KHÉO XOAY XỞ CHO NƠI Ở

KHÉO XOAY XỞ CHO NƠI Ở

Các ý kiến dù từ góc độ chuyên môn thiết kế hay người làm nghệ thuật hoặc vai trò nhà đầu tư bất động sản… cũng đều đem lại những quan điểm thú vị trong Bàn tròn Nhà Đẹp tháng 9. Chủ đề “Khéo xoay xở cho nơi ở” có vẻ như chạm vào những trăn trở chung lẫn riêng của mỗi người, bởi trong từng thời kỳ nhất định ai cũng ít nhiều trải nghiệm và trăn trở để sao cho không gian sống được gọn đẹp, tiện dụng và hiệu quả hơn, dù kinh phí và diện tích eo hẹp…

#1. Tại các nước phát triển, không gian sống thông minh và tiết kiệm, hiệu quả vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của cư dân đô thị. Anh (chị) thấy hiện nay đây có phải là xu hướng đang phổ biến và quan tâm nhiều tại Việt Nam, nhất là với người trẻ ?

*NGUYỄN TRẦN ĐỨC ANH, KIẾN TRÚC SƯ: Nhà rộng rãi nhiều phòng, không gian thoải mái là điều ai cũng mong muốn. Thế nhưng vì lý do kinh tế và các lý do khác, không phải ai cũng có điều kiện như vậy. Tôi đã gặp nhiều gia đình vẫn thích ở trong các căn nhà nhỏ ngay trung tâm, đi đâu cũng gần, thân quen với sinh hoạt hằng ngày, hàng xóm láng giềng, không chịu ra ở căn hộ chung cư vùng ngoại ô, đô thị mới… Do đó không gian sống của họ khá eo hẹp, và “bài toán” làm sao cải thiện chỗ ở đã truyền qua nhiều thế hệ và chứa đựng nhiều quan niệm sống, văn hóa sống. Một số lý do khác dẫn đến việc thiếu không gian như không thể mở rộng hay mua thêm đất, công trình nằm trong giới hạn quy hoạch chiều cao không thể vươn lên thêm, hoặc nhà trên đất hương hỏa không muốn bán, nhà cổ sót lại… Khi đó, cụ thể vấn đề phải giải quyết là những yêu cầu rất riêng với hiện trạng khó khăn mà tùy từng trường hợp cụ thể nảy sinh thêm nhiều tình huống đa dạng như diện tích nhỏ, hình thù đất méo mó phức tạp… nhưng với người cư ngụ đã quen gắn bó với một nơi chốn cụ thể thì họ vẫn chấp nhận và xoay xở tại đó sao cho ổn thỏa. Không chỉ người già níu giữ kỷ niệm nơi “ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó”, mà nhiều người trẻ Việt Nam hiện nay cũng giống như ở Tokyo hay Singapore, ai muốn sống gần gũi tiện ích đô thị khu trung tâm đều phải giải bài toán không gian “nhỏ mà chất, chật cần thoáng” này. 

*TRẦN MAI PHƯƠNG, KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN: Thực tế cho thấy các xu hướng nhà cửa nào đó đang nổi hiện tai đều có cả quá trình tích lũy âm ỉ, thậm chí là phổ biến lâu rồi nhưng không lộ diện do thông tin và sự cổ súy không nhiều. Để đến được giai đoạn gọi là “phát triển” như bây giờ thì cư dân các nước đó cũng “vật vã” rất lâu với đủ thứ xáo trộn, bất cập… nhằm tìm kiếm nơi cư ngụ phù hợp với công việc, mức sống của bản thân và gia đình. Có những khu vực hiện nay chúng ta gọi là đất kim cương, đất vàng nhưng 40 năm trước có cho cũng không ai đến ở vì bối cảnh xã hội và mức sống khi đó không phù hợp. Do đó, tôi thấy hiện nay những dự án bất động sản đình đám đang “đánh mạnh” vào giới trẻ đô thị với những mỹ từ như “sở hữu tầm nhìn trung tâm cảnh quan sông” hay “tuyệt tác cổ điển bên hồ cảnh quan…” chỉ nhằm quảng bá những giá trị mà nhóm cư dân trung lưu quan tâm. Còn phân khúc khách hàng thu nhập trung bình trở xuống thì tiện ích và hiệu quả, môi trường an toàn và chi phí hợp lý vẫn là những giá trị cốt lõi nhưng chưa được đáp ứng. Người trẻ dĩ nhiên là dễ chạy theo trào lưu, có thể check-in sống ảo bất kỳ đâu mà họ thích. Nhưng để sở hữu một nơi cư ngụ đàng hoàng tử tế thì xem ra vẫn còn xa vời. Theo tôi hình thức nhà thuê vẫn là lựa chọn phù hợp và linh hoạt, hợp quy luật phát triển, dĩ nhiên là phải đảm bảo chất lượng sống.

