Thông điệp nào của cổ vật?
KTNĐ – Điểm nhấn, sự khác biệt và đẳng cấp của một không gian nội thất nhiều khi được gói ghém, gửi gắm trong những món đồ nho nhỏ. Từ mọi góc nhìn về không gian và thời gian, mỗi vật dụng đều cho thấy vóc dáng thực của một nền văn hóa.
Đại tự “Văn quang xạ đẩu” bằng gỗ sơn thếp thời Nguyễn, niên hiệu Khải Định thứ 6 (1920). Bức đại tự được tạo hình lá sen, xung quanh rìa lá trang trí hoa, nụ, đài sen, cua và cỏ lau. Bốn chữ “Văn quang xạ đẩu” (từ phải sang) hàm ý ước nguyện văn chương sáng như sao Ngưu, sao Đẩu
Nội thất là từ Hán Việt. Thất là gian chính. Có ngọa thất là chỉ phòng ngủ. Cự thất chỉ ngôi nhà lớn của nhà quyền quý, vương thất chỉ triều đình. Và nội thất có thể hiểu là cái bên trong, điểm nhấn, cái cốt lõi, cá tính hay lớn hơn nữa là linh hồn của một không gian sống.
Nhiều năm qua, các xu thế, trào lưu thiết kế nội thất phản ánh rõ, khúc xạ chính xác hiện thực đời sống còn quá nhiều khó khăn, biến động. Từ vương thất nhợt nhạt thần khí, cự thất phô khoe cả những cái sai, xấu cho đến ngọa thất nhân bản, thiếu hồn vía, không cá tính.
Trong xu thế hội nhập, cái riêng biệt, khác biệt của nội thất bản địa hoàn toàn không đủ sức đối thoại một cách bình đẳng với các yếu tố ngoại lai, xâm thực…
Tượng Bồ Tát ngồi trên tòa sen (đồng) thế kỷ 19-20
Tượng Phật Thích Ca sinh ra từ hoa sen bằng gỗ sơn thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17-18
Trong bài viết này, chúng ta thử tới một bảo tàng lớn để cùng quan sát một bộ sưu tập nhỏ những đồ dùng sinh hoạt của người dân, các vật ngự dụng trong cung vua, phủ chúa đến những vật dụng nghi lễ và đồ thờ cúng trong các không gian tâm linh, tôn giáo.
Đó là đồ dùng sinh hoạt của người dân, trong nghệ thuật tôn giáo và hiện vật cung đình Huế, những món đồ được chế tác từ đủ loại chất liệu và có niên đại từ thế kỷ 10-20. Những thống kê khiêm tốn này có thể cho biết, mách bảo điều gì đó về một dòng chảy thiết kế nội thất của Việt Nam trong một quãng thời gian đầy thăng trầm của lịch sử?
Ngoại trừ chiếc hộp “Nội Phủ thị Nam” sứ hoa lam bít vàng, trang trí sen, cỏ lau, được chế tạo tại lò gốm Cảnh Đức Trấn, Giang Tây, Trung Quốc do chúa Trịnh Sâm đặt hàng để bài trí, sử dụng ở Nam cung thuộc phủ chúa ở Thăng Long thì các món đồ khác đều được tạo tác ở trong nước.
Dễ nhận thấy, so với nhiều bảo vật từng được trưng bày, giới thiệu, những món đồ này đều nhỏ bé và không quá xa xỉ. Dù được làm từ những chất liệu quý nhưng trình độ chế tác không có gì quá cầu kỳ, điêu luyện. Dù là đồ ngự dụng hay thiết kế cho nhà chùa vào thời điểm mà đạo Phật cực thịnh, tinh thần chung của các đồ quý đều khá mộc mạc, nôm na.
Đài thờ Linga trang trí hoa sen, bạc mạ vàng, Chăm pa thế kỷ 11-12
Gạch trang trí phủ men Lê sơ thế kỷ 15
Nhiều năm qua, cứ nhắc tới cổ vật, cảm hứng chung của nhiều người dân đến các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà văn hóa là ngợi ca, tự hào và không thiếu cả những hoang tưởng.
Trên báo chí, truyền thông, trong xu thế khuyến khích chủ nghĩa dân tộc, người ta không khó tìm kiếm những từ, cụm từ “những biểu tượng văn hóa lớn”, “thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc”, “tuyệt vời”, “không gì sánh được”…
Tuy nhiên, nếu đặt những hiện vật trên cùng những dòng chảy văn hóa lớn khác, chúng ta không khó nhận ra những khoảng cách và sự khác biệt không nhỏ.
Về đồ ngọc ngự dụng của nhà Nguyễn thế kỷ 19-20, có thể nói không có gì đáng kể so với nghệ thuật chế tác ngọc bích được tìm thấy ở di chỉ Hồng Sơn có niên đại 8.000 năm hay những mặt quỷ tìm thấy từ văn hóa Lương Chử (2.800-1.800 TCN) ở vùng hạ lưu Dương Tử.
Chậu hình lá sen bằng vàng thế kỷ 19-20, hiện vật cung đình triều Nguyễn
Đỉnh chạm hoa sen dây cách điệu, ngọc, hiện vật cung đình Huế, thế kỷ 19-20
Hộp “Nội Phủ thị Nam” trang trí sen, cỏ lau, sứ hoa lam bít vàng, thời Trịnh Sâm (1767-1782). Được chế tạo tai lò gốm Cảnh Đức Trấn do chúa Trịnh Sâm đặt hàng để bài trí, sử dụng ở Nam cung thuộc phủ chúa ở Thăng Long. Sau đó tiếp tục được triều đình Nguyễn sử dụng. Đề tài trang trí trên đồ gốm “Nội Phủ thị Nam” thường vẽ khóm sen với hoa lau, cùng với uyên ương hoặc cua, dế.
