NHỮNG DẤU ẤN GIAO THOA VÀ TIẾP NỐI

NHỮNG DẤU ẤN GIAO THOA VÀ TIẾP NỐI

Nhắc đến Chợ Lớn, người ta hay nhớ đến vùng đất an cư lạc nghiệp của đa sắc dân hội tụ, trong đó nổi bật là di dân Trung Hoa, nơi những hội quán nghi ngút khói hương thành kính không gian tâm linh, những khu phố nghề san sát mặt tiền tiệm quán, hay những ngõ ngách nhuốm màu xưa cũ ẩn hiện nếp ăn ở một thời. Chợ Lớn còn có cả các kiến trúc Công giáo mang đậm dấu ấn giao thoa văn hóa Việt – Hoa – Pháp, mà với những ai trót “phải lòng” vùng đất này, sẽ luôn coi như một phần hồn phách rất riêng của mình

Trong những ngày cận kề Giáng sinh 2022 này, thật thú vị khi có dịp trải nghiệm các biến đổi không gian-thời gian đậm nét qua chuyến du khảo (*) đến 3 ngôi giáo đường vùng Chợ Lớn: nhà thờ Cha Tam, nhà thờ Jeanne d’Arc và nhà thờ An Bình.

Có thể thấy trên bản đồ, 3 ngôi giáo đường dường như định vị 3 góc của một tam giác đông bắc – tây nam – đông nam vừa theo các trục phát triển trung tâm đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn xưa, vừa liên kết với các không gian cư trú quen thuộc. Tính chất phố xá sầm uất của những xóm lao động chật hẹp, hay trục huyết mạch giao thương quang đãng, ít nhiều thể hiện qua vị trí, cấu trúc, quan hệ với phố thị chung quanh. Những chung riêng tương đồng và dị biệt, những pha trộn vi tế và bất ngờ… phần nào hé lộ qua góc nhìn của người trẻ, các GenZ say mê tìm hiểu văn hóa bản địa.

  • Từ không gian chung và những thay đổi:

Từ những năm đầu thế kỷ XX, nhà thờ Cha Tam đã được xây dựng, đến cuối thập niên 20 của thế kỷ XX thì nhà thờ Jeanne d’Arc ra đời. Và hình thành muộn nhất là nhà thờ An Bình, vào năm 1967. Tuy xây dựng vào các thời điểm khác nhau, nhưng trục thời gian song hành phát triển không gian Sài Gòn – Chợ Lớn chịu sự ảnh hưởng văn hóa Tây phương bên cạnh nếp cũ Việt – Hoa vẫn xuyên suốt, biểu hiện các thiết chế xã hội mang xu hướng “quá độ” với cái cũ, nhiều cái mới được chọn lọc, cải tiến và dung nạp theo thực tiễn. 

Qua những thăng trầm của lịch sử và thay đổi nhu cầu sử dụng của cộng đồng, mỗi nhà thờ đều có những bước chuyển đổi để dần thích nghi. Có nơi vẫn giữ được nguyên vẹn không gian sinh hoạt công cộng từ xưa, như không gian quảng trường bao quanh khá quang đãng của nhà thờ Jeanne d’Arc. Có nơi được tu sửa, chỉnh trang, mở rộng thêm các khu tiện ích công cộng kết nối vào tổng thể, như khu sân vườn nhà thờ Cha Tam tăng thêm diện tích cho giáo dân hành lễ

Hình 3

hay khu “Vọng Phục Sinh Đường” là hạng mục mới nhất được xây dựng làm nơi để hài cốt của những giáo dân người Hoa và trở thành khu tưởng niệm người đã khuất sau đại dịch COVID-19.

Hình 2

 Ở nhà thờ An Bình, một số hạng mục làm mới hoàn toàn, như thêm cầu thang bộ lên nhà thờ chính để tăng diện tích phục vụ cho không gian sinh hoạt chung, cũng như sắc đỏ truyền thống của người Hoa được làm nổi bật hơn .

Hình 4

Có thể thấy sự giao thoa văn hóa cũng như kiến trúc Việt – Pháp – Hoa trong 3 nhà thờ này được biểu hiện cụ thể qua các yếu tố:

  • Việt: đa phần được nhận dạng qua các hệ thống cửa đi, cửa sổ bằng lá sách, hình thức khe thông gió hoặc lam hoa gió nhằm mục đích thông thoáng chiếu sáng tự nhiên phù hợp với khí hậu nhiệt đới .
Hình 6
  •  Pháp: Chủ yếu ở cấu trúc chính của nhà thờ như hình thức cung nguyên (Romanesque Arch) và hay cung gãy (Gothic Arch) trong các lối vào, khung cửa đi, cửa sổ nhà thờ chính; hoặc hệ thống vòm kiểu Romanesque (Groin Vault) hay vòm kiểu Gothic (Rib Vault) trên trần của nhà thờ chính; hay những chi tiết đầu cột mô phỏng theo các thức cột cổ điển của các nhà thờ cổ điển châu Âu .
Hình 7
  • Hoa: được biểu hiện rõ nét nhất ở những chi tiết trang trí, màu sắc, chất liệu để tạo điểm nhấn như lồng đèn, những khung sắt uốn thủ công tại các khung cửa được sơn đỏ (màu tượng trưng cho sự may mắn của người Hoa) hay những chi tiết đầu đao cùng bộ mái ngói âm dương độc đáo. Đặc biệt, ở một số vị trí như cổng chính, trên mặt tiền, lối vào chính hay cung thánh của 3 nhà thờ thường điểm xuyết bằng những bảng tên, hoành phi, câu đối được viết bằng tiếng Hoa. Mỗi nhà thờ đều sử dụng lư hương luôn nghi ngút khói nhang cũng là một trong những chi tiết mang đậm nét Á Đông .
Hình 8
  • Đến đặc thù riêng và những nét thú vị:

Bên cạnh những điểm tương đồng, mỗi nhà thờ vẫn có cho mình những dấu ấn đặc thù riêng, mang lại những nét thú vị khác biệt, như nhà thờ Cha Tam là một trong những nhà thờ cổ nhất Sài Gòn, không gian nơi đây đậm chất Á Đông với đầu dao mái ngói lưu ly, hình thức cột, kèo đỡ mái được sơn đỏ cho cổng vào, hay chòi lục giác, lồng đèn trang trí được sử dụng cho khu thờ tượng Đức Mẹ .

