Phòng ngủ người già và trẻ em

Phòng ngủ người già và trẻ em

KTNĐ – Cũng là phòng ngủ và được thiết kế với mục đích chung là ngủ, nghỉ. Nhưng do đặc thù tâm lý, sức khỏe nên phòng ngủ cho người già và trẻ em luôn có những khác biệt cần thiết.

1P4A9771_resize

Về cơ bản, phòng ngủ cho người già và trẻ em cũng giống như những phòng ngủ khác, để đáp ứng chức năng chính ngủ, nghỉ ngơi, và có thể kết hợp một vài hoạt động cá nhân khác như làm việc, học hành, giải trí…

Song do đặc thù tâm lý, sức khỏe của tuổi mà cần những yếu tố khác biệt để phù hợp hơn, thuận tiện hơn cho việc sử dụng và sinh hoạt. Thiết kế phòng ngủ cho người già và trẻ em cần lưu ý tới những điều này.

MẶT BẰNG ĐƠN GIẢN, MẠCH LẠC: Do có những hạn chế nhất định về sức khỏe, khả năng xử lý tình huống… nên việc tổ chức mặt bằng, công năng trong phòng ngủ dành cho người già hay trẻ em cần đơn giản, mạch lạc. Hệ thống đồ đạc nội thất cũng được kê sắp theo nguyên tắc ấy với những phân khu rõ ràng, tạo nên sự thuận tiện khi di chuyển và sử dụng, sinh hoạt.

Không nên thiết kế những mặt bằng quá khác thường, giao thông lắt léo hay vị trí đặt đồ đạc khó tiếp cận.

_-28_resize

• Ở GẦN PHÒNG VỆ SINH: Phòng vệ sinh nên ở gần phòng ngủ của người già, trẻ em. Tránh tối đa việc bố trí phòng vệ sinh ở khoảng xa, ở tầng khác, hoặc ở vị trí chênh cốt. Trong điều kiện diện tích tổng thể, cấu trúc hợp lý, tài chính cho phép thì có phòng vệ sinh riêng ở trong phòng ngủ là tốt nhất.

Cũng như phòng ngủ, phòng vệ sinh cần được bố trí đơn giản, khoa học. Các thiết bị, phụ kiện trong phòng vệ sinh cần lắp đặt phù hợp về vị trí, chiều cao trong từng trường hợp cụ thể.

Phong_nguoi_gia (03)

• AN TOÀN VÀ THUẬN TIỆN: Đây là vấn đề rất quan trọng liên quan đến sự thuận tiện trong sinh hoạt, sức khỏe và cả tính mạng của người sử dụng. Trong phòng của người già và trẻ em, không được để những vị trí, cấu tạo kiến trúc – nội thất, các chi tiết của hệ thống kỹ thuật… bất tiện, bất lợi như giao thông phức tạp, lối di chuyển hẹp, chênh cốt, các góc nhọn ở tường hay đồ đạc gây nguy hiểm…

Tại các vị trí cửa sổ, ban công, lô gia, giếng trời phải có lan can đủ chiều cao tiêu chuẩn, các hệ thống hoa sắt đảm bảo an toàn. Trong phòng vệ sinh hoặc những nơi có thể có nước (hiên, ban công, lô gia) phải sử dụng vật liệu lát nền chống trơn.

Hệ thống điện phải đảm bảo an toàn với những thiết bị cho phép tự động ngắt khi có sự cố, các mặt điều khiển ở vị trí thuận tiện và đúng độ cao sử dụng… Cũng không nên lắp đặt các thiết bị điện – nước, điện tử, điện cơ… có cơ chế vận hành phức tạp như bồn sục, lò sưởi điện…

1P4A9783_resize

• THOÁT HIỂM: Phòng ngủ của người già và trẻ em cần dễ dàng thoát hiểm khi có sự cố. Do đặc điểm tâm sinh lý và sức khỏe nên khi có sự cố, thường người già và trẻ em dễ hoảng sợ, mất bình tĩnh, tìm cách chạy khỏi hiện trường thay vì xử lý sự cố. Vì vậy thiết kế phòng người già và trẻ em không nên quá đóng kín, để người ngoài dễ dàng nhận biết cũng như người bên trong có thể “phát tín hiệu” khi cần.

Hệ thống chốt khóa phải dễ thao tác đóng mở, và nhất thiết phải để một bộ chìa khóa bên ngoài để kiểm soát và xử lý khi có sự cố.

Phong_nguoi_gia (04)

• MỘT VÀI ĐIỂM LƯU Ý KHÁC:

– Phòng ngủ của người già và trẻ em đều không nên quá xa khu vực sinh hoạt chung và phòng ngủ của chủ nhân chính trong gia đình để tiện chăm sóc sức khỏe, quản lý, hỗ trợ trong các hoạt động – sinh hoạt. Phòng của người già không nên ở tầng quá cao và gần những nơi có thể gây tiếng ồn như phòng kỹ thuật, karaoke…

Tâm lý chung, người già thích gần gũi, giao lưu cùng con cháu, song lại cần những khoảng tĩnh lặng riêng. Vì thế, phòng ngủ cho người già cần bố trí những khoảng mở, thoáng đãng, sáng sủa… để khi ở trong phòng (không phải khi ngủ) vẫn thấy thoải mái, dễ chịu.

– Vật liệu, màu sắc phòng ngủ cho người già nên giản dị với màu trầm và sáng nhẹ nhàng, tránh những màu rực rỡ; gỗ là chất liệu rất phù hợp. Đường nét, hình dáng của đồ đạc và các yếu tố trang trí cần đi tới sự tĩnh tại, cân bằng.

Với phòng trẻ em thì có thể có nhiều màu sắc và chất liệu đa dạng hơn, đường nét, hình khối có thể tự do, “động” để tạo không khí vui tươi. Tất nhiên dù dùng vật liệu, màu sắc… như thế nào cũng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc an toàn và thuận tiện.

– Phòng ngủ cho người già cần trù liệu tới yếu tố sức khỏe suy giảm khi tuổi càng cao. Còn phòng ngủ trẻ em lại cần những dự tính cho việc điều chỉnh bởi sự thay đổi về tâm sinh lý khi trẻ lớn lên, và nhu cầu của các hoạt động khác liên quan trong phòng ngủ như chơi, học.

BÀI: KTS NGUYỄN TRẦN ĐỨC ANH
ẢNH: HÀ THÀNH, TƯ LIỆU

Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 4.2016

Có thể bạn thích

Công Trình

“MỘT MÀU CAM CAM…”

Làm việc tại nhà, kinh doanh qua mạng, rồi mở cửa hàng luôn tại nơi ở, có lẽ là lựa chọn không dễ chịu với cư dân đô thị. Nhưng

Chốn Riêng

CHÚT KHẤP KHỂNH DUYÊN DÁNG

Nếu nói theo kiểu “không có phụ nữ xấu…” để biểu hiện mỗi ngôi nhà luôn có một nét duyên riêng, thì những mảng mái nhấp nhô của ngôi nhà

Giải Pháp

NƠI TÌNH YÊU QUAY VỀ

Mỗi ngôi nhà được xây dựng đều là một câu chuyện của kiến trúc sư, nhà thiết kế và chủ công trình. Và câu chuyện của dự án cải tạo