*bantron_NguyenThiTamAn NGUYỄN THỊ TÂM AN, NHÀ THIẾT KẾ NỘI THẤT, GIẢNG VIÊN: Tôi nghĩ kiến tạo không gian sống nhỏ gọn là xu hướng tất yếu được nhiều đối tượng trong xã hội quan tâm, không chỉ là người trẻ. Việc gia tăng dân số tại các đô thị lớn dẫn tới mật độ dân cư ngày càng dày đặc khiến cho không gian sống của mỗi gia đình hay từng cá nhân ngày càng thu hẹp. Những gia đình chung sống nhiều thế hệ sẽ cần có những giải pháp thiết kế thông minh và hiệu quả để xử lý những không gian cá nhân nhỏ gọn và linh hoạt. Hoặc những đối tượng theo đuổi sở thích sống riêng, sống một mình hay có lối sống bận rộn, dịch chuyển liên tục sẽ lựa chọn những căn hộ nhỏ – phòng từ 25-30m2 – nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí sinh hoạt, đồng thời chủ động trong việc kiến tạo những góc riêng “chất chơi” theo cá tính của mình. Thậm chí, ngày nay một số chủ đầu tư còn kinh doanh những dự án đầu tư kiến tạo không gian nhỏ tiện ích tại những khu trung tâm để cho thuê ngắn hạn, nhằm phục vụ dân văn phòng ở xa, đi lại bất tiện…mà tại các quốc gia phát triển đông dân như Hồng Kông, Nhật Bản hay Singapore khá phổ biến. Sau đại dịch COVID-19, không gian nhỏ tiện ích ngày càng thể hiện được nhiều ưu điểm về tính riêng tư và an toàn sức khỏe, có thể sẽ được đầu tư nhiều hơn trong tương lai. 

#2. Các giải pháp, cách thức xoay xở khi diện tích không gian nhà ở bị hạn chế hiện nay khá đa dạng. Liệu có thể làm nhà đẹp khi nhà hẹp, nhà có nhiều gò bó bất lợi, nhà cải tạo không nhiều kinh phí…thưa anh (chị)?

*NGUYỄN THỊ TÂM AN: Bên cạnh yếu tố diện tích hay những bất lợi về mặt vật lý và kinh tế, khả năng chúng ta có thể “xoay xở” và “ứng biến” phù hợp và khéo léo như thế nào sẽ khai thác ưu điểm và khắc phục nhược điểm của từng dự án, chứ không có mẫu số chung nào cho các giải pháp thiết kế. Cụ thể là với kinh phí, dữ liệu ràng buộc và điều kiện xây dựng hiện trạng… khác nhau thì giải pháp rất khác nhau. Không gian nhỏ vẫn có thể làm hiệu quả theo kiểu “nhỏ mà có võ”, không nhất thiết phải gắn với điều kiện kinh tế dư dả hay sở hữu không gian rộng lớn. Cụ thể, 3 yếu tố để “khéo co” trong thiết kế không gian nhỏ sẽ bao gồm kinh phí, không gian và kích thước. Tối ưu ba yếu tố này bằng việc phân tích rõ điều kiện kinh tế, lối sống, sở thích và kích thước của người sử dụng, xác định nhu cầu cốt lõi của khách hàng và ưu tiên những chi tiết này để đưa vào việc bố trí không gian; lựa chọn trang thiết bị; phối kết hợp màu sắc và chất liệu; lắp đặt chiếu sáng. Một người dành nhiều thời gian làm việc tại nhà sẽ thích một góc làm việc đa năng hơn một người ngồi 8 tiếng tại văn phòng. Một cô nàng độc thân sẽ có lối sống và những ưu tiên khác biệt hoàn toàn so với một người mẹ bỉm sữa. Khi tôi làm mẹ bỉm sữa, đã cải tạo lại khu vực “đọc sách, xem phim” mỗi tối rất “chất chơi” của mình trở thành hệ thống module tủ kệ đựng máy hút sữa, bỉm, sữa, tã… Vẫn là không gian 30m2 ấy, nhưng khi điều kiện sống thay đổi thì chúng ta cần phải ứng biến có hiểu biết, khôn ngoan, tạo chất riêng biệt.

