Khúc dạo đầu và những dấu lặng
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi.
(Xuân hạ thu đông, thơ Thôi Hiệu)
—
KTNĐ – Ý nghĩa thơ “mùa xuân đi thăm nơi cỏ mọc, mùa hạ thưởng thức ao sen xanh…“ để nói đến triết lý sống hợp tiết khí, hợp thể chất, đúng nơi đúng chỗ, không cố cưỡng cầu co kéo. “Phương thảo địa” ở đây như nhắc gợi về một miền không gian không cầu kỳ, đủ sinh khí tươi xanh, thoáng đãng và an lành.
Ai ở nơi thành thị ngột ngạt cũng gắng tìm một góc tươi xanh, một chốn thoáng đãng như để bù đắp cho mình và gia đình, để giãn ra, chậm hơn, thư thái hơn, sau những đầy ắp nhịp mưu sinh. Những khoảng trống, khoảng lặng, dù ở nơi phương xa, hay tạo ra ngay trong nhà mỗi người, vì thế mà trở nên có ý nghĩa hơn.
Việc thiết kế và sử dụng thiếu các khoảng trống hợp lý cũng tương tự như nghe bản nhạc triền miên không có chỗ nghỉ, chỗ lặng. Công trình trở nên bừa bộn chen chúc, người dùng mệt mỏi thậm chí không chịu nổi, nhà xây hoàn thiện rồi mà ngột ngạt theo kiểu đầy thì tràn… đều là những biểu hiện của việc quy hoạch, kiến trúc, nội thất thiếu vắng những khoảng trống có nghĩa.
Có hai thái cực trong thiết kế khoảng trống có nghĩa. Thái cực thứ nhất là thiếu vắng do tư duy ưa tận dụng tối đa diện tích. Còn thái cực thứ hai là sự lạm dụng khoảng trống, cầu kỳ hóa và hình thức hóa khoảng trống, khai thác khoảng trống theo kiểu xếp đặt giả tạo khiến không gian giảm đi tính hữu dụng mà sa vào những “minh họa” lãng phí và thiếu bền vững.
Khoảng trống có nghĩa trước mỗi công trình đôi khi không cần phải cầu kỳ xếp đặt, mà cần biết khiêm nhường để giữ sạch những góc nhìn thoáng đãng tinh khôi
Nếu xem tổng thể quy hoạch – kiến trúc bên ngoài cho đến từng ngôi nhà bên trong là bản nhạc hoàn chỉnh, dù chưa biết tạo ấn tượng cao thấp hay dở thế nào, thì có thể kể ra rất nhiều những khoảng trống có nghĩa cần xác lập. Ở cấp độ đô thị, điểm dân cư, đó là không gian quảng trường, chốn công cộng, nơi sinh hoạt thư giãn của người dân, nơi tập thể dục sáng chiều, đi dạo sớm khuya, hay đơn giản là những khóm cây mảng cỏ giúp cư dân hít thở mỗi ngày, hầu như luôn thiếu, luôn là nhu cầu tối thượng khi xét về môi trường sống.
Hóa ra bản thân công trình không thu hút bằng khoảng trống quanh nó, hóa ra tiện ích bên trong nhà thì mỗi người có thể xoay xở được, nhưng tiện nghi bên ngoài, tiện ích công cộng như sân dạo, hồ bơi, chỗ chơi, nơi nghỉ… thì “trời kêu ai nấy dạ”, lỡ mua nhà nhằm khu xây dựng đặc kín là xem như… khó sống lâu bền.
Ở cấp độ nhà ở và công trình công cộng, từ khoảng lùi bắt buộc khi xây dựng, đến tỷ lệ khoảng trống thông thoáng bên trong luôn là những dấu lặng không thể thiếu để ngừng nghỉ, chuyển tiếp và kết nối giữa các yếu tố trong và ngoài.
Nhìn gần ngôi nhà hơn, trước khi vào nhà phải có lề đường, rồi đến cổng và chỗ để xe hay sân, rồi mới đến không gian đón tiếp, chỗ chung trước, sau đó đến chỗ riêng, càng vào sâu thì tính riêng tư càng tăng lên. Thậm chí trong phòng riêng vẫn phải cần chỗ chuyển tiếp, như trước khi vào phòng tắm thì qua chỗ thay đồ, tủ hay giá treo móc đồ, gương soi… sẽ tiện ích hơn là bước vào ngay. Đó là những câu chuyện ngỡ nhỏ nhưng không nhỏ, nếu thiếu ý thức hiểu biết, không nghĩ ra thì sẽ không làm được chu đáo.
Những khoảng trống tràn ngập sinh khí của cỏ hoa trước khi vào nhà, niềm mơ ước của không ít cư dân thị thành
Mỗi công trình kiến trúc dù lớn hay nhỏ sẽ trở nên hoàn hảo khi khai thác vẻ đẹp của sự quân bình giữa khoảng trống và hình khối. Kết cấu hài hòa làm nên tính chất đồng đẳng giữa hai hình thái tồn tại, ngỡ là hư không nhưng cũng rất hiện hữu. Do vậy cũng xin đừng hiểu khoảng trống là chỗ chừa trống, nơi mà ta có thể đặt bất cứ vật gì vào nếu muốn. Không, trạng thái cân bằng giữa khoảng trống và không gian bố trí sự vật luôn nằm trong mối tương tác của công trình kiến trúc, tương tự khoảng lặng trong tác phẩm âm nhạc luôn phải được cân nhắc chi li nhằm vươn tới tinh thần, trạng thái hài hòa, dễ chịu nhất khi tác phẩm vang lên giữa các phương tiện biểu hiện và đối tượng hưởng thụ. Lão Tử từng nói đại ý rằng vo đất làm bình để dùng cái phần rỗng không, lý lẽ phổ biến này nằm trong mọi sự tồn tại vật chất. Nó chính là đạo, là vô vi, là cái không làm, nhưng phải làm, và làm với sự hồn nhiên, vô tư, tự nhiên tuyệt đối từ nhu cầu bản thân và cộng đồng.
Khi ấy, kiến trúc, cũng như âm nhạc, sẽ trở về đúng ý nghĩa nghệ thuật cống hiến cho cuộc sống, không tư lợi, không hì hục xếp đặt trên những mét vuông vô hồn.
BÀI: KTS TRƯƠNG HUYỀN ÂN
ẢNH: THÁI KHƯƠNG
Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 9.2016
Có thể bạn thích
Biệt thự cây dừa
KTNĐ – Ngôi nhà có tên là Mai Anh villa hẳn hoi, nhưng chủ nhà vẫn thích (và thường) gọi nó bằng cái tên gần gũi hơn: Biệt thự cây
Hương vị mùa xuân
KTNĐ – Ngôi biệt thự được bao quanh bởi vườn cây trồng tự nhiên, đan xen là những mặt hồ nước chạy sát nhà. Gần về trưa của một ngày
Một thoáng Nhật Bản từ Điện Biên Phủ Q.3 đến Tokyo
KTNĐ – Người ta đã nói nhiều điều hay về Nhật Bản, nước Nhật hùng cường, hiện đại, nước Nhật văn minh mà cũng rất truyền thống. Và đương nhiên,