NHỮNG NGỌN PENJOR VÀ ĐỈNH THÁP THIÊNG

NHỮNG NGỌN PENJOR VÀ ĐỈNH THÁP THIÊNG

Trong mảng sáng tối loang lổ, những mảng rêu xanh, những bức tường gạch, các mảng phù điêu trên sa thạch cùng đan xen đưa tới cảm giác kính sợ cho con người trước những điều huyền bí…

Sau hơn 2 năm đóng cửa hoàn toàn với thế giới vì COVID-19 thì cuối cùng Bali, hòn đảo du lịch nổi danh của đất nước Indonesia cuối cùng cũng được đón du khách trở lại vào những ngày cuối hạ. Mừng đến rơi nước mắt, tất cả đều nói vậy. Cảnh hoang tàn còn lộ rõ với cơ man cửa hàng chưa mở cửa, hệt như cảnh thường thấy hiện nay ở khu phố cổ Hà Nội. Nhưng nhịp sống đã dần hồi sinh và cảnh tượng đầu tiên in vào mắt du khách chính là những ngọn Penjor trắng vẫn hướng lên trời xanh, đưa lời cầu nguyện của con người lên tới cõi vô cùng. 

Hiểu nôm na đó là một thân tre mang ý nghĩa thờ cúng giống như cây nêu trong văn hóa Bắc Bộ ở Việt Nam, nhưng tại Bali, cây Penjor được chế tác rất cầu kỳ với những khối tre và lá dừa đan lát tạo thành mảng họa tiết mềm mại suốt thân cây, ở chót đầu lại nở bung một hình ảnh như giỏ lam hay bình bát. Có những con đường san sát Penjor, có những nơi thưa thớt hơn, còn hầu hết trước các ngôi đền, mà đền thờ lớn nhỏ ở Bali thì có tới hàng trăm đều dựng Penjor. Nhỏ và đơn giản hơn là những khám thờ được gắn trên tường, trước cửa nhà, trong khoảng sân, đó là những khám thờ đan lát bằng lá dừa và tre, chỉ vừa đủ đặt vài món đồ cúng đơn giản. Tín ngưỡng thờ thần của người Bali khác hẳn với các vùng khác trên đất nước vạn đảo, đó là sự kết hợp giữa giáo phái thờ thần Shiva của Ấn Độ giáo với Phật giáo Đại thừa, từ đó mà hình thành nên những ngôi đền tuyệt đẹp, rải rác khắp đảo. Lớn thì có hơn 10 ngôi đền nổi danh, nhỏ thì có hàng trăm, và chính những ngôi đền nhỏ lại tạo nên hồn phách Bali. 

Ở đây đền thờ có thể thuộc về hoàng gia xưa, cũng có thể thuộc về cộng đồng cư dân nào đó, thường thấy nhất là thuộc về một gia đình, tuy lớn nhỏ khác nhau nhưng đều có chung một hình mẫu của cổng được xây theo hình tượng mở của núi thần Meru và những ngọn tháp cao bên trong có mái lợp lá. Trên các tháp thường đặt chiếc ghế, đó là vị trí dành cho Sang Hyang Widhi Wasa, vị thần có nhiều hình thái khác nhau như thần biển cả, sông núi, hồ nước hoặc bảo trợ cho nghề trồng lúa… Tìm hiểu về tôn giáo đặc trưng của Bali là một công việc rất phức tạp, do đó với du khách thông thường, chiêm ngưỡng những ngôi đền với vô số pho tượng, mảng phù điêu mới là điều cần thiết và thú vị.

