Giấc mơ về ngôi nhà siêu thực

Giấc mơ về ngôi nhà siêu thực

KTNĐ – Từ việc phác thảo, chế tác, tổ chức không gian, người thiết kế đã kiến tạo nên một phối cảnh thời gian như bệ đài cho tầm vóc của chính mình?

A (4)_resizeTừ bao đời nay, những kiến trúc lớn luôn phản ánh khát vọng, ham muốn, năng lực và quyền lực của con người. Nếu nhìn từ trên cao, người ta có thể dễ nhận thấy điều đó từ những Phật tháp ở Tây Tạng,  Myanmar, Thiên đàn của Trung Quốc, đền Vàng ở Kyoto, Nhật Bản, một đài phun nước ở Singapore hay
các nhà thờ lớn ở châu Âu… Đó là những phối cảnh lớn hơn cái không gian chứa đựng kiến trúc.

Có lẽ cũng vì thế mà người ta hay viết, phẩm bình, đánh giá người thiết kế qua những công trình có quy mô lớn, những tác phẩm có sức ảnh hưởng rộng khắp ấy. Nhưng nhiều khi cái tôi riêng biệt, khác biệt, năng lực sáng tạo hay tầm vóc của KTS lại ẩn khuất trong những chi tiết rất nhỏ bé, một vật dụng hay một món đồ chơi.

Chính ở nơi chốn không còn cái chúng tôi hay chúng ta, sự thuần khiết của cảm xúc, ước mơ, khát vọng mang đậm dấu ấn cá nhân lại kể một câu chuyện thú vị hơn rất nhiều.

Một lần tình cờ tôi nhìn thấy trên facebook hiển thị hình ảnh quảng cáo chiếc đồng hồ xa xỉ, siêu sang, độc nhất mà một người Nhật Bản đã cầu kỳ đặt một nghệ nhân rất nổi tiếng của Thụy Sĩ thực hiện.

Chiếc đồng hồ không số. Chỉ duy nhất một kim giờ màu xanh dương. Tạo hình mũi tên và trái tim của chiếc kim này gợi nhớ design của Shepherd Gate chiếc đồng hồ cổ biểu tượng rất nổi tiếng từ 1852 ở kinh độ 0 thuộc Đài thiên văn hoàng gia Greenwich, London.

Trên mặt đồng hồ có bốn Hán tự nhị – thập – bát – tứ (“tứ” đồng âm với “tú” nên có thể hiểu đây là nhị thập bát tú). Nổi bật ở trung tâm là hình ảnh một chú khỉ tuyết như một thông điệp về bản mệnh của thân chủ.

Không kim phút, kim giây, chiếc đồng hồ đã làm nhòe mờ những mốc giới về thời gian. Nó mở ra một không gian vô cực, vô cùng của một cảm thức khác.

D_resize A (1)_resize

A (2)_resize A (7)_resize

F (1)

Hình ảnh chú khỉ tuyết trầm tư được các nghệ nhân Nhật Bản kỳ công thể hiện trên chất liệu maki-e, lớp sơn mài truyền thống, cứng như đá, sang trọng, từng được các samurai phủ lên mũi tên, áo giáp đã thêu dệt, kết nối và tạo nên sự hấp dẫn cho những câu chuyện.

Đó cũng là ngôn ngữ, chất liệu thiền để các nghệ nhân phác họa, gợi dẫn một chân dung và biểu tượng khác của Mizaru, Kikazaru và Iwazaru – ba chú khỉ rất nổi tiếng của Nhật Bản.

Con khỉ trong văn hóa của Nhật Bản thì không xả thân cứu giúp người đẹp thoát nạn như chiến binh Hanuman trong sử thi cổ của Ấn Độ. Mizaru, Kikazaru và Iwazaru thì không thần thông biến hóa, đại náo thiên cung, trường sinh bất lão hay thành Phật như Hầu vương của Trung Hoa. Ba chú khỉ chỉ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng, nhất mực một tâm thế: không nói – không nghe – không thấy.

Trong đạo Phật, Mizaru, Kikazaru và Iwazaru là một ẩn dụ về tính không. Không vừa chứa tất cả mọi hiện tượng, vừa xuyên suốt các trình tự phát triển sự vật. Với Thiên Thai tông, điêu khắc ba chú khỉ là biểu tượng của chân lý, giáo lý rất cơ bản. Chỉ khi nào ngộ không, mỗi con người mới thực sự buông xả được nhiều nỗi khổ đau, tham, sân, si và tìm thấy nơi lưu trú bình yên trong sự hài hòa với đất trời.

