Khung cửa ký ức
KTNĐ – Một cơ hội nhỏ để trò chuyện, đối thoại với những con tem, tấm bưu thiếp hay vỏ bì thư cũ kỹ – những thông điệp, những mốc thời gian, những hình ảnh ghi dấu những mảng, nét không gian xưa cũ.
NƠI CẤT GIỮ THỜI GIAN VÀ BẢO TỒN KHÔNG GIAN
Ngay cả khi loay hoay, lúng túng, hoài nghi, bất lực trước thực tại, con người ta vẫn luôn mộng tưởng và đặt cược niềm tin vào tương lai. Một phương tiện và cũng là cứu cánh của con người là ngược dòng thời gian, trở lại quá khứ, lần tìm cái đã qua, khai quật ký ức, tái tạo lại những điều đã biến đổi, biến dịch.
Rất có thể các vỉa tầng, trầm tích của thời gian sẽ mách bảo người ta một chút hy vọng.
Trước mắt chúng ta, trong bài viết này, không phải là kim tự tháp hoành tráng được kiến trúc theo tọa độ đầy bí ẩn của chòm sao Orion. Không phải là những thức cột chuẩn mực, ẩn giấu khao khát quyền lực thánh thần của con người, của các kiến trúc sư Hy-La.
Không phải là những đô thị cực thông minh, được quy hoạch như một tuyệt phẩm của văn minh Lưỡng Hà. Không phải là những đền đài rực rỡ đã lan tỏa theo nhịp biển sữa của thần sáng tạo Shiva và kịp để lại dấu tích điêu khắc trên tháp cổ từ ven sông Hằng đến Bayon, Nam Đảo hay Mỹ Sơn.
Vật thể mà chúng ta đang có trong tay không phải là trống đồng Đông Sơn, một mật mã kỳ lạ về cấu trúc vũ trụ và tâm thức của người Việt thời tiền sử…
Chúng ta chỉ có một cơ hội nho nhỏ để được trò chuyện, đối thoại với những con tem, tấm bưu thiếp hay vỏ bì thư cũ kỹ. Dấu thời gian khoảng trăm năm mới tạm làm ố vàng hay nhòe mờ chút ít những mảng, nét của không gian xưa cũ.
Bất kỳ lúc nào, những tác phẩm bưu chính này luôn gợi nhắc về một thời khốn khó, chẳng mấy ai còn đủ ý thức lưu giữ các dấu tích, di sản. Thời gian dường chỉ được chia ở thì hiện tại và chút ảo tưởng về tương lai.
Ký ức như một tài sản văn hóa, tinh thần bị quên lãng. Khi mất đi những dấu mốc, nền tảng ấy, ít nhất là nhận thức của người ta sẽ vô hướng, bất định và mất dần khả năng kiểm soát nhiều thứ, trong đó có thái độ hành xử với văn hóa. Không khéo, hiện tại trở lại với trật tự hỗn mang hơn lúc khởi thủy.
Trường Đồng Khánh 1917 (Trường Trưng Vương)
Đại lộ đại lộ Puginier (Đường Điện Biên Phủ)
May thay, mỗi bưu thiếp, từng con tem lại mang theo một thân phận và sứ mệnh khác lớn hơn. Nó vượt qua giới hạn của các mép răng cưa, khổ giấy hay các đường biên ý thức hệ. Hiện thực ba chiều ở một thời xa lắc nào đó tạm hiện về trên khuôn giấy phẳng hai chiều.
Đó là hiện vật, chứng cứ, những giá trị được cả tiềm thức và vô thức bảo tồn. Sau khi dịch chuyển tới một phương trời nào khác và chuyển chủ sở hữu, mỗi phong bì thư thật giống viên gạch vồ từng bị nhận chìm dưới thành cũ.
Từng con tem cũ giống như con tàu chở gốm cổ đắm ngoài khơi xa. Chiếc bưu thiếp lại giống như trống đồng tạm nằm im bên trong mộ thuyền… Dù vô tình hay cố ý, sau khi được đánh thức và trở về từ một bến, mốc thời gian nào đó, từng mẩu giấy nhỏ chợt lóe sáng lên và lấp lánh những hồi quang.
Nó đa nghĩa hơn một dạng ánh sáng vật lý. Nó giống như những sóng hạt được lan tỏa từ mặt trời. Nó đem đến cho người ta điều lớn hơn sự hồi sinh. Và khi cầm nó trên tay, chúng ta run rẩy bước vào một chiều không gian khác của cảm xúc.
