ĐỂ THẾ GIỚI TRÂN TRỌNG NGƯỚC NHÌN

ĐỂ THẾ GIỚI TRÂN TRỌNG NGƯỚC NHÌN

Cũng như văn hóa, nghệ thuật hay các lĩnh vực khác trong xã hội đương đại, giải thưởng dành cho kiến trúc là những ghi nhận nhất định cho các đóng góp sáng tạo của người làm nghề. Kiến trúc nhà ở những năm gần đây ở Việt Nam đã “bén duyên” với không ít các giải thưởng lớn nhỏ trong nước cũng như quốc tế. Và chắc chắn sẽ thật nhiều thú vị khi ngày đầu năm có thể gặp gỡ một số kiến trúc sư Việt Nam đạt giải thưởng quốc tế về nhà ở, để cùng nhau chia sẻ những góc nhìn nghề nghiệp về chặng đường đã qua. Một chặng đường dĩ nhiên không ít chông gai, thử thách, nhưng cũng nhiều niềm vui, tự hào khi những ngôi nhà Việt – sáng tạo Việt có thể đường hoàng “bước ra” sánh vai cùng bè bạn năm châu với tầm vóc, thần thái riêng để thế giới trân trọng ngước nhìn.

Kiến Trúc Nhà Đẹp Giai phẩm Xuân Nhâm Dần 2022 xin dành “ đất” Bàn tròn kỳ này để các kiến trúc sư qua công trình nhà ở được giải quốc tế của mình chia sẻ đến quý bạn đọc các quan niệm và góc nhìn riêng biệt, thú vị.

……………………………………………………………………………………………….

CÁI HANG GẠCH- KTS. ĐOÀN THANH HÀ

Thiết kế: H&P Architects 

Địa điểm: Thôn Biểu Khê, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, Việt Nam

Giải thưởng: 

2019 Barbara Cappochin International Architecture Prize, Italy

2019 Archdaily Building of the Year Award

2018 WAN House of the year Award, UK

2018 2A Continental Architectural Awards for Asia and Europe, Spain

Doan Thanh Ha - (c)NTThanh

KTS.Đoàn Thanh Hà

“Với bối cảnh một làng ngoại ô đang đối diện với nguy cơ bị đô thị hóa, tôi cũng đưa vào ngôi nhà Hang gạch những yếu tố của cả hai chuỗi dự án mà tôi đang cùng phát triển là Kiến – Nông và Không gian thân thiện. Nhưng vấn đề chính ở đây là làm sao cho chúng phối hợp được với nhau một cách hữu cơ – từ đó tôi tập trung phát triển quan điểm về kiến trúc như là những cấu trúc nhân tạo được hình thành theo cách tự nhiên.

Trong làn sóng đô thị hóa ở Hà Nội từ những năm 2010 tràn sang Đông Anh, xâm nhập vào các làng lân cận thị trấn, ngôi nhà này nằm ở rìa một làng như vậy: nhìn qua cánh đồng chỉ vài chục mét, còn nhìn lại thì những ngôi nhà chia lô hình hộp bốn năm tầng đã áp sát ngay bên. Gia chủ muốn rời phố về quê để được sống yên bình, nhưng cái ngột ngạt xô bồ của đô thị đã đuổi theo sát rạt. Kiến trúc sư cảm nhận rằng ngôi nhà sẽ như một nơi trú tránh để bám trụ với làng, từ đó liên hệ đến cái hang, vốn là nơi “cư và trú” đầu tiên của con người từ thời tiền sử.

Idea-ENG

Vì vậy, cấu trúc nhà giống một cái hang tự nhiên luồn lách trong lòng núi. “Quả núi” được hình thành bởi bức tường bên ngoài chạy theo sát chu vi khu đất, và khi lên cao thì được xây nghiêng dần vào trong với những góc khác nhau để không cản tầm nhìn và cảnh quan chung của làng. “Cái hang” thì được hình thành bởi bức tường bên trong và các vách ngăn, tạo nên một chuỗi không gian kết nối liên hoàn với nhau, từ chỗ rộng và mở (để sinh hoạt chung) chuyển dần tới chỗ hẹp và đóng (riêng tư).

Hai lớp tường dày xây bằng gạch nung không trát và không gian đệm giữa chúng có tác dụng như một bộ lọc triệt tiêu những tác động bất lợi của môi trường bên ngoài (nắng nóng hướng tây, khói bụi, tiếng ồn). Các khoảng mở, ô cửa, lỗ thủng trên hai lớp tường cho phép đưa các yếu tố thiên nhiên hữu ích (ánh sáng, mưa, gió) vào những nơi cần thiết, giúp cho người sử dụng ở nhận biết về thời gian, thời tiết và cả thời sự bên ngoài. Đồng thời cũng tạo ra được những mối liên hệ đa dạng giữa tầng trên và tầng dưới, giữa trong và ngoài, giữa ngôi nhà và ngõ xóm, giữa con người và môi trường xung quanh.