*NGUYỄN TRẦN ĐỨC ANH: bài toán nhà nhỏ và chật đặt ra khả năng nâng cao mức tiện nghi, “tiệm cận” được với những nhu cầu thực tiễn của gia chủ. Có thể cấu trúc ngôi nhà, mặt bằng công năng, vị trí các phòng đã ổn rồi, nhưng theo thời gian sử dụng lại nảy sinh thêm những nhu cầu khác mà hiện trạng khó đáp ứng, ví như bếp cần rộng hơn để đặt bàn ăn lớn, cần chỗ đặt đàn piano, con cái bắt đầu lớn cần thêm góc học tập, làm việc, tủ sách, cả nhà cần kho chứa đồ… Bản chất việc “xoay xở” là một cách làm sao cho khoa học, linh hoạt, cần sự tính toán chính xác ở nhiều phương diện (kinh tế, tiện ích, kỹ thuật, thẩm mỹ…) mà còn phải bền vững chứ không chỉ giải quyết nhất thời rồi vài năm sau lại… xoay tiếp, không phải muốn “xoay” thế nào cũng được. Có thể kể tới một số giải pháp cơ bản như sau:

– Kết nối không gian: tạo sự liên thông giữa các chức năng có quan hệ với nhau giúp thông thoáng và tầm nhìn mở rộng, thuận lợi giao thông và sinh hoạt. Ví dụ như kết nối chỗ để xe và phòng khách, sinh hoạt chung và bếp ăn, phòng ngủ và làm việc, phòng thờ và thư viện…

– “Tiết kiệm” mặt bằng: Khai thác tối đa những khoảng trống, biến “góc chết” thành nơi hữu dụng. Ví dụ như tận dụng gầm cầu thang làm phòng vệ sinh, kho, dùng tivi treo tường thay vì đặt trên kệ, dùng hệ thống cửa mở trượt thay vì mở quay để ít chiếm mặt bằng.

– Giảm tải không gian: khi kê nhiều đồ đạc có kích thước lớn, hoặc đặt nhiều đồ ở vị trí trung tâm sẽ chiếm dụng không gian, gây ra sự bức bí, giảm khả năng chiếu sáng và thông thoáng tự nhiên. Cách kê đồ bám theo các tường hoặc vách ngăn để tạo khoảng trống ở giữa thuận tiện cho giao thông, giúp không gian thoáng, nhẹ nhàng hơn. 

– Tận dụng chiều cao và đa năng: có thể tận dụng phần chiều cao ngoài phạm vị trung bình lên tới sát trần (từ 2,2m trở lên) để các tủ quần áo, giá sách, hoặc phần trên của phòng vệ sinh làm kho, kệ chứa đồ… Hiện có nhiều sản phẩm theo hướng “nội thất tích hợp” khá hiệu quả, như hệ thống tủ quần áo vừa là kệ tivi, kệ trang trí… hoặc bàn ghế ăn kết hợp tiếp khách…

– Tạo cảm nhận thị giác tích cực: chú ý tới các yếu tố đường nét, màu sắc đơn giản, màu trắng, sáng, để tạo nên sự thanh thoát, nhẹ nhàng. Tránh dùng nhiều đồ kiểu dáng khác nhau, chi tiết phức tạp rườm rà; màu đối chọi hay quá rực rỡ… gây rối mắt, ảnh hưởng không tốt tới tâm lý, sức khỏe. 