Một số đền chỉ mở cửa vào những dịp đặc biệt, còn hầu hết đều có thể ra vào tự do. Người ta vào đền làm lễ với tâm thức sùng kính và đặc biệt chăm chú tới nghi thức rắc nước, rải gạo, đặt đồ lên bệ thờ và dưới đất. Lũ chó mèo ở Bali vẫn lang thang khắp nơi tìm đồ ăn trong những chiếc đĩa nhỏ đan bằng lá dừa đặt dưới đất, nhưng có lẽ chúng không mấy hài lòng vì trong đó thường chỉ có chút cơm, bánh quy… Nhịp sống ở đây phân chia thành nhiều phần rõ rệt, khu làm dịch vụ thì quay cuồng đón khách, còn ai lo việc thờ tự cứ bình thản dành thời gian để cúng tế các vị thần linh. Họ không để tâm tới việc du khách rón rén vào đền, lẳng lặng đứng bên và chụp mọi hành động của mình. Trong mảng sáng tối loang lổ, những mảng rêu xanh, những bức tường gạch, các mảng phù điêu trên sa thạch cùng đan xen đưa tới cảm giác kính sợ cho con người trước những điều huyền bí. Khắp đảo Bali, nơi nào cũng có thể dừng chân ngắm nhìn phù điêu và tượng. Những cánh cổng lớn dày đặc tượng thần, những hình hoa văn sóng cuộn, họa tiết hoa sen, hình đầu hổ, sư tử xuất hiện khắp nơi, thu hút nhiều ánh mắt của những vị khách tò mò.

Tại đây, tinh thần tôn giáo được hòa quyện mạnh mẽ với ý thức sáng tạo mỹ thuật bản địa nên người ta trang trí khắp mọi nơi có thể. Có những khu chuyên sản xuất tượng và du khách sẽ bắt gặp những vườn tượng mà trong đó, tượng chúa Jesus đứng cạnh tượng Phật Thích Ca, bò thần Nandin chen vai thích cánh cùng voi thần Ganesha, sư tử… Cũng có những làng được chuyên môn hóa chỉ chuyên chế tác đồ mỹ nghệ và gia dụng với chất liệu kim loại, gỗ, thủy tinh, gốm. Rải rác suốt các con đường là những mảng họa tiết trang trí dù đã cũ hay mới đều toát lên tinh thần của mỹ thuật dân gian. 

Được đến Bali, dạo bước trên các con đường nhỏ, ngắm giỏ hoa tết bằng lá dừa trên đỉnh ngọn Penjor đung đưa dưới bầu trời xanh, chỉ vậy thôi, nhưng sẽ dễ nhận ra hình như mọi biến động ngoài kia gần như rất ít tác động đến những bức tường và các ngôi đền huyền bí, an nhiên, tự tại, thâm trầm nơi đây.

Bali-001

Đền thờ Batu Bolong, nổi tiếng với cụm đền được dựng trên gành đá vươn ra biển

Bali-012

Những ngọn Penjor kiểu hãnh vươn cao trước cổng đền thờ

Bali-018

Đền Tanah Lot nổi tiếng với truyền thuyết rắn thần và vị trí hiểm trở giữa biển

Bali-049

Người phụ nữ sắp lễ vật cúng thần linh ngoài lề đường

Bali-055

Một khám thờ tết bằng lá dừa treo trước cửa nhà 

Bali-058

Những mảng họa tiết trên đá sa thạch trang trí cho các ngôi đền nhỏ rải rác khắp đảo

DJI_0262

Đền Batu Bolong nhìn từ trên cao

IMG_1356

Đền Ubud Palace, xưa kia vốn thuộc về hoàng gia

IMG_1384

Đền Pura Dalem tuyệt đẹp với các mảng điêu khắc trên sa thạch

Bài và Ảnh : Thái A

Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC NHÀ ĐẸP SỐ THÁNG 11.2022

Có thể bạn thích

Du Lịch Kiến Trúc

Nhà thờ Lớn Hà Nội

KTNĐ – Nằm ở trung tâm thành phố, gần hồ Gươm, nhà thờ Lớn là công trình kiến trúc đặc sắc, là hình ảnh quen thuộc đối với người dân

Du Lịch Kiến Trúc

Nơi trưng diện vẻ đẹp của nhà gươl

KTNĐ – Nhà làng (gươl) của người Cơ Tu là di sản kiến trúc đa chức năng gắn bó với cuộc sống tâm linh, văn hóa của cộng đồng. Nét

Du Lịch Kiến Trúc

Làng Gamcheon “khu ổ chuột” kiểu hàn

KTNĐ – Người ta gọi Gamcheon bằng nhiều cái tên mỹ miều như Machu Picchu hay Santorini của Busan (Hàn Quốc), nhưng ít ai biết rằng ngôi làng văn hóa