THIẾT KẾ LINH HOẠT CHO PHÒNG CỦA TRẺ

THIẾT KẾ LINH HOẠT CHO PHÒNG CỦA TRẺ

Không gian riêng của trẻ

Thực chất, phòng trẻ em cũng thường là một phòng ngủ mang tính cá nhân như những phòng ở khác của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế cho phép, phòng trẻ em dần được thiết kế như một không gian đặc thù, tạo ra một không gian sống phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Vật dụng cho phòng trẻ cũng là một mảng thị trường  sôi động của việc sản xuất và kinh doanh đồ nội thất, các dịch vụ trang trí nội thất.

Phòng trẻ em thường được thiết kế dành cho trẻ khoảng 6-15 tuổi, ở lứa tuổi mà các em có thể ngủ một mình, chủ động trong việc sinh hoạt cá nhân và học tập, có nhu cầu riêng tư – nhưng vẫn chưa phải là người lớn. Cũng có thể phòng trẻ em được thiết kế cho các em nhỏ ở tuổi mẫu giáo, hoặc kết hợp nhiều trẻ ở độ tuổi khác nhau (anh/chị em), tùy hoàn cảnh gia đình và cách thức quản lý, chăm sóc trẻ của bố mẹ và các thành viên lớn tuổi khác.

Thông thường, phòng trẻ em được thiết kế với những sắc màu vui tươi rực rỡ, trang trí với những hình ảnh dễ thương, các nhân vật hoạt hình, cổ tích… Đó là những hình ảnh quen thuộc nhiều người vẫn thấy trên các tạp chí, hay các cửa hàng đồ nội thất trẻ em. Thiết kế phòng trẻ em cần thiết phải hiểu được tâm sinh lý trẻ theo độ tuổi và giới tính; cùng với các đặc điểm cá nhân khác của mỗi “chủ nhân” không gian và thói quen, nếp sinh hoạt của gia đình trẻ.

Thay đổi và sự linh hoạt cần thiết

Hầu như ai làm thiết kế nhà ở gia đình – nhất là đối với những khách hàng trẻ, đều được đặt hàng… thiết kế phòng trẻ em. Đó là điều dễ hiểu vì những khách hàng trẻ này đều có những thành viên nhí trong gia đình, hoặc tương lai sẽ có. Và ai cũng muốn cho con mình một căn phòng đẹp, một không gian sống tốt, thông qua thiết kế kiến trúc, nội thất và cả việc mua sắm. Tuy vậy, trong thực tế việc thiết kế và sử dụng không gian này cũng có rất nhiều vấn đề cần phải lưu ý và… rút kinh nghiệm.

Căn phòng cho trẻ có thời gian sử dụng kéo dài vài năm, hoặc có thể đến chục năm, từ khi trẻ còn bé đến khi đã lớn. Tâm sinh lý trẻ thay đổi rất nhanh, vì vậy, nhiều trường hợp chỉ sau một thời gian ngắn không gian đó đã không còn phù hợp. Có thể nguyên nhân là do thiết kế không phù hợp cá nhân trẻ như trên đã nói, có thể do độ tuổi lớn lên, tâm tính và sở thích trẻ thay đổi, có thể do những biến đổi nhu cầu trong cuộc sống… Có rất nhiều lý do khiến cho phòng trẻ em không phù hợp, cần phải điều chỉnh.

Ví dụ như việc sử dụng giường tầng, mới đầu thì thích, sau lại thấy bất tiện và nguy hiểm; đến khi trẻ lớn hơn, không cảm thấy sợ khi phải trèo nữa thì trẻ cũng hết thích cái giường “trẻ con” này. Hoặc nhiều phòng trẻ được thiết kế những giá kệ để đồ chơi, rất sinh động và đáng yêu; nhưng hết tuổi đồ chơi thì những giá kệ đó không thích dụng cho những việc khác. Có gia đình làm phòng chung cho trẻ, nhưng đến tuổi nhất định (nhất là với trẻ khác giới), chúng sẽ không muốn (và không nên) chung phòng nữa… Rồi khi trẻ lớn, kích thước nhân trắc thay đổi, tất cả đồ đạc nội thất như giường, bàn ghế sẽ không còn phù hợp; các thứ trang trí ngộ nghĩnh xưa kia như nhân vật hoạt hình, cổ tích sẽ khiến trẻ không thích, thậm chí khó chịu vì trẻ đang muốn khẳng định làm người lớn…

Xét về tổng thể, phòng trẻ chỉ chiếm một thời gian nhất định không dài so với tuổi thọ của công trình và đời sống của một gia đình. Vì vậy khi thiết kế phòng trẻ cần phải bảo đảm sự linh hoạt để có thể dễ dàng điều chỉnh hay thay đổi tính chất chức năng không gian, phù hợp cho nhu cầu thực tế.

– Phương án bố trí nội thất không nên quá đặt biệt, không quá lạm dụng các hình thù nội thất khác thường trên mặt bằng (vốn gây ấn tượng và ngộ nghĩnh); để có thể dễ dàng điều chỉnh cơ cấu.

– Hệ thống kỹ thuật phải tính toán phù hợp trong mọi trường hợp sử dụng khi trẻ lớn hoặc chuyển đổi phòng cho đối tượng khác. Ví dụ trẻ nhỏ không có nhu cầu về tivi hay đường truyền internet, nhưng sẽ có nhu cầu khi lớn hơn.

– Tránh trang trí quá nhiều và cố định, nhất là trang trí bằng bằng hình khối kiến trúc ở trần, tường, các màu sơn rực rỡ. Hãy trang trí linh hoạt (dễ thay đổi) bằng tranh ảnh, rèm cửa, ga giường, gối và những đồ chơi. Việc lạm dụng màu sắc và hình trang trí nhìn thoáng qua có thể thích mắt nhưng sống trong đó một thời gian dài sẽ không tốt cho tâm lý, dễ bị kích thích và mỏi mệt.

– Các thứ đồ nội thất nên thiết kế đón đầu tuổi để tránh lạc hậu, tính toán tới việc chuyển đổi mục đích sử dụng. Ví dụ như các giá kệ đồ chơi có thể chuyển thành giá sách hoặc tủ đựng đồ cá nhân/ quần áo khi trẻ lớn và dành nhiều thời gian cho học tập nhiều hơn là vui chơi.

– Tính trước tới khả năng chuyển đổi cơ cấu sinh hoạt hoặc thay đổi chức năng phòng. Ví dụ trẻ ở chung đến một độ tuổi nhất định cần tách phòng, hoặc thay đổi “phòng trẻ em” thành “phòng người lớn” tại chính không gian cũ.

Theo Tạp chí KTNĐ 6-2018

Có thể bạn thích

Quan Sát

Hương vị mùa xuân

KTNĐ – Ngôi biệt thự được bao quanh bởi vườn cây trồng tự nhiên, đan xen là những mặt hồ nước chạy sát nhà. Gần về trưa của một ngày

Quan Sát

Thấp thoáng hương vị cao nguyên

KTNĐ – Bạn hỏi cái chỗ ăn buffet ngọt ấy có gì hay. Trả lời rằng ừ thì cũng là địa điểm kinh doanh, nhưng hình thức và không gian

Quan Sát

Vật liệu thân thiện

KTNĐ – Từ lâu trên thế giới, khái niệm “sustainable materials” (vật liệu thân thiện, vật liệu bền vững) không còn xa lạ, nhưng ở nước ta chỉ mới phổ