(c) Nguyen Tien Thanh  (28)

Ảnh công trình: Nguyễn Tiến Thành

Nhà Hang gạch gợi lên những mảnh ghép cảm xúc vừa quen vừa lạ về những bức tường gạch, góc sân, khoảng trời, mảnh vườn… Quen vì những hình ảnh đó đã lưu trong ký ức , nhưng lạ khi gặp lại chúng trong thực tế. Vẫn là tường gạch, nhưng được xây lên theo kiểu khác. Vẫn là bếp ở trong nhà, mà ăn thì như ở ngoài sân. Vẫn là mảnh vườn trồng rau trồng hoa, nhưng lại nằm ở trên mái… Đó còn là những cảm nhận về sự kết hợp giữa cái thoáng đãng rộng mở của một chỗ để “cư” và cái ẩn dật kín đáo của một nơi để “trú”. 

………………………………………………………………………………………………

THE CONCRETE HOUSE- KTS HỒ KHUÊ

Thiết kế: ALPES Green Design & Build

Địa điểm: Phước Trường 5, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng

Giải thưởng; Green Good Design Awards 2020

1639127442947

  Ảnh KTS HỒ KHUÊ: “Giải pháp bê tông toàn khối manglại vẻ ngoài đơn giản nhưng đặc biệt cho công trình. Từ cấu trúc kết cấu “box” bê tông, ý tưởng hình khối kiến trúc được hình thành từ nguồn cảm hứng trò chơi xếp hình của trẻ con, mỗi tầng tương xứng với một khối “box” xếp chồng và trượt ngẫu nhiên tạo nên cấu trúc không gian.

Trong cấu trúc đô thị hiện đại tại Việt Nam, nhà ống chiếm tỷ trọng khá lớn, điều này tạo ra một hình ảnh nhà ở đô thị đơn điệu, thiếu sức sống. Việc tạo nên một ngôi nhà đơn lẻ đẹp, ấn tượng, là thách thức rất lớn cho các kiến trúc sư. Trong nỗ lực đem lại cho đô thị một điểm nhấn thú vị, đội ngũ của ALPES đã có hướng tiếp cận mới mẻ đầy ngẫu hứng cho The Concrete House. Ngôi nhà The Concrete House nằm ở vùng ven biển Đà Nẵng, là một cuộc “dạo chơi” kiến trúc sáng tạo và khác biệt.
Những khối box xếp ngẫu hứng cũng đã tạo ra các khoảng không gian rộng rãi và linh hoạt cho ngôi nhà. Tại các không gian này, các nhà thiết kế đã tận dụng và đưa vào bên trong ngôi nhà những yếu tố thiên nhiên mát lành. Hồ bơi nhỏ xinh ở tầng một mang yếu tố mặt nước đa năng, giúp xua tan cái nóng bức của mùa hè miền Trung cũng đóng góp tích cực cho cải thiện vi khí hậu trong ngôi nhà. Yếu tố cây xanh được thể hiện qua một khu vườn ở trên mái. Khoảng sân vườn ấy rất quý giá cho một ngôi nhà đô thi, bên cạnh đó, khu vườn còn giúp giảm thiểu mức nhiệt nắng nóng vào trong ngôi nhà. Yếu tố mặt nước tầng một cùng khu vườn trên mái đã cộng hưởng mang lại nhiệt độ lý tưởng cho không gian sống. 

Gia chủ của ngôi nhà có chia sẻ: “Mỗi lần trở về nhà, mình liền cảm thấy thoải mái nhờ những không gian xanh cùng các yếu tố thiên nhiên gần gũi, mình luôn có cảm giác như đang tận hưởng tại một resort thu nhỏ bên trong chính ngôi nhà của mình”.

0407

Tác quyền hình ảnh công trình: ALPES Green Design & Build

Nhiếp ảnh gia: Hiroyuki Oki

……………………………………………………………………………………………….

