Chọn kiểu nhà nào?

Chọn kiểu nhà nào?

KTNĐ – CHỌN KIỂU NHÀ NÀO?

Khi kiến trúc sư bắt tay thiết kế một ngôi nhà, và trao đổi thông tin với chủ nhà, thì một nội dung quan trọng là hình thức, phong cách, hay gọi đơn giản hơn là kiểu nhà. Bên cạnh những nội dung, yêu cầu khác như quy mô, công năng, kỹ thuật thì “kiểu” được chủ nhà hết mực quan tâm. Bởi những vấn đề có tính chuyên môn sâu như mặt bằng công năng, cấu trúc, tổ chức không gian, giải pháp kỹ thuật… người ngoại đạo là chủ nhà thường ít có điều kiện để cân nhắc. Bên cạnh đó, vấn đề hình thức lại rất cụ thể, dễ hiểu nên nó thường là câu chuyện chính giữa chủ nhà và kiến trúc sư.

Moi_la-Truyen_thong (02)_resizeCũng có những chủ nhà ủy thác việc “chọn kiểu” cho kiến trúc sư, nhưng có lẽ rất ít. Hầu hết họ đều quan tâm và có những mong muốn nhất định về gương mặt ngôi nhà của mình. Thậm chí nhiều chủ nhà chỉ để cho kiến trúc sư làm phần mặt bằng công năng, còn hình thức thì chủ yếu thỏa hiệp ý kiến của gia chủ. Thông tin bây giờ có rất nhiều, từ truyền hình, sách báo, internet, hay công trình hiện hữu cụ thể trên đường phố, nên chủ nhà dễ tìm thấy những gì tương đồng với ý thích để đưa vào ngôi nhà của mình. Thậm chí, vấn đề kiểu dáng, hình thức còn được đưa ra đầu tiên, khi chưa có giải pháp về công năng, theo cách: “Tôi muốn nhà tôi kiểu này”, hay “tôi muốn nhà tôi giống công trình A, B, C…” nào đó.

Chọn kiểu nhà nào cũng thường là câu chuyện mâu thuẫn, xung đột trong gia đình chủ nhà, khi mỗi người một ý. Điều đó cũng dễ hiểu vì mỗi người có quan niệm khác nhau, tiếp nhận thông tin khác nhau, sở thích, cá tính… khác nhau. Những người già thường có xu hướng hoài cổ, thích những gì thuộc về truyền thống, quen thuộc; trong khi người trẻ lại thích mới lạ, hiện đại, thậm chí có thể phá cách, “điên rồ”. Nhiều khi kiến trúc sư phải làm trọng tài để phân xử trong những trường hợp như vậy.

Moi_la-Truyen_thong (03)_resize Moi_la-Truyen_thong (04)_resizeThật ra, chọn kiểu dáng, phong cách nào cho nội thất, kiến trúc ngôi nhà ở cũng chỉ là tương đối. Với điều kiện, hoàn cảnh xây dựng nhà ở tư nhân hiện nay, với phần lớn là nhà lô phố với đủ các kích thước, hình hài, quy mô do dân tự xây (không theo dự án) thì việc thực hiện theo một phong cách có tính lý thuyết, hàn lâm là vô cùng khó. Các phong cách thì rất nhiều, với những nguyên tắc và đặc điểm khác nhau: nào là tân cổ điển, hậu hiện đại, Đông Dương, art-deco… rồi Louis, Victoria, Nhật Bản, đồng quê, pop-art, biểu hiện, tối giản… Mỗi trường phái, phong cách lại có những phân nhánh, biến thể riêng và có phạm vi ảnh hưởng khác trên toàn cầu hay ở phạm vi hẹp địa phương… Bản thân kiến trúc sư cũng chưa nắm rõ được hết, huống chi là chủ nhà. Thế cho nên, nói một cách nôm na, và phân chia đơn giản, cả hai bên cùng dễ hiểu, thì chỉ có hai kiểu chính: truyền thống – quen thuộc và hiện đại – mới lạ.

Moi_la-Truyen_thong (01)_resize Moi_la-Truyen_thong (05)_resizeTrong kiến trúc, mối quan hệ giữa công năng và hình thức rất chặt chẽ. Vì vậy, không dễ dàng lắp ghép một mặt bằng cổ điển với mặt đứng hiện đại hay tương tự. Kiến trúc hiện đại, không chỉ là bố cục tự do, hình thức đơn giản, khối mạnh, vật liệu mới mà còn thể hiện ở những mặt bằng đa dạng và linh hoạt; trong khi đó kiến trúc truyền thống, cổ điển không chỉ thể hiện ở những chi tiết cầu kỳ phức tạp, mà còn có yếu tố môi trường, cảnh quan, cách thức tổ chức mặt bằng, tỷ lệ mặt đứng chặt chẽ, đơn giản, có nhiều khi đăng đối.

