Hội thảo kỷ niệm 75 năm Hội kiến trúc sư Việt Nam: Vai trò Kiến trúc với phát triển bền vững văn hoá – kinh tế – xã hội
Nhân dịp kỉ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam và Kỷ niệm 75 năm thành lập Hội KTS Nam, ngày 22/04/2023, tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Bát Tràng – Hà Nội, Hội KTSVN chỉ đạo Tạp chí Kiến trúc và các đơn vị phối hợp tổ chức Hội thảo “Vai trò kiến trúc với phát triển bền vững Văn hóa – Kinh tế – Xã hội” nhằm nhìn lại những đóng góp của kiến trúc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, từ đó, phát huy hơn nữa vai trò của kiến trúc trong sự nghiệp phát triển của đất nước.
Tới dự Hội thảo có sự tham dự: Về phía Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành và các Hội Trung Ương: Ông Nguyễn Tường Văn – Thứ trưởng bộ Xây dựng; Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Dương Trung Quốc – Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội XD Việt Nam; Về phía Hội KTS Việt Nam: TS KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch hội KTS Việt Nam và các Lãnh đạo Hội KTS Việt Nam, cùng các diễn giả khác mời và đại diện các đơn vị vật liệu, cơ quan truyền thông báo chí cùng hơn 200 KTS tham gia trực tiếp và gần 500 KTS tham dự trực tuyến qua nền tảng Zoom.
Ông Nguyễn Tường Văn – Thứ trưởng bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu định hướng tại Hội thảo, Ông Nguyễn Tường Văn – Thứ trưởng bộ Xây dựng bày tỏ: “Kiến trúc có vai trò rất quan trọng với đời sống kinh tế, xã hội, con người và với nhiều mức độ, Kiến trúc thể hiện bản sắc văn hóa, trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Nhìn lại chặng đường 75 năm phát triển của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tôi hết sức vui mừng về những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Hội. Tôi đặc biệt đánh giá cao những đóng góp hết sức quan trọng của Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật Kiến trúc được Quốc hội thông qua và ban hành năm 2019. Với niềm vui mừng, phấn khởi, tự hào về thành tựu của 75 năm phấn đấu và trưởng thành của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tôi hết sức tin tưởng vào những bước phát triển vững chắc và đột phá của Hội trong thời gian tới, tiếp tục giữ vững và nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò quan trọng của Hội trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước.”
TS. KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
Phát biểu khai mạc và đưa ra tham luận đề dẫn về Vai trò của Kiến trúc với phát triển bền vững đất nước, TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã đưa ra 3 nội dung chính trong vai trò Kiến trúc về mặt Vật thể Kiến trúc, Phi Vật thể Kiến trúc và Con người làm Kiến trúc. Theo ông: “Kiến trúc còn là một ngành khoa học kỹ thuật không thể thiếu trong nền tảng hạ tầng phát triển của mọi xã hội. Hội KTS Việt Nam cùng các thế hệ kts Việt Nam đã đang và sẽ luôn ý thức và hành động vì điều đó. Việc xác định đúng vai trò trong cộng đồng dân tộc vì sự phát triển đất nước luôn là mục tiêu và động lực của nền kiến trúc và người làm kiến trúc Việt Nam.”
Từ tham luận đề dẫn, khách mời đã được nghe phần trình bày về 4 tham luận: Giải mã gen Văn hoá Kiến trúc Việt Nam với sự trình bày của KTS Hoàng Thúc Hào – Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam; Bối cảnh và đặc điểm kiến trúc hiện đại miền Nam giai đoạn 1954 -1986 của KTS Phạm Phú Cường – Phó Chủ tịch Hội KTS TP Hồ Chí Minh; Những công trình đồng hành cùng cộng đồng kiến trúc Việt – GS.KTS Nicolaus Goetze (CHLB Đức) và KTS Trần Công Đức; Kiến trúc vị nhân sinh và triết lý người làm nghề – KTS Đoàn Thanh Hà (H&P Architect).
