CHỌN “ KIỂU” NHÀ CHO AI, VÌ AI
Ai cũng biết có những kiểu cách chỉ mang tính hấp dẫn nhất thời và các bên tham gia làm nhà cần tập trung vào những gì cơ bản và lâu dài. Thế nhưng việc chọn “kiểu” nhà vẫn luôn là quá trình vừa thú vị vừa vất vả, với nhiều va chạm và quan điểm trái chiều. Những nhà chuyên môn tham gia Bàn tròn Nhà Đẹp tháng 10 kỳ này cũng chia sẻ nhiều góc nhìn và trải nghiệm đa dạng quanh vấn đề này.
#1. Mùa hoàn thiện nhà cửa, sửa sang trang hoàng cuối năm đang đến, với không ít các phân vân băn khoăn của gia chủ khi phải chọn lựa từ giải pháp, vật liệu đến chi tiết, kiểu dáng… cho ngôi nhà của mình. Anh (chị) nghĩ sao về quá trình “đoạn trường ai có qua rồi mới hay… khổ” này?
*KTS NGUYỄN VĂN TẤT: Với tập quán và tâm lý truyền thống từ lâu, làm nhà là việc hệ trọng. Bởi dân gian có câu “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” để chỉ thứ tự và tầm quan trọng của 3 việc mà một người đàn ông trưởng thành và thành đạt phải làm được. Việc “tậu trâu, cưới vợ” có thể phần nào đó nhờ cậy gia đình, mai mối, cơ duyên… nên có phần nào lệ thuộc. Còn làm nhà, ở tuổi đã có điều kiện kinh tế vững vàng và cần chứng tỏ, thì việc cân nhắc, chọn lựa và cho quyết định là tâm lý hiển nhiên. Và là quyền của “người đàn ông” chủ nhà, thân chủ của kiến trúc sư (KTS). Quá trình chọn lựa do đó thực sự không phải bị động hay đột xuất, mà là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của gia chủ, người làm nhà.
*KS BÙI ĐỨC HOÀN, thầu xây dựng: Việc chọn lựa kiểu nhà hay chọn chi tiết hoàn thiện trên thực tế rất áp lực, không chịu được thì khó đuổi theo nghề kiến tạo. Một KTS hay nhà thiết kế nội thất chỉ làm đúng thì chưa đủ, mà còn phải linh hoạt và xoay xở rất nhiều. Vì từ bản vẽ (lung linh đến đâu) ra thực tế luôn có khoảng cách. Vì thiết kế một đàng (có thể) gặp thợ làm một nẻo. Vì nửa đường gia chủ hay đổi ý, phải cố mà thấu cảm! Không ai muốn đổi ý nhiều làm gì, mệt đầu và cả mệt… túi tiền lắm chứ. Nhưng khi nhìn bản vẽ và nghe thuyết minh thì gia chủ hình dung khác, khi ra thực tế công trình lại nhận thấy khác. Sự biến đổi về nhận thức này trải qua nhiều tác động, như do gia đình góp ý, do thị trường vật liệu không có mẫu mình ưa, do thâm hụt tài chính giữa chừng… nên có rất nhiều lý do chính đáng lẫn bất khả kháng. KTS và nhà thầu phải tập “chịu khó chịu khổ” với tình trạng giữa đường quay ngoắt 180 độ của gia chủ, phải quen với chuyện đòi hỏi sửa một chỗ nhỏ mà liên đới nhiều chỗ khác của quá trình làm nhà.
*SHARA HY TRẦN, thiết kế và kinh doanh nội thất: Nhìn từ góc độ quan hệ với cộng đồng, việc chọn lựa chất liệu, màu sắc, kiểu dáng… cho ngôi nhà của mình khi hoàn thiện cũng hơi giống như văn hóa ăn mặc cho bản thân khi bước ra ngoài xã hội. Có những thứ mình chọn ở bên trong chỉ riêng mình biết, nhưng có những “bộ cánh” phải nhìn trước ngó sau xem có hợp với quan niệm chung, chuẩn mực… hay không. Có những kiểu dáng độc lạ nhưng dễ gây phản cảm trong bối cảnh chung thì phải nhìn nhận lại. Cũng có một số kiểu cách đã trở thành “đồng phục” vì nhà nhà bắt chước, sao chép và biến thể quá nhiều sẽ làm giảm đi giá trị văn hóa và cá tính riêng biệt. Theo tôi, đây chính là quá trình mà sự sáng tạo, chất xám của người có chuyên môn được thử thách, làm sao vừa hài hòa cái chung, vừa đạt được yêu cầu riêng cho gia chủ, rất khó và cần người “có nghề”. Bạn làm sao chọn được cái hay khi chỉ có trong tay những thứ dở!