Trên hành trình trở về quê hương đón xuân, khi lần giở mỗi bức ảnh, soi từng nét vẽ, chúng ta không cần phải mường tượng những ga xép ở đồng bằng, trung du hay chặng dừng cuối cùng của tuyến hỏa xa nơi biên cương heo hút.
Ga xép Đồng Đăng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa… có thể không còn nguyên dạng ban đầu nhưng hình ảnh xưa cũ của nó đã nằm sâu trong tâm cảm bao người và theo suốt mọi hành trình sinh tồn. Vượt xa ngôn từ, hình ảnh đã nói quá nhiều điều.
Khi xuống biển, từ trên cao, chúng ta cơ may quan sát lại Hòn Gai như một phần của của thành phố Hạ Long hôm nay. Hình ảnh chụp từ năm1881, trên những vỉa tầng than đá, mới chỉ loáng thoáng những kiến trúc, nhà xưởng của Công ty than Bắc Kỳ FSCT.
Những bãi đá Đồ Sơn, nơi đùa vui của sóng, nay đã phải nhường chỗ cho một tuyến đường ven biển. Trước biển lớn, so với tiền nhân áo yếm hững hờ, chợt nhận ra con người hôm nay không mấy thư thái. Bãi Trước, Vũng Tàu không còn nhiều những hàng dừa hay khoảng trống cho gió biển tạm dừng nghỉ. Đô thị mới, thay vì phải lùi xa lại phía sau, nay đã hăm hở tràn xuống ven mép nước.
Khi lên rừng, nhìn ảnh chụp biệt thự Zenner ở ChaPa (SaPa), thấy cao nguyên Lồ Suối Tủng như rộng hơn cùng cái thần khí hoang dã, cô đơn nhưng đầy kiêu hãnh của miền sơn cước. Những ước mơ gây dựng ChaPa giống như Canazei, Cavalese (Ý), Hallstatt (Áo), Torla (Tây Ban Nha) hay Valle d’Aran, Notre Dame de Bellecombe (Pháp)… vẫn chưa tròn vẹn.
Hoàng Liên Sơn vẫn hóng đợi và mơ về diện mạo đang đổi thay từng ngày của những ngôi làng, vùng đất bên dãy núi Pyrenees, Alps hay Scandinavia…
Xuôi theo sông Hồng ta gặp lại những bè tre neo đậu ngay dưới chân cầu Long Biên. Từng nhịp cầu như là tái hiện lại lớp mái lá hay dáng vóc của núi đồi. Tranh, tre, nứa, lá vẫn là vật liệu không thể thiếu trong những kiến trúc bình dị, bình dân. Có phải vì thế mà phố vẫn thật gần với núi rừng, với thiên nhiên.
Bên sông Lô, nhìn từ phía sau bệnh viện cũ của người Pháp, phố núi Tuyên Quang có một góc nhìn thật lãng mạn.
Dường như những người thiết kế, quy hoạch và cả người chụp ảnh vẫn mang theo tới xứ sở này những ấn tượng về Les Andelys, Vétheuil… bên dòng sông Seine. Họ có mang theo cả những nỗ lực, tìm tòi và sáng tạo mà danh họa Paul Cézanne hay Monet còn lưu lại trong những tuyệt phẩm theo dòng tranh ấn tượng hồi thế kỷ 19.
Bên sông Đồng Nai, làng quê vẫn vẹn nguyên thanh bình và đẹp hơn, hiên đại hơn cùng với một nhịp cầu tao nhã. Bên dòng sông Tiền, trên những con đường, ngõ chợ, bến phà dường như vẫn lưu dấu, vẫn ẩn hiện bóng dáng Marguerite Duras. Nữ sĩ Pháp vẫn đang mải đi tìm Người tình – L’amant.
Đại lộ Charner (Nguyễn Huệ), Sài Gòn 1907
Dinh Thống Nhất (1912) trên đường Lagrandière, trước 1975 là đường Gia Long
Khi vô Nam, đứng từ sông Sài Gòn nhìn đường Charner (Nguyễn Huệ), lần đầu tiên chúng ta được chiêm ngưỡng một hiện tượng hiếm hoi trong quy hoạch của người Pháp.
Không giống như những gì ta vẫn nhận thấy từ Nhà hát lớn Hà Nội ở cuối Tràng Tiền, Nhà hát lớn Sài Gòn ở cuối trục đường Lê Lợi, Bảo tàng lịch sử ở cuối đường Trần Quang Khải, Trường Đại học Đông Dương ở cuối đường Lý Thường Kiệt…
Kết thúc một đại lộ, xoay đổi hướng nhìn, biến đổi chất lượng không gian đô thị không còn là bổn phận, trách nhiệm hay sứ mệnh của những công trình văn hóa lớn. Điểm mút của đại lộ Charner lại chỉ là Ville, một khách sạn.