SKY HOUSE – KTS NGUYỄN HOÀNG MẠNH

Thiết kế: MIA Design Studio

Địa điểm: An Phú, Q.2, TP.HCM

Giải thưởng: 

– Internaltional Architecture Awards 2020

– Idea – Tops Award 2020

– World Architecture Community Awards 33rd Cycle 2020

– World Architecure Festival 2020&2021

KTS NGUYỄN HOÀNG MẠNH: “Công trình kiến trúc như một cơ thể sống: thay vì mở ra bốn phía xung quanh, chúng tôi tạo ra sự kết nối theo chiều dọc giữa ngôi nhà và bầu trời. Cách tiếp cận đó đã tạo điều kiện để ngôi nhà có thể đón nhận tự nhiên một cách gián tiếp, và từ đó ta cảm nhận được sự thay đổi của thời tiết, của giờ trong ngày một cách rất trực tiếp.

02_by Trieu Chien_light

Hình ảnh công trình: Hiroyuki Oki, Triệu Chiến, Hoàng Lê

TP.HCM là nơi có mật độ công trình, xe cộ và con người dày đặc bậc nhất Việt Nam. Theo cùng đó là sự tắc nghẽn của giao thông và hạ tầng đô thị nhưng lại thiếu không gian cho những mảng xanh, nơi con người có thể tĩnh tâm và ngồi lại với thiên nhiên sau những giờ làm việc căng thẳng.

Không nằm ngoài bối cảnh trên, khu đất xây dựng của Sky House cũng nằm lọt thỏm giữa “thung lũng” các tòa nhà cao tầng san sát nhau, đưa ra một đề bài khó cho việc thiết kế với mục tiêu tạo nên một công trình “mở” và “thở”.

Với mong muốn đó, kết hợp cùng cá tính của gia chủ là người ưa thích sự tĩnh lặng – nhóm thiết kế đã đưa ra một định hướng kiến trúc rõ ràng, đó là mang lại sự kết nối cao giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên theo phương ngang và phương đứng.

Giải pháp là tạo những khoảng trống lớn thông với nhau, để từ đó thiên nhiên có thể luồn lách vào tận từng ngóc ngách của không gian sống. Với diện tích khu đất không đổi, thay vì vẽ nên những căn phòng rộng quá khổ so với nhu cầu sử dụng, chúng tôi đã “cắt đôi” ngôi nhà để dành một nửa nắng, gió, mặt nước, cây xanh hay chỉ đơn giản là những khoảng trống, nửa còn lại sẽ dành cho sinh hoạt gia đình với các tiện ích vừa đủ ở mức tối thiểu.

Kiến trúc lúc này không còn bị phụ thuộc bởi bối cảnh xung quanh nữa, mà đã tự tạo ra cho mình cảnh quan riêng ngay trong nội tại. Liên kết giữa con người và tự nhiên bên ngoài được thể hiện qua nhiều cách, đồng thời tăng thêm kết nối phương đứng giữa những không gian sử dụng thông qua các ô trống. Các khoảng trống đó nay đã trở thành chủ thể chính của ngôi nhà, là nơi cha mẹ và con cái có thể nhìn thấy nhau ở mọi ngóc ngách. 

Đây là cách mà kiến trúc có thể chữa lành tâm hồn con người bằng sự hòa hợp với thiên nhiên. Như lời danh họa Van Gogh đã từng nói: “Nếu bạn thật sự yêu thiên nhiên, bạn sẽ thấy cái đẹp ở mọi nơi”.

……………………………………………………………………………………………….

NHÀ TỔ MỐI – KTS TRẦN THỊ NGỤ NGÔN & KTS NGUYỄN HẢI LONG

Thiết kế: Tropical Space

Địa điểm: P.An Khê, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng, Việt Nam

Giải thưởng

Fritz Hoger Prize Award 2017 

BRICK AWARD 2016

Residential Category | AZ Award 2016

Nguyen Hai Long - Tran Thi Ngu Ngon

Ảnh KTS TRẦN THỊ NGỤ NGÔN và NGUYỄN HẢI LONG: “Chúng tôi mong muốn đem đến một công trình với góc nhìn khác trong việc tổ chức không gian ở cho cuộc sống hiện tại và tương lai với việc sử dụng những vật liệu địa phương, bình dân và phổ thông cùng với kỹ thuật xây dựng truyền thống. Công trình thật sự có thể “tự hô hấp” nhờ việc thông gió, lấy sáng tự nhiên. 