#2. Giữa kiểu dáng, kiểu mẫu cụ thể với phong cách, xu hướng chung mà ngôi nhà cần chọn lựa theo anh (chị) cái gì quan trọng hơn và thiết thực hơn? Có ý kiến cho rằng các gia chủ cứ nói thẳng ra mình thích mẫu nào, chọn chi tiết gì cho nhà thiết kế dễ xử lý, hơn là ra nhiệm vụ chung chung “tôi thích phong cách hiện đại” thì… không biết đâu mà chiều…
*SHARA HY TRẦN Tôi cũng có lúc tự hỏi, từ bao giờ hình thành cái gọi là “trend”, và liệu trend có tồn tại trong kiến trúc như trend thời trang, trend lối sống… bởi những thứ thay đổi thường xuyên thì cần theo xu hướng vì chúng sinh ra là để…thay đổi thường xuyên, theo chu kỳ, có vòng lặp, và đôi khi bất định khó đoán, chỉ cần khác cái đã quen và cập nhật liên tục là thành trend. Còn những thứ khó thay đổi, không cần thay đổi hay thay đổi gây tốn kém lãng phí, như phong cách và cách thức tổ chức một ngôi nhà thì tại sao không để chính chủ nhân của chúng quyết định? Mặt khác, khi gia chủ chọn lựa một mẫu mã, góc nhìn của họ còn có cả sự cân nhắc về giá cả, còn nhà chuyên môn lại phải kiêm thêm góc nhìn kỹ thuật, sự hài hòa kết nối tổng thể. Nếu một bên áp đặt chủ quan (cứ rẻ là chọn, hoặc cứ lạ thì thích), lấn áp bên kia thì sản phẩm sau cùng sẽ biểu hiện sự lệch lạc ấy.
*KTS NGUYỄN VĂN TẤT:
Khi người chủ nhà chọn giải pháp “làm nhà có KTS” đó là sự lựa chọn khá rõ rồi, nghĩa là đã chọn một quy trình làm nhà cho mình khác với việc… muốn làm gì thì làm, cho dù đó là “ nhà của mình”. Quả tình có nhiều ngôi nhà do KTS thiết kế rất thành công, ghi dấu ấn rõ nét đến nỗi người ta không quan tâm đến chủ nhà nữa mà chỉ biết KTS thiết kế “kiểu” nhà. Trong khi thật sự, ai cũng hiểu ngôi nhà đó, tác phẩm thành công đó của KTS sẽ không xuất hiện nếu chủ nhà không đồng ý cho nó “mọc “ lên. Và KTS cũng chẳng bao giờ có được “ngôi nhà tác phẩm “nếu người chủ nhà không sống thật vừa ý trong “ kiểu nhà” đó. Do vậy, việc chọn lựa của chủ nhà nên ở phạm vi chọn nhu cầu, xu hướng, phong cách. Còn trong chọn lựa các chi tiết chỉ nên cân nhắc, phản biện, phê duyệt… tuân thủ theo “kiểu” thiết kế chung vì một giá trị kiến trúc tổng thể.
* BÙI ĐỨC HOÀN: Tôi thấy cái gì cũng nên tương đối một chút, và cách thức gì cũng cần theo giai đoạn tương ứng. Khởi đầu làm nhà thì khái niệm chung chung cần xác định, đi vào chi tiết sớm quá dễ bị rối. Nhưng các bên phải “chốt” được cái chung chung đó. Ví dụ như thống nhất trong gia đình của gia chủ các quan niệm chung, nhất là tại các không gian chung. Còn nếu từng phòng con cái thích gì thì sẽ “để dành” đến phần nội thất từng phòng xử lý. Vai trò “trung gian hòa giải” của nhà thầu và KTS rất quan trọng. Mấy “ông” này mà cứ lẫn lộn chức năng vai trò, hoặc góp ý không đúng chỗ sẽ làm gia chủ bị “rối trí” thêm. Điều này cũng tương tự quy tắc ứng xử trong xã hội, hạn chế tương phản hay đối đầu quá mức để tránh gây xung đột vì thực ra gia chủ có tín nhiệm mình thì mới nhờ mình thiết kế, thi công nhà cho họ. Việc họ có khó tính hay “lơ mơ” một chút cũng bình thường, mình phát huy tốt vai trò tư vấn, góp ý cho họ để họ ra quyết định là ổn thỏa.
#3. Như vậy theo anh (chị) đã gọi là “chọn” thì nên tùy ý thích riêng, tùy cơ ứng biến, hay cần có “quy trình ứng xử” nào là phù hợp để chọn “ kiểu” cho nhà trở nên thoải mái, hiệu quả.