Với một trung tâm kinh tế, một đầu mối giao thông lớn, điểm dừng nghỉ, nơi lưu trú đã thành chốn khởi dựng một tác phẩm kiến trúc, điêu khắc độc đáo, một địa chỉ văn hóa, một biểu tượng.
Quay trở về Hà Nội, khi lang thang quanh đường Trần Bình Trọng, Yết Kiêu lại tiếc cho sự biến mất của Nhà đấu xảo, Bảo tàng Maurice Long – viện bảo tàng kinh tế đầu tiên và lớn nhất của Đông Dương.
Cũng như dinh Norodom của kiến trúc sư Hermite trên đại lộ Norodom (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), chiến tranh, bom đạn và nhiều điều lầm lỡ, ngớ ngẩn của con người đã xóa đi những vết dấu, những di tích rất đáng kể.
….
Sau khi lướt qua một bộ sưu tập tem, thư, bưu thiếp, chúng ta cũng chẳng nên dừng lại quá lâu với những ký ức buồn hay trĩu nặng một tâm trạng hoang mang, hoài nghi. Trong một khoảng thời gian đủ dài và lại có quá nhiều biến động dữ dội, sự mất mát, đổi thay dù theo chiều hướng xấu đi cũng là điều khó tránh khỏi.
Hiện thực hôm nay của đời sống, kiến trúc có thể còn rất nhiều khó khăn nhưng nhu cầu sống văn minh hơn, thông thái hơn đang được quá khứ gợi nhắc, hối thúc? Chúng ta có quyền mơ về một phối cảnh đô thị từng có, từng hiển hiện? Chúng ta sẽ dần quên đi câu nói buồn bao giờ cho đến ngày xưa”?
Trong những ngày xuân, hãy cứ mường tượng cảnh những bạn kiến trúc sư trẻ đang lần giở từng trang báo và cùng hòa nhịp với hoài niệm. Một thế hệ kiến tạo mới, chính họ sẽ lần mở quá khứ và tìm kiếm cho bản thân sự hứng khởi và cả niềm hy vọng.
Trong từng dự án, trên từng bản vẽ, chính họ sẽ vượt qua cái duy mỹ trong kiến trúc của người Pháp, cái thực dụng của người Mỹ, cái thô nặng của người Nga hay cái màu mè phô trương của người Trung Hoa.
Họ sẽ viết lại những chuẩn định mới cho Sa Pa. Sẽ lựa chọn Hạ Long đen hay xanh. Sẽ trả lại cho Đồ Sơn cái chân chất, mộc mộc mà vẫn căng đầy nhựa sống. Sẽ xây dựng mới bảo tàng kinh tế lớn nhất khu vực. Sẽ thanh lọc rồi tái hiện những cảm xúc của thiên nhiên cho sông Đồng Nai. Sẽ chung tay tái tạo không gian cơ quan công quyền thực sự năng động, sáng tạo, mới mẻ, hấp dẫn như những tác phẩm nghệ thuật…
Họ sẽ là thế hệ thay đổi diện mạo kiến trúc đất nước này. Họ sẽ trao cho mai hậu, cho tương lai những bức thư, những con tem, những bưu ảnh mang thông điệp ấy!
BÀI & ẢNH: XUÂN BÌNH
Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 3.2016
Có thể bạn thích
Đi chơi nhà mới
KTNĐ – Thỉnh thoảng, bạn bè rủ nhau “Đi chơi nhà mới của X, Y… không?”. Đi chứ! Hăng hái đi lắm. Bởi những kẻ mấy chục năm chỉ được
Chú lùn – thần giữ của & nghệ phẩm trang trí vườn tược
KTNĐ – Những chú lùn xinh xắn, ngộ nghĩnh trong Bạch Tuyết và bảy chú lùn là hình ảnh lưu lại trong ký ức trẻ thơ. Những chú lùn ấy
CHÂTEAU – PHÁO ĐÀI, CAO ĐÀI, LÂU ĐÀI VÀ… TƯỢNG ĐÀI
Lịch sử của các château là một chuỗi những câu chuyện rất dài về nỗ lực đầu tư, gây dựng, kiến tạo, cạnh tranh, phát triển, chuyển nhượng, mua bán,