Theo chiêm tinh, khỉ là sao Chủy thuộc nhị thập bát tú trong Hoàng đạo, những ngôi sao chủ có thể chi phối mọi trật tự vũ trụ. Với người Nhật, từ địa lý, phong thủy, vai trò, ảnh hưởng của khỉ được đồng nhất với núi Hiei như một năng lực, sức mạnh góp phần trấn họa, xấu, giữ an lành cho thành phố Kyoto cũng như xứ sở Phù Tang…

“Chủy tinh tạo tác hữu đồ hình”, với sao Chủy chiếu mệnh, biểu tượng khỉ không chỉ mách bảo chủ nhân của nó thuộc nhóm người có năng lực vượt trội trong việc kiến tạo những thay đổi không gian sống. Nếu không phải là quy hoạch gia, kiến trúc sư, điêu khắc gia thì cũng phải là doanh nhân trong nghề xây dựng…

A (5)_resize B (2)_resize

Biểu tượng khỉ gắn liền với những điều mà chủ nhân đồng hồ tâm niệm, suy niệm về sức khỏe, tiền bạc, danh vọng, tình yêu, hạnh phúc cùng những chuẩn mực về phép ứng xử, lẽ tu thân. Không nói – không nghe – không thấy những điều xấu là một châm ngôn giản dị. Đó cũng là những diệu pháp trong giao tiếp với tự nhiên, ứng xử với mọi người, sự vật.

Vậy là trong một cỗ máy cơ khí tuyệt hảo, bên trên những chuyển động cơ khí cực kỳ chính xác lại có rất nhiều câu chuyện về không gian – thời gian, vũ trụ và trái đất, chiêm tinh và phong thủy, niềm tin và tôn giáo, tình yêu và tầm vóc một thế hệ người Nhật đầy khát vọng sáng tạo…

Tâm thế ấy nhắc những người chiêm ngưỡng chiếc đồng hồ về những biểu tượng lớn hơn và từng hiện diện ở khắp nơi. Rất có thể nó tiếp nối những ghi chép về vũ trụ mà những nhà thiên văn Summerian đã khắc trên đá vào năm 3123 trước Công nguyên. Nó cũng có thể xác định thiên thực như chiếc đồng hồ đá Stonheghen cách nay 4.000 năm ở bình nguyên Salisbury, London.

Đó có thể là hình ảnh khác của cung Hoàng đạo mà các nhà chiêm tinh học Babylon tạo ra từ những năm 1645 trước Công nguyên. Đó cũng là một tuyệt tác như chiếc đồng hồ thiên văn Astrolabes do người Hy Lạp cổ đại chế tạo năm 150 trước Công nguyên và sử dụng trong khoảng thời gian dài đến cuối năm 1950, trước khi được thay thế bởi những dụng cụ thiên văn hiện đại hơn…

D (2)_resize

B (1)_resize

Với tất cả những thông điệp trên, từng thời khắc qua đi, ngày sang đêm, năm tháng đổi thay, mỗi khi lắng nghe những âm thanh tíc tắc hay dõi theo sự mách bảo của cái kim – trái tim, chắc hẳn chủ nhân đã trở thành một kỳ nhân cùng với giấc mơ siêu thực của mình.

Xin chép tặng chủ nhân, tác giả của kiến trúc siêu tưởng cùng những KTS trẻ một khái niệm, một bản vẽ, một định nghĩa khác về ngôi nhà vũ trụ mà từ thế kỷ 3 trước Công nguyên, Khuất Nguyên từng viết trong Thiên vấn – Hỏi trời:

Vũ trụ sơ khai, ai truyền gốc tích?
Trời đất chưa thành, xét đâu lai lịch?
Sáng tối hỗn mang, ai suy cho rõ?
Máy tạo chuyển vần, ai biết lúc đó?
Sáng tối, tối sáng, đắp đổi cớ sao?
Âm dương hợp hóa, nguồn gốc thế nào?
Trời tròn chín tầng, ai xây dựng kiểu?
Tầng nào khởi đầu, thợ nào tay khéo?
Vòng trời buộc đâu?
Trục trời gác đâu?
Chống đâu tám cột núi? Đông nam sao biển sâu?
Biên giới chín tầng. Rộng tới mô đó?
Góc nhiều cạnh lắm?
Ai rõ con số?
Đâu trời giáp đất?
Vòng chia thế nào?
Treo đều vầng nhật nguyệt?
Bầy đâu các vì sao?

BÀI & ẢNH: XUÂN BÌNH

Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 7-2016

Có thể bạn thích

Văn Hóa Kiến Trúc

Căn hộ dành cho con gái

KTNĐ – Từ căn hộ chung cư theo kiểu xưa, cũ kỹ, nữ chủ nhân đã cải tạo lại cho tươi sáng và xanh mát hơn, như một món quà

Văn Hóa Kiến Trúc

Mái nhà người du ngư

KTNĐ – Xuất hiện trên cuộc đời này, có người bám chặt ở mặt đất phố thị, có người kết dính ở làng mạc, có người neo vào thảo nguyên,

Văn Hóa Kiến Trúc

KKNAG: Nguyễn Tấn Tuấn [1983] – NHỚ HỘI

Thoạt nhìn lại, ấy vậy mà lại sắp sửa đến Tết. Từ dạo đại dịch Covid-19 bùng phát Tết năm ngoái, gần cả năm rồi, ở trên diện rộng, thế