Shwenandaw tu viện bằng gổ Teak

Shwenandaw tu viện bằng gổ Teak

KTNĐ – Nằm ngay trên con đường nối tu viện Atumashi và Đại học Phật giáo Mandalay (cố đô Mandalay, Myanmar), tu viện Shwenandaw đã níu bước chân tôi cả một buổi chiều cố đô lộng gió.

Shwenandaw Monastery(Golden Palace Monastery) is a historic Buddhist monastery.The building was originally part of the royal palace at Amarapura, before it was moved to Mandalay.

Ngay trong chuyến bay từ Hà Nội sang Bangkok để đợi chuyến bay vào Myanmar, tờ tạp chí xếp sau lưng ghế bay đã có một bài viết giới thiệu về nghệ thuật chạm khắc của đất nước chùa vàng và một minh chứng điển hình chính là tu viện bằng gỗ teak mang tên Shwenandaw.

Trên taxi từ sân bay Mandalay cách trung tâm chừng 40km, tôi đã thỏa thuận xong với người lái xe về một “city tour” mà trong đó điểm đến nổi bật chính là tu viện bằng gỗ hấp dẫn này.

A4_resize A3_resize B1_resizeLà một tu viện lịch sử nằm ở gần đồi Mandalay, thuộc địa phận Maha Aung Mye, quận Dawna, cố đô Mandalay, Shwenandaw được xây dựng trong thế kỷ 19 bởi vị vua Mindon (1853-1878). Đây là một tu viện vàng của Hoàng gia, nổi tiếng trong và ngoài nước không chỉ với kiến trúc truyền thống và nghệ thuật chạm khắc trên gỗ teak mà còn như một dấu ấn huy hoàng của quá khứ.

Nguyên bản, Shwenandaw là một phần của cố cung Amarapura, sau đó được đưa đến Mandalay với tên Mya Nan San Kyaw, trở thành phần phía bắc của cung điện thủy tinh và là một phần hoàng cung của vua Mindon và hoàng hậu.

Sau khi đức vua Mindon chết trong tòa nhà này, người kế vị là vua Thibaw (1878-1885) thường đến đây để thiền định. Nhưng dường như ngôi nhà bằng gỗ teak đã bị ám ảnh bởi linh hồn vua Mindon, nên vào tháng 10-1878, vua Thibaw đã cho di dời tòa nhà từ cung điện đến vị trí hiện tại, gần sát với tu viện Atumashi ở góc đông bắc cố đô.

B2_resize B9_resize B12_resizeTrong năm năm sau đó, ngôi nhà gỗ đã được tái tạo như một tu viện và là nơi tưởng nhớ công trạng của vua Mindon. Hiện nay, Shwenandaw là công trình kiến trúc nguyên bản bằng gỗ lớn duy nhất còn lại của cung điện Hoàng gia Mandalay.

Shwenandaw là một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc gỗ teak Myanmar. Công trình là một ngôi nhà gỗ lớn đa tầng với bốn cấp độ mái riêng biệt, hoành tráng và lộng lẫy, khắp nơi trên tường nhà, mái nhà, hành lang và lan can đều được chạm khắc phức tạp tinh xảo với hình ảnh về các huyền thoại Phật giáo và họa tiết chim muông, hoa lá. Lớp thứ hai ở giữa, phía trên là chính điện Saung Zay Ta Wun.

Sàn Shwenandaw được đặt trên các trụ cột bằng gỗ teak bao gồm 15 cột hướng đông bắc và 10 hàng cột hướng tây nam, toàn bộ 150 cột trụ đều được đặt trên tòa sen cách điệu, có 54 Nayar (một dạng sinh vật thần thoại) trang hoàng trên các hàng cột bên ngoài cùng của tòa kiến trúc, vừa thể hiện sự uy nghi, vừa bảo vệ tu viện khỏi bị tấn công bởi các thế lực ma quỷ.

B11_resize B5_resizeIMG_5429_resizeShwenandaw là một tu viện gỗ tuyệt vời đến khó tin mà tôi có dịp chiêm ngưỡng trên nhiều nẻo đường lang bạt. Có nhiều tòa kiến trúc được trang hoàng với nhiều lớp họa tiết, chạm khắc tuyệt vời, nhưng chúng đều được làm từ gạch hoặc đá. Còn Shwenandaw khác biệt, vì nó được làm từ gỗ teak, với vẻ đẹp của thời gian nhuốm màu lên vẻ bề ngoài huyền bí. Mỗi mảnh gỗ “nghệ thuật” là một câu chuyện kể thú vị đưa trí tưởng tượng bay bổng của bạn đi về một quá khứ rất xa xôi nhưng quá đỗi huy hoàng.

