Ẩn mình giữa đại ngàn

Ẩn mình giữa đại ngàn

KTNĐ – Nghe dân phượt truyền tai nhau về một chốn “bồng lai” giữa đại ngàn, dù đã không ít lần lọ mọ trong khu bảo tồn Pù Luông mà không biết, tôi thấy trong lòng có chút ấm ức. Cùng lúc có cô bạn thân tận xứ đảo Hawaii về thăm nhà, chúng tôi vội lên kế hoạch “đưa nhau đi trốn”.

IMG_7374 copy_resizeChỉ cách Hà Nội chưa đến 200km và có tới 3 cung đường để thoát khỏi sự ồn ào náo nhiệt của phố phường, Pù Luông retreat ẩn mình trên sườn đồi với một tầm nhìn tuyệt đẹp.

Đến đây, du khách được đắm mình giữa đại ngàn với những thửa ruộng bậc thang nối dài trong lòng thung lũng, những bản làng hiền hòa nép mình trong cau cọ và một khu lưu trú đáp ứng vừa đủ các nhu cầu của khách mà vẫn giữ nguyên không gian mộc mạc, hoang sơ của núi rừng.

Chúng tôi chọn cách đến bằng đường xa nhất và cũng là đường bằng phẳng nhất theo đường mòn Hồ Chí Minh đến thị trấn Cành Nàng, Bá Thước (Thanh Hóa), ăn một bữa trưa trên dòng sông Mã đầy nắng rồi qua cầu La Hán theo đường 15C đi xuyên khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông tới thôn Đôn, xã Thành Lâm.

IMG_0560 copy_resizeDSC_2566Tiếng là đường quốc lộ nhưng rất vắng, chúng tôi không gặp một chiếc xe nào đi cùng chiều hay ngược chiều, hãn hữu mới có vài chiếc xe máy của dân bản địa hoặc tại một số nơi đã gặt mới thấy người nông dân tay gánh tay gồng.

Tấm biển đề Pù Luông retreat bằng gỗ nhỏ nhắn và giản dị, nằm bên cạnh một chiếc guồng nước khá đặc trưng nơi hạ nguồn sông Mã. Một lối mòn sỏi đá đầy cây bụi mà phía trước không chắc sẽ dẫn tới đâu ngoài một vài mái lá thấp thoáng trong tầm mắt.

Thế rồi, chốn “bồng lai” ấy hiện ra, với những cụm nhà sàn hai tầng và một dãy bungalow quần tụ như bản làng. Có bóng dáng của những homestay đang khá phát triển trong du lịch cộng đồng ở khu vực miền núi phía Bắc, nhưng ở một cấp độ cao cấp và tinh tế hơn nhiều.

Khu nhà sàn lễ tân và cũng là khu nhà hàng được bài trí khá công phu, kỹ lưỡng từ những đồ dùng nhỏ nhất, tất cả gợi cho lữ khách một cảm giác mộc mạc và thân thiện.

Sườn đồi ngay bên dưới là nhà sàn cộng đồng với 16 đệm ngủ được sắp xếp dọc theo các cửa sổ, khu vực giữa sàn là nơi tụ họp uống rượu cần và giao lưu văn hóa, tầng dưới đặt những tấm phản tre hoặc những chiếc xích đu để khách ngồi thư giãn uống trà, hít thở không khí trong lành và tươi mát của núi rừng.

IMG_7349 copy_resize DSC_2766_resize_resize

Pù Luông vốn là một điểm đến nhỏ nhưng mang trong mình nhiều sắc thái của thiên nhiên và cuộc sống miền Bắc Việt Nam: những dãy núi điệp trùng như ở Sa Pa, ruộng bậc thang lộng lẫy như của Mù Căng Chải, sông suối và thác nước kiểu Cao Bằng, đá tai mèo nhấp nhô trên đồng như thể cao nguyên đá Hà Giang, những bản làng bình yên của người dân tộc Thái, Mường mang hình dáng Mai Châu. Lại kín đáo ẩn mình giữa đại ngàn.

Bạn còn chần chừ gì mà không vội lên đường để khám phá Pù Luông?

Ở tầng dưới cùng của sườn đồi, là những căn nhà nhỏ dạng bungalow men theo ruộng lúa, với tầm nhìn thẳng xuống lòng thung lũng theo lối kiến trúc thật khiến người ta xao lòng.