Tuy nhiên, phong cách hay kiểu dáng không thể tồn tại một cách độc lập mà có mối liên hệ với nhiều yếu tố khác như địa hình, khí hậu, môi trường, văn hóa, công nghệ – kỹ thuật… và cá tính của người chủ cũng như “cái tôi” riêng của kiến trúc sư. Và phong cách kiến trúc cũng có tính thời kỳ, thời trang, có những trào lưu dù rằng nó không dễ thay đổi như bộ quần áo.

Moi_la-Truyen_thong (08)_resizeCÓ MỘT XU HƯỚNG THỜI TRANG KIẾN TRÚC TRONG NHÀ Ở?

Chọn mới lạ hay chọn truyền thống vẫn là câu chuyện muôn thủa của mỗi chủ nhà và kiến trúc sư. Và thực tế hai khuynh hướng này vẫn tồn tại song song. Ở khắp các đô thị ngày càng mọc lên nhiều ngôi nhà hiện đại với bê tông, thép, kính; nhưng cũng không ít các ngôi nhà vẫn cố níu giữ nét cổ điển châu Âu dù hình thái ngôi nhà đã khác rất nhiều. Có một số gia chủ có điều kiện (về tiền bạc, đất đai) đã dày công dựng nên nhiều công trình nhà ở theo lối dân gian truyền thống, mang âm hưởng Á Đông.

Nhưng cũng có thể thấy, trong những năm gần đây, có một xu hướng nhà ở mới, khá phát triển và được giới truyền thông lăng xê rất nhiều. Có những công trình đã được giải thưởng quốc tế, nhiều công trình được giới thiệu trên các tạp chí và trang mạng của nước ngoài. Những công trình này không theo hẳn lối hiện đại hay truyền thống, mà có sự dung hòa, và có những nét mới lạ (so với những gì đã thành quen thuộc). Có thể dễ dàng nhận diện các công trình này với các đặc điểm như: hình khối hiện đại, mặt bằng tự do, sử dụng đa dạng các loại vật liệu, tiêu biểu như bê tông trần, gạch trần không trát, gạch hoa bê tông, gạch hoa gốm, gạch bông xi măng, lam gỗ, cầu thang thép…; rồi cả mái tôn, dầm thép; nội thất dùng vật liệu tái chế, thô mộc… Một số bộ phận làm khác phổ thông như bồn tắm, bệ bếp mài granito; sàn xi măng không lát… Cây xanh hiện diện nhiều trong và ngoài nhà… Những công trình này là những thành công nhất định trong việc tìm kiếm một hướng đi mới cho kiến trúc nhà ở, phù hợp với những điều kiện đô thị khá đa dạng ở Việt Nam; đem lại những sản phẩm kiến trúc có giá trị về thẩm mỹ; góp phần thay đổi diện mạo đô thị xấu xí và nhàm chán.

Moi_la-Truyen_thong (14)_resizeTuy nhiên, nhìn và ngẫm kỹ; thì thấy đây cũng là một xu hướng kiến trúc thời trang, với cách thức làm, “thể hiện” na ná nhau, vài công trình có tính “diễn” về hình thức hơn là đi sâu vào vấn đề cốt lõi là công năng sử dụng. Nhiều công trình sau khi chụp ảnh đẹp lung linh xong, lên báo chí truyền hình rôm rả đã bộc lộ những nhược điểm, bất tiện trong sử dụng. Có ngôi nhà cây xanh trong nhà, ở mặt tiền, trên mái không sống nổi vì môi trường không phù hợp và thiếu chăm sóc; có ngôi nhà “chan hòa ánh sáng” đến mức thừa sáng, phải tìm cách che bớt đi, có ngôi nhà “thoáng” quá nên lúc nào cũng lo trộm… Lại có ngôi nhà có mặt tiền đàng hoàng, lại bịt hết bằng gạch bánh ú thông hơi, nên tối thui; lại có nhà thì làm phòng ngủ dưới mái tôn không trần – để phô kết cấu thép – trời ơi quá nóng!…

Xu hướng kiến trúc thời trang này vẫn đang phát triển nhưng rồi có lẽ, sẽ có lúc người ta sẽ phải nhìn lại một cách nghiêm túc và thấu đáo. Bởi ngôi nhà làm ra để ở, chứ không phải để chụp hình.

BÀI, ẢNH & TƯ LIỆU: HÀ THÀNH

Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 11.2016

 

Có thể bạn thích

Quan Sát

Ý TÝ MÙA XUÂN

KTNĐ – Tôi vẫn luôn nhớ về miền đất ấy, nơi mây trắng bay la đà trên nóc những mái nhà trình tường bé xíu như vỏ bao diêm bám

Quan Sát

Chưng đồ xưa và phong thủy hiện đại

Đa số gia đình cư ngụ ổn định lâu năm đều có một vài hay nhiều món đồ xưa. Có nhà thậm chí là đồ cổ quý hiếm, hoặc đồ

Quan Sát

Hương vị mùa xuân

KTNĐ – Ngôi biệt thự được bao quanh bởi vườn cây trồng tự nhiên, đan xen là những mặt hồ nước chạy sát nhà. Gần về trưa của một ngày