Những chạm khắc ở bên ngoài tu viện trên các hành lang, lan can và các hạng mục bằng gỗ khác được đánh giá cao về nghệ thuật và sự cầu kỳ, gợi nhớ đến một thời đại vinh quang của cung điện hoàng gia cũ. Đường trang trí trên các viền mái nhà nhìn xa tựa như hình ảnh của một ngọn lửa, được tạo nên từ chạm khắc công phu của nhiều sinh vật và gia cầm, được nhấn mạnh tại các góc mái nhà.

Một hành lang lớn bằng gỗ teak chạy xung quanh gian điện chính, lan can ghép từ các tấm gỗ “nghệ thuật” với các hình chạm bằng đá cẩm thạch trên cột trụ cũng bằng gỗ. Cửa ra vào tu viện và cửa lên hành lang tu viện đều bằng gỗ, được khảm các họa tiết trang trí nổi cũng bằng gỗ, vô cùng mềm mại và cuốn hút.

Sự phong phú, đa dạng và ấn tượng tuyệt vời của các chạm khắc khiến du khách phải kinh ngạc: những động vật thần thoại, hình ảnh sinh vật uốn lượn, khiêu vũ sống động, hoa và dây leo trên các tấm chạm khắc ở bên trong và ngoài. Nhiều trong số các tấm gỗ “nghệ thuật” phía ngoài đã bị hư hỏng, đổ nát bởi sự tàn phá của thời gian, và được thay thế bằng bản sao tuy không được tuyệt mỹ và có chiều sâu như bản gốc, nhưng cũng đem lại cho tu viện Shwenandaw một vẻ ngoài hoàn hảo.

D5_resize D2_resize D6_resize

Bên trong tu viện có nhiều hạng mục từng được mạ vàng và được bảo vệ bằng cách khảm thủy tinh. Những cột trụ lớn bằng gỗ teak, tất nhiên, những bức tranh tường, tranh trần, đường diềm chân, đường trang trí mái nhà, đều được họa tiết, trang hoàng công phu, tỉ mẩn. Tuy nhiên, khác hẳn với vẻ bề ngoài lộng lẫy và mê hoặc, nội thất của tu viện ngày nay khá giản dị, mộc mạc trong một không gian u tối và tĩnh lặng. Có một loạt 10 bức họa kể về cuộc sống của đức Phật Thích Ca còn ở trong tình trạng rất tốt.

IMG_5389_resizeGF4A2011_resize GF4A2013_resize

Chúng tôi lặng lẽ dạo bước chân trần trên hành lang gỗ ngập tràn ánh nắng, như thể đi tìm kiếm một cánh áo cà sa đỏ thẫm bước ngang qua ô cửa, hay đang ngồi lặng lẽ ngoài lan can. Nhưng không, các nhà sư trẻ sau giờ học đã tản mát đi vắng cả, để lại tu viện gỗ lặng lẽ dưới tán cây già. Những đốm nắng nhảy nhót trên ban công, mặc lên tu viện cổ tấm áo tươi mới giữa một ngày hè nắng….

Shwenandaw – những khoảnh khắc của trầm trồ – kinh ngạc và bình yên…

BÀI & ẢNH: THỦY TRẦN

Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 8.2016

Có thể bạn thích

Văn Hóa Kiến Trúc

Căn hộ dành cho con gái

KTNĐ – Từ căn hộ chung cư theo kiểu xưa, cũ kỹ, nữ chủ nhân đã cải tạo lại cho tươi sáng và xanh mát hơn, như một món quà

Văn Hóa Kiến Trúc

Có một thiên sứ kiến trúc: Nhà thờ đá Phát Diện

KTNĐ – LTS: Ở nước ta, từ khá lâu trở lại đây, sự chú ý lớn nhất trong tháng cuối năm luôn được dành cho lễ hội mang tính tôn

Văn Hóa Kiến Trúc

Nhà – Thuyền và Biển

KTNĐ – Trước biển, trong hành trình kiếm tìm lời giải cho câu hỏi: “Tôi là ai?”, “Tôi muốn gì?”, con người chưa bao giờ có ý định ngưng nghỉ