Ấm đúc nổi sen, cúc, rồng, rùa, phượng, bạc, thế kỷ 19-20, hiện vật cung đình triều Nguyễn
Về cả kích cỡ lẫn trình độ chế tác đồ bằng chất liệu vàng, những bảo vật của chúng ta có khoảng cách khá lớn so với những gì người Tây Tạng từng làm trước đó vài thế kỷ, những hiện vật vẫn còn trưng bày la liệt ở Potala.
Hộp chạm lộng hoa lá trong ô cánh sen, kiếm, ấn thế kỷ 19-20 trong cung đình triều Nguyễn, những thứ rất quý báu của chúng ta càng khó xếp loại, phân hạng cùng với cổ vật mà người ta từng tìm thấy trong kim tự tháp của các Pharaon cách nay 5.000 năm.
Về kỹ thuật làm đồ đồng, chúng ta tụt hậu so với chính những gì người Việt thời tiền sử từng làm ở Đông Sơn. Những tượng Bồ tát Chuẩn Đề ngồi trên tòa sen bằng đồng khảm tam khí, tượng Bồ tát ngồi trên tòa sen từng được bảo tàng quốc gia gìn giữ nghiêm cẩn thì người ta dễ dàng tìm thấy ở bất cứ xó chợ hay khu dân cư nghèo khó nào của Kathmandu, Nepal.
Với đài đốt trầm hình hoa sen hay ấm bằng đồng thời Lê sơ, chúng ta cũng nên khiêm tốn hơn trước những món đồ từ cách nay 5.000 năm từng được khai quật ở Tam Tinh Đôi thuộc thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên.
Xa hơn chút nữa là những chiếc lư bình rượu tế của đồ đồng thời Thương, Chu thế kỷ 13-12 trước Công nguyên.
Lư hương hình hoa sen – sành gốm Thổ Hà, Bắc Giang thế kỷ 18-19
Trên những đồ gốm Chu Đậu thời Lê sơ trục vớt được từ tàu đắm ở Cù Lao Chàm, các đề tài trang trí hay kiểu dáng khá giản đơn nếu không muốn nói là đơn điệu, nghèo nàn.
Những cảm nhận trên tạm cho thấy, trong hoàn cảnh phát triển đầy biến động, văn minh vật chất Việt có những khoảng bị đứt đoạn và thiếu một sự tiếp nối, kế thừa những truyền thống vốn rất rực rỡ.
Tranh thêu sen, hạc, bằng lụa thời Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại, năm Ất Hợi (1935). Thêu chỉ nhiều màu hình khóm sen, cỏ lau và đôi hạc trên đầm nước. Bên phải tranh thêu bốn chữ “Lam ngọc lương duyên” mang ý chúc phúc cho hôn nhân được tốt đẹp, dài lâu
Lư hương hình hoa sen – sành gốm Thổ Hà, Bắc Giang thế kỷ 18-19
Có những giai đoạn chợt bùng lên, lấp lánh rồi biến mất một cách khó lý giải. Hiện tại, chúng ta chưa thực sự có môi trường, thị trường tốt nhất để có thể chế tác, tiêu dùng nhiều hơn cũng như thụ hưởng tốt nhất những tác phẩm đỉnh cao.
Sự thiếu vắng, hẫng hụt đời sống của một bộ phận ưu tú, tinh hoa trong xã hội đã khiến số phận của từng món đồ, thân phận từng nghệ nhân, nghệ sĩ, tương lai của các làng nghề cho đến chỗ đứng, vị thế của những biểu tượng văn hóa dần khó khăn, bế tắc hơn.
Chúng ta nghèo, kém cũng chẳng sao. Nhưng chúng ta cố tình nhầm lẫn và hoang tưởng về thực trạng đó thì lại có lỗi rất lớn với chính thực tại và tương lai.
Chiêm ngắm những món đồ suốt hơn 1.000 năm chính là cơ hội để chúng ta ý thức được đầy đủ hơn về những cái đang sở hữu – để từ đó mở hướng, khai phóng cho những xu hướng chế tác, sáng tác mới từ nay và về sau.
Đĩa vẽ hoa sen, gốm nhiều màu, thời Lê sơ thế kỷ 15 – hiện vật vớt từ tàu đắm ở Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam
Hũ vẽ hoa sen, gốm hoa nâu thời Trần thế kỷ 13-14
Đài đốt trầm hình hoa sen bằng đồng thời Lê sơ, thế kỷ 15
Bệ kê chân cột trang trí hoa sen, đá, thời Lý 1057, chùa Phật Tích Bắc Ninh. Hình vuông, bốn mặt cạnh chạm khắc hình nhạc công tấu nhạc. Mặt trên tạo hình hoa sen 16 cánh đều đặn, cánh to xen cánh nhỏ, trong lòng đôi cánh sen trang trí đôi rồng chầu lá đề
Gạch đất nung thời Mạc thế kỷ 16
BÀI & ẢNH: XUÂN BÌNH
Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số 1 & 2.2016
Có thể bạn thích
Mona kiến trúc ẩn dưới mặt đất
KTNĐ – Hobart là thủ phủ của bang – đảo Tasmania, một đảo rất lớn ở phía đông nam nước Úc. Năm 1803, Hobart được lập nên như là nơi
Giữa tàn tro của thánh địa Bà La Môn bí ẩn
KTNĐ – Tiếng nói hoang tàn cũng có lúc được vang lên, vì nó là một phần thực thể quá khứ của chúng ta. Tất cả trong đổ nát. Tất
Chiều bên hồ Lucerne
KTNĐ – Chỉ gặp nhau một buổi chiều, nhưng Lucerne đã để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc đẹp. Một ngày nào đó tôi sẽ trở lại thành phố