* TRẦN MAI PHƯƠNG: Có trải qua quá trình làm “khổ chủ” mới hiểu những suy nghĩ, thậm chí những toan tính của người bỏ tiền bỏ công ra xây nhà. Thời bây giờ chuyện tìm kiếm tư liệu trên mạng thì dễ, mà tìm được người chuyên môn để đồng hành thì… hên xui. Tôi quan niệm nhà càng gặp nhiều gò bó bất lợi, càng bị hạn chế… thì càng cần tìm đến nhà chuyên môn, thậm chí phải hiểu để chấp nhận trả chi phí cho chất xám của người chuyên môn giúp mình tìm ra giải pháp xoay xở tốt và hợp lý. Có dịp đi một số nước Âu châu và Nhật Bản, tôi thấy xứ họ vẫn nhiều gia đình ở trong những “hộp diêm” tí hon, căn hộ áp mái hay nhà di động xe kéo… diện tích chỉ 30m2 mà tích hợp đầy đủ tiện nghi và nhiều “đồ chơi” thú vị. Nhìn vào không gian siêu nhỏ của họ sẽ thấy rõ vai trò của công nghệ và các ngành sản xuất gia dụng tham gia rất nhiều vào quá trình làm nhà nhỏ gọn, thông minh, tiện ích, chứ không chỉ có kiến trúc sư hay kỹ sư.

#3. Vẫn có quan điểm cho rằng xoay xở trong thiết kế chỉ xảy ra khi “cái khó ló cái khôn” trong điều kiện eo hẹp mới cần. Còn khi “nhà có điều kiện” thì cứ thoải mái, phá cách, thể hiện cá tính, miễn sao độc lạ… Anh (chị) nhìn nhận vấn đề này ra sao?

*TRẦN MAI PHƯƠNG: Tôi thấy các nước phát triển ở Bắc Âu vẫn luôn có dòng sản phẩm nội thất giá rẻ, lắp ráp nhanh, tùy biến linh hoạt… cho người có thu nhập trung bình trở xuống dễ dàng chọn lựa. Còn nội thất cao cấp, xa xỉ vẫn có nhóm khách hàng riêng. Vai trò của kiến thức nền, trình độ nhận thức chung của mọi người trong xã hội sẽ quyết định nên theo xu hướng tiêu xài nào khi làm nội thất nhà cửa.

Những gu thiết kế theo kịp trào lưu của đám đông xã hội đang ưa thích sẽ có sự nổi đình đám một thời gian, ví dụ dùng cửa gỗ cũ, dùng màu nội thất toàn trắng, dùng chi tiết cổ điển vương giả… bởi có lẽ người ta dễ bị “tâm lý đám đông” thuyết phục. Nhưng các gu thiết kế đó cũng sẽ dễ bị mai một, nhàm chán hoặc khó được chấp nhận nếu nhà thiết kế chỉ biết dùng ồ ạt mà không có sự điều chỉnh và diễn giải hợp lý về công năng cũng như thẩm mỹ. Bản thân tôi vẫn luôn đánh giá cao các thiết kế tiết kiệm, hợp lý và cho dù có “khéo chiều chuộng” khách hàng đến đâu thì vẫn nên có tư vấn, diễn giải hợp tình hợp lý để khách hàng chọn lựa, chứ không đơn thuần là thỏa mãn ý thích nhất thời.

*NGUYỄN TRẦN ĐỨC ANH: Nơi để sống không cần chờ tới thời đất chật người đông mới đề cập đến cách xử lý. Ông cha ta đã đúc rút nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống về sự linh hoạt và thích ứng, như nhiều câu thành ngữ “Liệu cơm gắp mắm”, “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, “Ăn nhiều chứ ở hết bao nhiêu”… không đơn thuần là giải pháp xử lý cho không gian nhỏ, hay cho riêng ngôi nhà, cho kiến trúc, bởi dù không nhắc đến ngôi nhà cụ thể nhưng những câu trên đều nói tới sự ăn-ở, cùng chính là đề cập tới văn hóa sống. Đó cũng là sự động viên, là niềm tin để vượt quá các khó khăn, nghịch cảnh, biết thích ứng một cách linh hoạt và khoa học.

