Nhà ở, thừa và phí

Nhà ở, thừa và phí

KTNĐ – Dư thừa, phung phí chẳng mấy khi dẫn tới sự tiện lợi, lại càng ít khi dẫn tới cái đẹp. Cái đẹp không đồng nghĩa với sự xa hoa và phù phiếm.

Interior of drawing room in luxurious mansion

1. Nhà ta ở không chỉ là không gian sống. Nó là phương tiện sống, gắn bó và thiết thân với ta, chỉ sau bộ đồ. Giữa chúng có nhiều cái chung. Ta dùng cả hai trong việc che chỗ này và lại để hở chỗ kia, che thân ta ấm và cho mát, tránh nắng và tránh mưa, tránh luôn cái sự nhìn vào từ thiên hạ, hễ muốn. Cái chung lớn hơn cả giữa chúng là đòi hỏi về sự tiện lợi.

Sự tiện lợi là nhu cầu tự nhiên của cơ thể và của quy trình sống. Sự  tiện lợi lại là đứa con của tư duy hợp lý. Còn sự hợp lý lại là anh em sinh đôi của sự chừng mực. Tiện lợi và tiết kiệm trong việc ở và việc mặc, hệ trọng hơn cả.

Dư thừa, phung phí chẳng mấy khi dẫn tới sự tiện lợi, lại càng ít khi dẫn tới cái đẹp. Cái đẹp không đồng  nghĩa với sự xa hoa và phù phiếm. Sự thiếu và sự chắt chiu chẳng những dẫn tới việc ưu tiên sự tiện lợi mà thông qua quá trình mài giũa dài lâu, lại còn chiết xuất nhọc nhằn ra cái sự đẹp, tự nhiên như thể chân lý.

Nếp nhà ở bằng gỗ 3 gian 2 chái của ông cha ta đích thực là sản phẩm của văn minh kiến tạo, hợp nên bởi 3 thành tố: dây chuyền sống định hình bền cứng + nguyên vật liệu làm nhà giới hạn và sự thuần thục trong việc sử dụng chúng + thẩm mỹ đại trà đã công thức hóa với sự khai mở cái đẹp có thể.

Khuôn mẫu của nếp nhà ở bằng gỗ thời xưa, dù rạch ròi như thể chân lý, không là cái có thể bưng bê vào nền xây dựng hôm nay. Nó chỉ nên được coi là bài học tiền bối dạy ta: tiện lợi và cái đẹp đi ra từ sự có lý. Chừng mực là công cụ đắc lực để cân đo và lựa chọn giữa cái thiếu và cái thừa, giữa cái kiệm và cái phí.

Ngược đời, ngược mọi lý lẽ, cái sự thừa và sự phí ngày nay lại đang lan tràn, ngay cả với những căn nhà ở của gia đình ta, thiết thân như thể áo quần ta mặc vậy.

New contemporary children study room with small white desk

2. Xây nhà chung cư, sản phẩm kinh doanh hàng loạt, nhà đầu tư chẳng mấy khi hào hiệp. Ngược lại, những
sự vung tay, vô ý và hoặc chủ ý, chỉ xảy ra với chủ nhân của những căn nhà riêng, nhà gia đình. Ở cả những chủ nhân chưa giàu lẫn những chủ nhân lắm tiền. Ở cả thôn quê lẫn thành thị. Ở cả nhà xây theo lô và nhà biệt thự.

Sự thừa biểu hiện đầu tiên ở kích thước. Các gian phòng thường có chiều cao từ sàn đến trần 4m trở lên.  Phòng khách cao chừng 4m là hợp lý, bởi nó rộng, cần bày biện nhiều, tập trung nhiều người và cũng cần đến sự trang trọng nào đó. Các phòng khác, cao 4m và hơn, chẳng để làm gì. Do chiều cao thừa mà phải làm trần giả. Do khối tích thừa mà phải tăng công suất máy lạnh.

Sự thừa chiều cao làm cho nơi ở thiếu ấm cúng. Các căn phòng thường có kích thước sàn vượt quá nhu cầu. Phòng khách, phòng sinh hoạt chung đôi khi rộng đến nỗi xếp chất bàn ghế, tổ chức nội thất thế nào đi nữa mà vẫn thấy chưa ổn. Ngay cả kích thước phòng ngủ cũng vượt mức cần thiết: kê giường, kê tủ, kê bàn gương… vẫn thấy rỗng.

Phòng tắm rộng tuênh toang, ngó vào thân mình, thèm sự thu khép hơn. Ấy vậy, nơi bếp núc lại ít được chú trọng, không đủ rộng để xoay xở và đặt ở nơi ít thuận lợi.

Với khách, ông chủ thường khoe phòng khách. Bà chủ thường khoe nơi bếp núc. Còn người có học lại hãnh diện về phòng đọc sách, nơi làm việc.

Ta thường tính toán đầu tư làm nhà theo giá mét vuông, chẳng mấy ai tính theo giá mét khối. Giảm độ cao của trần 1m, nhà 3 tầng có thể trở thành 4.