Tại tham luận Giải mã gen Văn hoá Kiến trúc Việt Nam, KTS Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng: “Có bốn yếu tố cơ bản tác động đến văn hóa ở: Điều kiện địa hình: Địa điểm xây dựng bằng phẳng (thuận lợi) hoặc không bằng phẳng (bất lợi); Điều kiện khí hậu: Thời tiết nóng, lạnh, lượng mưa nhiều, ít theo mùa; ảnh hưởng của thiên tai: bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất,… Đời sống văn hóa – tín ngưỡng: Quan niệm – nhận thức của con người về sự thịnh vượng, tốt đẹp, thuận tiện, thẩm mỹ, niềm tin gửi gắm vào các đấng tối cao; Liên hệ xã hội: Tiếp xúc và đón nhận những kinh nghiệm của các dân tộc khác trong việc tổ chức không gian ở (xưa kia) và của các quốc gia khác trong bối cảnh toàn cầu hóa (hiện tại và tương lai)“. Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm, Văn hóa trong Kiến trúc cộng đồng ở Nông thôn – Sự đứt gãy hiện tại và nhu cầu hàn gắn trong bối cảnh một xã hội tương lai chú trọng nhiều hơn tới bản sắc.
KTS Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam
Trong tham luận về Bối cảnh và đặc điểm kiến trúc hiện đại miền Nam giai đoạn 1954 -1986 của TS. KTS Phạm Phú Cường, Phó Chủ tịch Hội KTS TP Hồ Chí Minh, ông cho biết: “Trong giai đoạn này, Kiến trúc hiện đại miền Nam có 3 xu hướng chính: Hiện đại Quốc tế – Đặc trưng bằng việc thực hành theo những nguyên tắc cơ bản của kiến trúc Hiện đại thế giới, đặc biệt là Chủ nghĩa công năng; Hiện đại Nhiệt đới – Đặc trưng bằng việc sử dụng những giải pháp che nắng và thông gió tự nhiên như: tường hoa gió chắn nắng (tường 2 lớp), lam bê tông, hành lang, sân trong, logia, mái đua, cửa hai lớp, các kiểu ô văng che nắng và Hiện đại Dân tộc – Đặc trưng bằng việc sử dụng giải pháp hàng cột hiên, mái ngói, dầm console, tàu mái bê tông, hoa văn trên tường hoa gió chắn nắng với họa tiết truyền thống phương Đông, cách xử lý tỷ lệ thân thiện với con người.”
KTS Phạm Phú Cường, Phó Chủ tịch Hội KTS TP Hồ Chí Minh
GS.KTS Nicolaus Goetze (CHLB Đức) và KTS Trần Công Đức cũng chia sẻ về một triết lý mới, khi các đơn vị thiết kế quốc tế thực hiện các dự án tại Việt Nam, đó là “Hội nhập gắn liền với bản sắc”. Đó cũng là tư duy hành nghề của GMP – Đa dạng trong đồng nhất. Trong suốt chặng đường 75 năm phát triển của kiến trúc Việt Nam, Gmp đã tham gia và đồng hành cùng Kiến trúc Việt Nam trong 1/3 chặng đường và nhiều công trình cấp quốc gia. Ông cũng nhận thấy: “Bộ mặt các đô thị tại Việt Nam mà gắn liền với nó là các công trình kiến trúc ngày càng có quy mô lớn hơn, chất lượng hoàn thiện hơn, phức tạp hơn, phát triển nhanh chóng theo thời gian ở mọi vùng miền, biểu trưng cho những tiềm năng và thành tựu kinh tế mới.”
GS.KTS Nicolaus Goetze (CHLB Đức) và KTS Trần Công Đức
Phần cuối của tham luận là phần trình bày về Kiến trúc vị nhân sinh và triết lý người làm nghề – KTS Đoàn Thanh Hà (H&P Architect). Theo ông, Kiến trúc vị nhân sinh không phải là một khái niệm mới, nó luôn được đề cao trong thiết kế từ các thế hệ KTS đầu tiên của chúng ta cho đến ngày nay. Vượt qua khuôn khổ quốc gia, Kiến trúc vị nhân sinh cũng là triết lý được đề cao trong giới KTS quốc tế. Ông cho biết thêm: “Kể từ khi KTS được coi là một nghề tại Việt Nam, chúng ta đã trải qua một quá trình lịch sử với nhiều cố gắng của chính phủ trong định hình lại không gian nhà ở, tuy nhiên sự quan tâm này là chưa đủ, nhưng đó cũng cũng là động lực thúc đẩy các KTS trẻ dấn thân hơn, tạo ra bước đột phá cho kiến trúc nhà ở.”