* BÙI ĐỨC HOÀN: Theo tôi, tránh thái quá sẽ giúp cân bằng một cách tương đối, không thể đạt được nhiều mặt mà cũng không thể giữ hoài một sự lựa chọn suốt thời gian dài, chỉ cần đạt các yếu tố cơ bản là đủ. Nhìn mỗi gia đình xem nào, bọn trẻ sẽ dần lớn, người lớn rồi cũng già đi, thì chỉ sau 7, 10 năm là ngôi nhà trở nên “lỗi mốt”. Và vấn đề còn nằm ở nếp ăn ở trong quan niệm của mỗi nhà nữa. Ví dụ mục đích của bếp ăn là chốn quây quần vui vẻ thì không thể trang trí theo lối nghiêm túc như ở phòng thờ hay phòng khách. Kiểu trang trí phòng trẻ em theo chủ đề nhân vật game (cho bé trai) hay búp bê (cho bé gái) cũng không thực sự tốt cho thẩm mỹ và lối sống của trẻ, vì trẻ cần phát triển toàn diện, hơn là lệch về một sở thích nào đó. Để ngỏ khả năng phát triển cũng là một lựa chọn theo tôi là an toàn và mang tính gợi mở.
*SHARA HY TRẦN : Thực tế cho thấy những gu thiết kế theo trào lưu của đám đông xã hội đang ưa thích sẽ có khả năng nổi đình đám một thời gian, ví dụ dùng cửa gỗ cũ, dùng màu nội thất toàn trắng, dùng chi tiết cổ điển vương giả… bởi có lẽ người ta dễ bị “tâm lý đám đông” thuyết phục. Nhưng các gu thiết kế đó cũng sẽ dễ bị mai một, nhàm chán hoặc khó được chấp nhận lâu dài nếu nhà thiết kế chỉ biết dùng ồ ạt mà không có sự điều chỉnh và diễn giải hợp lý về công năng cũng như thẩm mỹ. Lập luận thường thấy khi khách chọn đồ nội thất theo phong cách nào đó là “kiểu này sẽ lâu bị lỗi thời” vẫn được ưa chuộng, bởi… cần như vậy thiệt mà!
*KTS NGUYỄN VĂN TẤT:
Một công trình thiết kế, dù nhỏ như ngôi nhà ở, cũng có nhiều vấn đề, trải qua nhiều công đoạn. Nói đơn giản, chủ nhà và KTS phải “luôn quan tâm, luôn thấu hiểu, luôn tôn trọng” nhu cầu, cảm xúc và công việc chuyên môn của nhau. Khi có mâu thuẫn, quyền quyết định các loại vấn đề phải phân định đâu là chủ nhà quyết, nào là KTS quyết định? Quy trình hiệu quả ở đây chính là sự ứng xử bình đẳng và chân thành giữa KTS với chủ nhà, vì giá trị một ngôi nhà là vừa ý chủ nhân lẫn niềm tự hào cho người thiết kế.
Khi đồng hành cùng kiến trúc từ đầu, thì nắng gió, cây xanh, cấu trúc thô… cũng đều là những nguyên liệu để thiết kế khai thác và xử lý trọn vẹn
Nhiều kiểu cách đơn giản, bình dị, không được gọi tên, ít xuất hiện trên truyền thông… vẫn có ý nghĩa lớn về sử dụng, thẩm mỹ, mang nhiều dấu ấn gia đình
Dấu thời gian in qua năm tháng là một nét đặc thù riêng của mỗi nhà, khi khéo lưu giữ, vận dụng sẽ rất hiệu quả
Góc riêng tư vẫn là nơi dễ chọn lựa hơn cả các trang trí, giải pháp theo ý thích cá nhân
Thực hiện: KTS LÊ HUY
Ảnh: THÁI KHƯƠNG
Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC NHÀ ĐẸP SỐ THÁNG 10.2022
Có thể bạn thích
SỞ HỮU PHÒNG TẮM ĐẬM CHẤT RIÊNG VỚI HANSGROHE FINISHPLUS
Ngoài cảm giác sáng sạch, bóng loáng từ các thiết bị phòng tắm mạ chrome quen thuộc, không gian phòng tắm hiện đại còn có thể trở nên ấn tượng
Diện mạo mới của những chung cư cũ
KTNĐ – Không chỉ là những không gian thư giãn, quán xá, những không gian mới và “chất” xuất hiện ngày càng nhiều đã góp phần thay đổi chất lượng
HÀI HÒA MÀU SẮC VỚI LỐI SỐNG
Dường như những trao đổi về màu sắc nói chung và sắc màu cho không gian sống nói riêng luôn diễn ra sôi nổi và đa chiều, đa sắc, nên