Con người ta sống hạnh phúc đâu phải ở cái nhà to hay nhỏ, ở phòng chật hay hẹp, đồ đạc có đủ đầy hay không, có tiện nghi hay không… Những cái đó cần thiết cho cuộc sống, nhưng không phải là yếu tố quyết định làm nên hạnh phúc. Có rất nhiều trường hợp, lý do dẫn đến việc thiếu diện tích, không gian. Và cũng có không ít lý do… lãng xẹt dẫn đến lãng phí không gian, đầu tư không hiệu quả vào một chi tiết, cấu trúc mà khi đi vào sử dụng mới thấy ít hiệu quả, tốn chi phí duy trì, hay mau chóng lỗi thời, bất cập. Theo tôi, vấn đề thoải mái phá cách, ít quan tâm thích ứng khéo léo mà chỉ muốn thể hiện cái tôi cá nhân… nằm ở hiểu biết và cách thức truyền tải thông điệp cá nhân trong không gian sống của gia chủ cũng như người chuyên môn. 

*NGUYỄN THỊ TÂM AN: Nếu nói việc xoay xở trong thiết kế chỉ xảy ra trong điều kiện eo hẹp mới cần “cái khó ló cái khôn” thì theo tôi, “nhà có điều kiện” là bài toán “vượt chướng ngại vật” khi chúng ta phải biết cách tránh gây ra sự lãng phí về kinh phí và không gian. Có thể nói, so sánh nào cũng sẽ là khập khiễng khi các đối tượng được so sánh không tương đồng nhau, dữ liệu đầu vào khác nhau thì sản phẩm đầu ra chắc chắn không giống nhau. Đối diện với dự án thiết kế, dù ở quy mô nào cũng có cái khó riêng, tôi tin rằng các nhà thiết kế đều hướng tới sự sáng tạo cao nhất nhằm tạo ra sản phẩm có tính thẩm mỹ và tính riêng. Điểm chung ở đây chính là việc nhà thiết kế và gia chủ nên là những người bạn đồng hành, tương tác và thỏa thuận để đưa ra những phương án phá cách độc lạ, có thể thỏa mãn nhu cầu cầu nhất thời cũng như lâu dài. Mỗi khách hàng sẽ có trải nghiệm đời sống, điều kiện kinh tế, gu thẩm mỹ và cá tính hoàn toàn khác nhau nên các thiết kế cũng muôn hình vạn trạng. Có khác chăng thì không gian nhỏ sẽ cần nhà thiết kế phải quan tâm nhiều hơn về những tình huống giả định về sự thay đổi điều kiện sống của khách hàng trong tương lai, do việc thay đổi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

GHI CHÚ HÌNH ẢNH: 

02

Diện tích và tiện nghi tuy rất cần thiết cho cuộc sống, nhưng luôn cần nắng gió, cây xanh, khoảng thư giãn và quây quần ấm áp… làm nên chất lượng không gian sống

04

 Mỗi gia đình có trải nghiệm đời sống, điều kiện kinh tế, gu thẩm mỹ và cá tính khác nhau nên các thiết kế nội thất cũng muôn hình vạn trạng, miễn sao đảm bảo các nhu cầu cốt lõi

06

 Khéo làm tủ kệ, vách ngăn… sẽ giảm thiểu chiếm chỗ đồ đạc để không gian nhỏ thoáng đãng hơn

08

 Xử lý khu cầu thang để giúp trục giao thông đứng gọn gàng và tiện ích hơn

09

 Đồ nội thất đa năng ngày càng được chuộng trong đô thị chật hẹp

Thực hiện: KTS LÊ HUY

Ảnh: THÁI KHƯƠNG

Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC NHÀ ĐẸP SỐ THÁNG 9.2022

Có thể bạn thích

Bàn Tròn

CHỌN “ KIỂU” NHÀ CHO AI, VÌ AI

Ai cũng biết có những kiểu cách chỉ mang tính hấp dẫn nhất thời và các bên tham gia làm nhà cần tập trung vào những gì cơ bản và

Bàn Tròn

NHÌN VỀ NƠI AN TRÚ

Vì một số lý do khách quan mà Bàn Tròn tản mạn đầu năm không được tổ chức tại một thời điểm với đầy đủ khách mời dự kiến. Tuy

Bàn Tròn

Thiết kế vườn và hồ cho nhà ở

KTNĐ – Thử tưởng tượng, những không gian ở chốn đô thị sẽ khô cứng và ngột ngạt biết chừng nào nếu thiếu vắng bóng dáng cây xanh. Và khi