KTS Đoàn Thanh Hà (H&P Architect)
Tiếp nối tham luận là phần thảo luận tại Hội thảo dưới sự điều phối của TS. KTS Nguyễn Việt Huy cùng 4 diễn giả và sự tham gia của TS. KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm. Nội dung thảo luận đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của giới KTS, bàn luận về vai trò của lĩnh vực kiến trúc trong mối quan hệ tương hỗ với các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội. Với tiếng nói đa chiều, những góc nhìn khách quan, đa diện về sự phát triển của kiến trúc Việt Nam trong tương lai, hướng tới sự phát triển bền vững, đặc biệt là góc nhìn độc đáo từ lĩnh vực quản lý kiến trúc – đô thị ở một quận trung tâm Thủ đô.
KTS Đoàn Thanh Hà; TS. KTS Phạm Phú Cường; KTS Hoàng Thúc Hào; TS. KTS Phạm Tuấn Long; KTS Nguyễn Công Đức; KTS Nguyễn Việt Huy (Theo thứ tự từ trái sang phải)
TS. KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm
Theo TS. KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm: “Trong giai đoạn từ 1954-1986, công tác quản lý, tái thiết bảo tồn đô thị chưa dành được nhiều nguồn lực và chú trọng phát triển, dẫn đến nhiều ảnh hưởng đối với hiện tại. Vì vậy, điều quan trọng trong phát triển kiến trúc gắn với thực tiễn là tìm ra các nguồn lực và khai thác các tiềm năng phát triển, đặc trưng riêng của từng vùng. Hà Nội còn nhiều thú vị về con người, văn hoá, điều kiện khí hậu, thời tiết, tạo ra những cảm xúc riêng cho những người làm nghệ thuật, chúng tôi đã, đang và sẽ cùng các nghệ sĩ, các KTS tìm ra và tái thiết, chỉnh trang lại các không gian này.”
Phiên thảo luận cũng đã khép lại Hội thảo với những phân tích sâu kỹ về các yếu tố để đóng góp vào định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong tương lai, đồng thời, Hội thảo đã thể hiện những suy ngẫm của giới nghề, một lần nữa khẳng định được vai trò cũng như trách nhiệm của giới nghề với xã hội, với cộng đồng trong sự phát triển chung của đất nước.
Kỷ yếu Hội thảo và thông tin Hội thảo: http://tckt.vn/ky-yeu-HT-75nam-HKTSVN
Theo Tạp Chí Kiến Trúc – Hội KTS Việt Nam
Có thể bạn thích
Hội nghị Ban chấp hành Hội KTS Việt Nam lần thứ 5 – Khóa X (nhiệm kỳ 2020 – 2025)
Trong khuôn khổ các hoạt động thường niên của Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam, chiều ngày 18/11/2023 tại Nghệ An đã diễn ra Hội nghị Ban chấp hành
MALLOCA RA MẮT BỘ SƯU TẬP CHẬU RỬA CHÉN INOX SLIDE NÂNG TẦM TIỆN NGHI CĂN BẾP
Nổi bật với các dòng sản phẩm thiết bị nhà bếp cao cấp, thiết kế theo phong cách Châu Âu, Malloca tiếp tục ra mắt Bộ sưu tập Chậu rửa
ĐẠI HỘI THÀNH LẬP HỘI NỘI THẤT VIỆT NAM
Ngày 8/10/2023, tại Khách sạn Lotte Hà Nội (54 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) đã diễn ra sự kiện Đại hội thành lập Hội Nội thất Việt Nam nhiệm kỳ