưng cũng như gia đình là tế bào của xã hội, ngôi nhà ở cũng quan trọng như vậy. Người ta có thể đi đến, làm việc hay sử dụng nhiều công trình khác nhau, nhưng sự gắn bó và ký ức cuộc đời đọng lại luôn là ngôi nhà ở. Trong những biến động của thời cuộc và xã hội hiện nay, việc giữ gìn căn tính và bản sắc của nếp nhà Việt là một điều không dễ; nhưng không có nghĩa là chúng ta không làm gì, hay không làm được. “Đi để trở về” là sự cần thiết, là hành trang văn hóa, là sức mạnh tiềm ẩn của những người làm sáng tạo. Có thể, trong thời điểm hiện nay, sự đa dạng, phong phú tới mức nhiễu loạn thông tin là khó khăn, thách thức nhưng rồi sẽ qua đi, khi chúng ta bình tâm hơn trong việc tìm kiếm những giá trị riêng, tìm ra “từ khóa” để định vị mình trên bản đồ văn hóa thế giới.
- Một nếp nhà để an trú, dù có thể trong các mộng tưởng, hay qua thực tiễn ghi nhận, theo anh, cần gì để đủ, và liệu có những chuẩn mực, khuôn mẫu nào cho khái niệm này không?
Hành trình “đi” của tôi cũng như thực tế làm nghề đã giúp tôi thấy nhiều những thái độ, mong ước của nhiều người, nhiều gia chủ. Một nếp nhà để an trú, là một lẽ rất tự nhiên, nhưng có lẽ với mỗi hoàn cảnh, mỗi tính cách thì không giống nhau. Cho nên nếu nói cần gì để đủ thì có lẽ cần ít và cũng rất nhiều. Có người thì sự an toàn là quan trọng, có người đề cao sự tiện nghi, có người lại cần sự bình yên và các không gian thư giãn, có người thích sử dụng các thiết bị công nghệ mới… có người cần nhiều thứ ở trên; và cũng có người thì sự an trú chỉ là trong mộng tưởng. Nhưng có thể thấy, khát khao một mái nhà, theo từng cách thức riêng, là khát khao rất lớn của mỗi người Việt. Điều này có căn nguyên sâu xa ở góc độ văn hóa, tập quán. “Sống mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ” là quan niệm từ xưa, có ý nghĩa tinh thần rất lớn. Song sự đổi thay của xã hội, trong đó có sự tác động của công nghệ, công việc, lối sống đã làm thay đổi tới suy nghĩ và quan điểm.
Thực tế, phần lớn người già vẫn ưa nhà mặt đất, dù nhỏ hẹp và kém tiện nghi, nhưng những người trẻ lại hào hứng với thể loại nhà chung cư mới, cao tầng, hiện đại. Mô hình gia đình tam – tứ đại đồng đường dần thưa vắng, dạng gia đình trẻ tách ra ở riêng tăng lên. Nhiều gia đình có ô tô, phương tiện cá nhân đã trở nên quen thuộc… Những điều đó cho thấy sự đổi thay về mặt xã hội tác động đến hình mẫu nhà ở với mỗi cá nhân hay gia đình. Từ đó, theo tôi sẽ không có những chuẩn mực, khuôn mẫu nào cho khái niệm nếp nhà để an trú thời nay. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn có mẫu số chung nhất định. Đó là sự cá nhân hóa để mỗi không gian ở phù hợp, thể hiện cái tôi, chứ không phải giống như mặt hàng công nghiệp sản xuất hàng loạt. Tôi cho rằng, khi loại bỏ được những yếu tố tiêu cực do bất ổn ngoài dòng đời khắc nghiệt mang vào không gian sống, người ta sẽ tiếp cận sự an trú mang ý nghĩa hướng thiện, tốt lành.
Thực hiện: KTS LÊ HUY
Ảnh: THÁI KHƯƠNG, TƯ LIỆU KTNĐ
Theo Tạp Chí Kiến Trúc Nhà Đẹp số Xuân 2023
Có thể bạn thích
NHÀ KHÁC GÌ NGƯỜI!
Bài: KTS NHAN HÀ PHƯƠNG LINH Ảnh: THÁI KHƯƠNG “Hãy cho tôi xem ngôi nhà của bạn và tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai”. Một số người có
CHIẾU SÁNG KHÔNG CHỈ CHO RIÊNG MÌNH
Những gương mặt khách mời Bàn Tròn Nhà Đẹp Tháng 12 đều ở độ tuổi đủ chững chạc để đúc kết những giá trị về chiếu sáng đúng kỹ thuật,
KHÉO XOAY XỞ CHO NƠI Ở
Các ý kiến dù từ góc độ chuyên môn thiết kế hay người làm nghệ thuật hoặc vai trò nhà đầu tư bất động sản… cũng đều đem lại những