Sự thừa bộc lộ hiển thị phổ biến ở quy mô ngôi nhà: thừa số phòng, thừa tầng và thừa diện tích chiếm dụng đất. Có thể là do tâm lý: ông cha ta vốn thiên việc chăm lo cho nơi ở, nhất là phía Bắc, ít coi trọng miếng ăn, thu vén bóp miệng để xây để dựng cho mình và cho con cháu cái nhà thật đàng hoàng.

Cũng có thể, vài chục năm trước, ăn ở chật chội, mỗi người 2-3m2, mà nay người ta thèm khát căn nhà rõ to, rõ kiên cố. Thành ra ở thành thị, ở thôn quê, dày đặc hoặc nhan nhản, những ngôi nhà ở đồ sộ, lắm phòng và nhiều tầng, y hệt nhà nghỉ – khách sạn – công sở…

Thời nay gia đình đã chia nhỏ, không sống chung 3-4 thế hệ dưới một mái nữa, vài ba người trong cái nhà bỏ trống đến nửa hoặc 1/3. Không còn chỗ cho ánh mặt trời soi lách vào cái sân – giếng. Không còn chỗ cho cỏ cây hoa lá, cho trẻ chạy nhảy. Ở thôn quê, mà không đủ chỗ trồng rau, nuôi gà lợn – thiếu những thứ ấy, còn gì là nông thôn.

Một sự thừa thãi và phung phí nữa ngày càng tràn lan, lây nhiễm trong xây dựng nhà ở gia đình. Ngót nghét 30 năm trước, người ta làm mái chóp nhại Âu châu mà không có tích sự gì. Sau này, nảy sinh phong trào nhại chóp mái Nhà hát lớn Hà Nội.

Nay, xuất hiện kiểu nhà biệt thự dạng lâu đài cổ Âu châu trang trí đắp nặn dày đặc như bánh ga tô, hoặc mô phỏng thánh đường có vòm lớn của kiến trúc sư Brunelleski thế kỷ XVI ở Florence. Chẳng hiểu vì sao hình mẫu này lại hóa thân vào ngôi nhà người Việt, đổ bộ vào những chốn thị thành vẫn còn manh mún. Phải chăng, một tòa nhà công sở xây hơn chục năm nay ở Hà Nội, là tiền mẫu cho hiện tượng vô tiền khoáng hậu này?

Tiền của dư giả, căn bệnh “sĩ” và phô trương thúc giục người ta xây nhà bề thế, trang trí tráng lộng, vội vã mượn sắm cái sự “sang” mà chưa hẳn đã là ở những thứ ấy. Phơi bày hơn cả là những bộ đồ gỗ khủng được kê đặt nhan nhản ở các văn phòng công sở, ở cả những phòng khách gia đình.

Những cỗ ghế đồ sộ, kích thước tay vịn và lưng ghế to hơn cả bắp đùi, hoa văn trang trí ngồn ngộn, mô típ không rõ từ đâu. Ngồi xuống, chiếm 2/3, mặt lại bị “điêu khắc” lấn át. Tưởng ghế làm mình to ra, hóa ra ngược lại. Gỗ dùng cho cỗ ghế ấy, thừa sức làm 4-5 chiếc bình thường, có bổn phận chính là kê đặt.

Làm nhà, ưu tiên một là sự tiện lợi và tiện nghi, ưu tiên hai là sự tiêu tốn hợp lý, ưu tiên ba là cái đẹp. Khi cả 3 nhập hòa làm một, đầu ta và tâm thái ta sẽ đạt tới sự mãn nguyện.

Làm nhà, ta là cha đẻ ra nó. Chẳng mấy khi ta nghĩ nó cũng vô hình tác động ngược lại. Người hạnh phúc, hễ ngộ ra, hễ cảm thấu: nhà mình xây và mình ngụ, vừa thiết thân lại vừa thân thiết với mình.

                                                                                                                                                                    Hà Nội, tháng 2-2016

Bài: GSTS – KTS. HOÀNG ĐẠO KÍNH
Ảnh: TƯ LIỆU

Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 4-2016

Có thể bạn thích

Quan Sát

KẾT NỐI VÀ TƯƠNG PHẢN

… Cần gì hơn nữa để một nhà hàng mới có thể biểu hiện chất lượng không chỉ ở trải nghiệm ẩm thực cho khách hàng, mà còn qua dấu

Quan Sát

Biệt thự cây dừa

KTNĐ – Ngôi nhà có tên là Mai Anh villa hẳn hoi, nhưng chủ nhà vẫn thích (và thường) gọi nó bằng cái tên gần gũi hơn: Biệt thự cây

Quan Sát

Hạ nhiệt nhờ nước

Rồi khách đi đây đi đó mới nhận ra thêm: họ đặt hồ nước, lu nước, mương nước… tại các vị trí đắc địa, xứng danh là dân chuộng phong