Sử dụng chất liệu gạch trần, đá, gỗ và mái rơm để xây dựng không phải là điều gì mới mẻ trong kiến trúc, nhưng cùng với việc hạn chế tối đa các sản phẩm của cuộc sống hiện đại như điều hòa, tủ lạnh, internet đều bị “cắt” hết, đã mang đến cho Pù Luông retreat một không gian hoàn toàn tách biệt và du khách có thể thực sự tìm được cảm giác “ẩn mình giữa đại ngàn”.

Điểm nhấn ấn tượng nhất của nơi đây chính là một bể bơi nước suối tuyệt đẹp nằm trên sườn đồi, giữa các bungalow và điệp trùng mây núi. Nước suối được dẫn vào bể bơi liên tục, trong trẻo và mát lạnh. Giữa những ngày hè oi bức, trầm mình trong làn nước mát, giữa thiên nhiên khoáng đạt và lộng lẫy khi Pù Luông vào mùa lúa chín, nhấp một ngụm bia, thấy lòng như chùng lại, thật êm ái và thư thái vô cùng.

DSC_2710

Các bungalow đều có ban công lớn, đặt ghế dài và bàn nhỏ, nơi mỗi du khách tự tìm ra một không gian và cảm nhận của riêng mình. Phòng tôi nằm một mình nơi góc bể bơi, căn đẹp nhất trong số 9 bungalow của Pù Luông retreat.

Một bờ rào tre làm cổng nhà, tạo sự riêng tư kín đáo nhất định cho khách. Điểm thú vị là căn nhà được xây dựng với hai cái cây mọc xuyên mái, một cây ở ngay cửa vào và một cây trong phòng vệ sinh.

Giường, sofa được trang điểm bằng những miếng vải thổ cẩm, bàn ghế gỗ kiểu cổ điển, giản dị, tranh treo tường chính là những bức tranh phong cảnh của núi rừng Pù Luông. Mành nan treo cửa sổ, mái nhà lợp cót ép, khung xương bằng gỗ và tre nứa, đồ nội thất màu sắc trang nhã, nhẹ nhàng.

Phía sau căn phòng là một bồn tắm lộ thiên giữa thiên nhiên, vừa lồ lộ, vừa kín đáo, trông vô cùng gợi cảm và quyến rũ.

IMG_7439 copy_resize IMG_7356 copy_resize
Không chỉ riêng “nhà” của tôi, “nhà” các bạn tôi cũng được thiết kế và bài trí với tinh thần gần gũi thiên nhiên nhất có thể. Các lối đi được lát đá và trồng cỏ, cây cối hoa lá trồng dọc bờ rào và tường nhà. Bàn ghế ngoài trời làm từ xi măng giả gốc cây, đặt giữa đất trời thênh thang bát ngát.

Sớm mai khi mặt trời mọc hay lúc hoàng hôn buông mình trên rặng núi mờ xa, ngồi vắt chân ngẫm nghĩ về nhân tình thế thái trong cái se lạnh và yên tĩnh của đại ngàn, một cảm giác vô cực tràn ngập cơ thể, đưa tâm hồn đi lạc tận đẩu tận đâu.

BÀI: GIANG NGUYÊN
ẢNH: GIANG NGUYÊN – NGUYỄN NGỌC THÀNH

Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 8-2016

Có thể bạn thích

Quan Sát

Ý TÝ MÙA XUÂN

KTNĐ – Tôi vẫn luôn nhớ về miền đất ấy, nơi mây trắng bay la đà trên nóc những mái nhà trình tường bé xíu như vỏ bao diêm bám

Quan Sát

NHẬN DIỆN “NGÔI NHÀ MỚI”

Một “Ngôi nhà mới” ở Đà Nẵng với hình thức và vật liệu đầy ấn tượng. TẠP CHÍ KIẾN TRÚC NHÀ ĐẸP – THÁNG 4.2018

Quan Sát

Một thoáng Nhật Bản từ Điện Biên Phủ Q.3 đến Tokyo

KTNĐ – Người ta đã nói nhiều điều hay về Nhật Bản, nước Nhật hùng cường, hiện đại, nước Nhật văn minh mà cũng rất truyền thống. Và đương nhiên,