NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế và chủ công trình. Và câu chuyện của dự án cải tạo mang tên “Nơi tình yêu quay về” này cũng có một câu chuyện riêng của mình.

Sau quá trình cùng làm việc ở dự án ngôi nhà trên Đà Lạt, gia chủ và nhà thiết kế trở nên thân thiết nhau. Và sau đại dịch COVID 19, họ lại được cùng nhau đồng hành khi thiết kế cải tạo căn nhà ở TP.HCM.

Cơn đại dịch quét qua đã cho nhà thiết kế một khoảng thời gian dài yên tĩnh, để nghĩ về một nơi chốn bình yên, hạnh phúc cho những người bạn – gia chủ thân thiết với mình – có tính cách vốn ưa xê dịch, thích đi xa, mê cắm trại, leo núi… khá sôi nổi, mạnh mẽ, nay đến lúc quay về với ngôi nhà thân thuộc.

“Bạn đọc Kiến Trúc Nhà Đẹp có còn nhớ công trình Nhà màu xanh trên đồi đã đăng trên tạp chí năm 2021 không? Nó là điểm đến thường xuyên của gia đình trẻ có 3 con nhỏ vài năm trước. Căn nhà không có phòng riêng cho từng đứa trẻ, chỉ có một cái gác xép như là nơi trú ẩn, và một cái sân cỏ rộng để dựng lều bạt”, nhà thiết kế chia sẻ và tâm đắc kể về dự án thiết kế cải tạo thú vị này.

2

Giờ đây, ba đứa trẻ đã lớn. Cùng với những thay đổi của con cái, của chính cha mẹ về ngôi nhà, về cuộc sống có nhau, bên nhau, không gian của ngôi nhà mới này cần phải phù hợp với lối sống mới của cả nhà, giúp định hình tình cảm, tư duy và lối sống cho các con trên chặng đường dài trước mắt.

Với suy nghĩ và mong muốn đó, lúc đầu họ nghĩ chỉ cải tạo phòng học, phòng sinh hoạt chung của các con. Thế nhưng trong quá trình cùng làm việc với nhà thiết kế, họ nhận ra sự cần thiết kết nối mọi không gian, nên quyết định sửa sang cả ngôi nhà.

“Trái tim” của không gian mới chính là căn phòng học chung nằm trên tầng 1, vừa là trung tâm sinh hoạt chính của cả gia đình, nơi cả nhà trò chuyện, chia sẻ với nhau sau bữa cơm, vừa là nơi mẹ ngồi học cùng với các con. Vì thế, phòng học được ưu tiên đón nhiều ánh sáng và là điểm giao thoa của các phòng ngủ bố mẹ và các con. Trong không gian chung này, ngoài bàn học lớn dùng chung, mỗi đứa trẻ vẫn có phần riêng là những tủ sách lớn chứa niềm đam mê, yêu thích riêng.

5

Các không gian sinh hoạt khác không bị thay đổi nhiều về cấu trúc, không có những đột phá khác biệt, nhưng chất cảm của ngôi nhà được nâng niu, chắt lọc thông qua những vật liệu mới mẻ nhưng gần gũi, thân quen. Đó là những mảng gạch bông đặt riêng cho nhà, hay các chi tiết trang trí bằng gốm, những món đồ thủ công đan móc tinh tế. Rồi những mảng tường dán giấy, những tay nắm tủ mang nét nghệ thuật. Bằng những thay đổi tiết chế và chọn lọc, nhà thiết kế muốn chủ nhà cảm nhận được cảm xúc chuyển tiếp nhẹ nhàng kết nối từ những thân quen cũ sang những thay đổi đơn giản. 

3

Những ý tưởng nhỏ mà tinh tế của nhà thiết kế đã thành công khi chủ nhà thực sự cảm xúc, đặt tên cho tổ ấm được khoác áo mới của mình là “Nơi tình yêu quay về”. Quả đúng vậy, bởi ở đây, họ không bị cảm giác quá mới mẻ, xa lạ, mà là sự chào đón quen thuộc bước vào để nghỉ ngơi bên nhau. Khi các con dần lớn, cần lắm không gian và thời gian bên nhau để trân quý hơn các giây phút quây quần hạnh phúc. Nơi họ có thể giữ gìn các giá trị cốt lõi nhất của hạnh phúc gia đình, nơi tràn đầy tình cảm yêu thương.

22
31
17 a
49
30

Địa điểm: Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà thiết kế: Bảo Vũ, Dương Lê (B.spoke Studio)

BÀI: SONG VĂN

ẢNH: WUYHOANG STUDIO

Theo Tạp Chí Kiến Trúc Nhà Đẹp số Tháng 08.2023 – Chuyên mục Nội Thất

Có thể bạn thích

Giải Pháp

Một lựa chọn thú vị

KTNĐ – Nằm trong khu dân cư yên tĩnh và tương đối cách biệt, ngôi nhà trông có vẻ khác lạ với những không gian sống lân cận bởi cá

Giải Pháp

TÁI CHẾ ĐỂ BỀN VỮNG

Công trình nhà hàng này đã xác lập quan điểm 3R rõ ràng trong thiết kế, xây dựng và sử dụng, đó là Reduce, Reuse, Recycle để giảm thiểu, tái

Giải Pháp

NÉT NHẸ NHÀNG QUEN LẠ

Trong diện tích căn nhà phố nhỏ (5x18m) này là không gian sống của 4 gia đình với 3 thế hệ, với câu chuyện thiết kế xoay quanh những vấn