Hình 9

Hệ thống cửa chính, phụ, cửa sổ… là sự phối kết giữa hình thức cung gãy kiểu Gothic với hình thức cửa lá sách kiểu nhà xưa nhằm lấy sáng cho không gian trong nhà thờ chính, cho thấy được sự hòa trộn giữa Đông và Tây thông qua giải pháp ứng biến đóng mở hợp lý, thích nghi với khí hậu nhiệt đới .

Do vị trí và bố cục nhà thờ Jeanne d’Arc chịu tác động trực tiếp của nắng hướng tây và tây bắc, nên phân bố tỷ lệ phần đặc là cung nguyên kiểu Romanesque kết hợp chi tiết lam hoa gió nhiều hơn phần rỗng với khung sắt hình thánh giá có cửa lấy sáng. Giải pháp này vừa hạn chế nắng gắt, vừa tạo nên tính thẩm mỹ với những điểm nhấn khác biệt ở mặt ngoài công trình và hiệu quả lọc sáng cho nội thất .
Hình 12Hình 13

Màu sắc, đường nét tranh trên kính màu giúp cho không gian nội thất thêm đặc sắc, đồng thời tôn lên sự huyền ảo, linh thiêng cho nhà thờ. Đó cũng chính là một trong những giải pháp chiếu sáng kinh điển của nhà thờ Công giáo vào giai đoạn Phục hưng ở châu Âu, được kế thừa có chọn lọc tạo nên điểm nổi bật ở nhà thờ Jeanne d’Arc .
Hình 15

Hình 16

Đối với nhà thờ An Bình, ngoài cách xử lý hình thức kiến trúc cổng vào và khu thờ tượng Đức Mẹ mang phong cách Á Đông tương tự nhà thờ Cha Tam, thì hình thức của khối nhà thờ chính mang tính hiện đại nhiệt đới, vốn là dấu ấn rõ nét của kiến trúc Sài Gòn – Chợ Lớn thập niên 60 – 70 thế kỷ trước. Qua những chi tiết cột đôi, lan can, bậc thang bằng bê tông có khe thông gió, kết hợp hành lang chạy dài, cho thấy cách tổ chức không gian đệm giúp cách nhiệt khá hiệu quả. Những mảng tường hoa gió được xếp đặt tỉ mỉ, tinh tế với các chất liệu gạch mosaic, đá rửa giúp cách nhiệt tốt, tạo ra những mảng trang trí có giá trị thẩm mỹ cao, điểm xuyết cả bên ngoài và bên trong nhà thờ .
Hình 19Hình 20

Hình 18

Với mục đích chính là tạo ra địa điểm để sinh hoạt tôn giáo, đồng thời giúp củng cố, phát triển đời sống tinh thần của họ đạo người Hoa ở Chợ Lớn, 3 ngôi giáo đường trên nằm trong hệ thống các nhà thờ nổi tiếng khác như nhà thờ Chợ Quán (hiện đang trùng tu) đã ghi dấu ấn đặc sắc vào hệ thống di sản kiến trúc đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn. Ôn cố để tri tân, đón mới mà không nới cũ, tinh thần kế thừa, học hỏi và tiếp nối đã góp phần hình thành và giữ gìn nên những di sản của một trong các Chinatown đặc sắc nhất thế giới: phố người Hoa ở Chợ Lớn, Sài Gòn.

Hình 1
Hình 5
Hình 11
Hình 17

(*) Tham quan trong khuôn khổ môn học Nguyên lý thiết kế của thầy và trò ngành Thiết kế nội thất, khoa Thiết kế nghệ thuật, Đại Học Hoa Sen.

BÀI: KS HOÀI THU, KTS VÂN ANH

ẢNH VÀ TƯ LIỆU: KTS TRUNG ĐÔNG

Lớp Nội thất K21, ĐH HOA SEN, TP.HCM

Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC NHÀ ĐẸP SỐ THÁNG 12.2022

Có thể bạn thích

Văn Hóa Kiến Trúc

Zaha Hadid – tinh cầu Starchitect

KTNĐ – Trong những ngày đầu Zaha Hadid viễn du vào một thực cảnh khác, dư luận thế giới đã dành cho bà những tình cảm thật đặc biệt.  Tờ The Guardian

Văn Hóa Kiến Trúc

Giấc mơ về ngôi nhà siêu thực

KTNĐ – Từ việc phác thảo, chế tác, tổ chức không gian, người thiết kế đã kiến tạo nên một phối cảnh thời gian như bệ đài cho tầm vóc

Văn Hóa Kiến Trúc

Linh vật Gargoyle trong kiến trúc phương Tây

KTNĐ – Những gargoyle vui nhộn trong phim hoạt hình “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” khiến tôi cứ nhớ mãi. Lúc nhỏ tôi cứ nghĩ đó là sáng tạo