Nhiếp ảnh công trình: Hiroyuki Oki

Lấy cảm hứng từ khả năng làm tổ đặc biệt của loài mối thường bắt gặp ở địa phương, ngôi nhà được thiết kế với một không gian chung lớn nằm ở vị trí trung tâm – nơi bao gồm bếp, bàn ăn và một góc thư giãn. Từ đây, các khu vực chức năng khác như vệ sinh, kho, phòng khách, phòng ngủ được chuyển tiếp nhẹ nhàng và lan tỏa ra xung quanh. Tầng lửng dành cho phòng ngủ thứ hai, phòng thờ, thư viện nhỏ

Tường nhà xây hoàn toàn bằng gạch nung còn giúp công trình mát mẻ vào mùa hè nhờ vào khả năng giữ ẩm nhất định. Cách thiết kế nhà hai lớp áo với tường gạch nung bao phủ bên ngoài và khung nhôm kính bên trong tạo ra một khoảng trống như một lớp đệm ở hai đầu nhà. Cùng với việc sắp xếp các khu phụ như nhà vệ sinh, nhà kho nằm dọc chiều dài nhà, hai lớp tường có tác dụng ngăn những luồng gió mạnh vào mùa bão, bằng việc đẩy gió qua các khoảng trống rồi đi thẳng lên mái nhờ độ chênh lệch về áp suất.

Exterior 1

Với tường gạch xếp lỗ và các khoảng thông tầng thênh thang, gió và ánh sáng vẫn có thể dạo chơi ở mọi ngóc ngách của ngôi nhà, kể cả những khu vực khó thăm viếng nhất. Chủ nhà còn được ngắm bầu trời xanh hay ánh trăng đêm từ phòng khách, bàn ăn hoặc khi đang làm bếp. Về đêm, ngôi nhà trông như một chiếc đèn lồng khổng lồ với những đốm sáng nhỏ hắt ra từ các lỗ trống. Hai bức tường gạch nung bao phủ chiều dài công trình được điểm thêm những viên gạch nhô ra có chủ đích tạo bóng đổ. Điều này làm tăng vẻ đẹp vốn có của những viên gạch mộc cả về hình dáng lẫn màu sắc.  

Bên ngoài, sân vườn được trải sỏi và sắp đặt lại một số bụi cây đã có từ ngôi nhà cũ nhằm giữ lại nét quen thuộc cho người sử dụng. Bằng việc ưu tiên tối đa cho sự thông gió, chiếu sáng và điều hòa nhiệt độ tự nhiên, ngôi nhà đã tạo nên khả năng tương tác, đối thoại linh hoạt với môi trường cư trú bên trong và cả bên ngoài.

……………………………………………………………………………………………….

BINH HOUSE_ KTS. VÕ TRỌNG NGHĨA 

Thiết kế: Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa

Địa điểm:  TP.HCM, Việt Nam

Giải thưởng: 

2017_Liên hoan Kiến trúc Thế giới/ Chiến thắng; Hạng mục: Công trình nhà ở.
2018_Giải thưởng Thiết kế Xanh Green Good Design/ Chiến thắng
2018_Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế/ Chiến thắng [Hạng mục: Nhà ở tư nhân

2018_Giải thưởng FuturArc Green Leadership / Chiến thắng; Hạng mục: Nhà ở

Portrait Vo Trong Nghia2 (1)

Ảnh KTS Võ Trọng Nghĩa: “Sử dụng các vật liệu bền vững như đá tự nhiên, gỗ, bê tông trần… kết hợp với giải pháp vi khí hậu tăng cường thông gió và lấy sáng tự nhiên, công trình được xây dựng kiên cố nhằm giảm chi phí vận hành và bảo trì. Qua đây, kiến trúc thể hiện theo một định nghĩa mới sẽ không chỉ là công trình đáp ứng nhu cầu về công năng, thẩm mỹ mà còn là phương tiện để kết nối con người với con người, con người với thiên nhiên.”. 

Hình ảnh công trình: Hiroyuki Oki, Quang Đàm

Ngôi nhà là một trong chuỗi dự án nhà cho cây với mục đích góp phần xanh hóa đô thị trong bối cảnh diện tích cây xanh trên đầu người tại các thành phố  lớn ở Việt Nam rất thấp. 

BinhHouse_pic02_Exterior_OKI

Khách hàng là một gia đình gồm ba thế hệ. Vậy nên làm thế nào để tạo sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình là câu hỏi chúng tôi đặt ra?

Vườn cây đặt xen kẽ giữa các không gian, lệch nhau theo phương đứng, kết hợp việc thiết kế các gian phòng với hai mặt là cửa kính trượt. Ý tưởng này không những giúp cải thiện vi khí hậu, vừa tạo cảm giác rộng rãi, mà còn tăng sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình. 

Phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, phòng học là những khoảng mở liên tục. Từ một gian phòng, bạn có thể phóng tầm mắt đến các phòng khác xuyên qua những khoảng vườn xanh mướt, trò chuyện cùng nhau. 

Các không gian phục vụ như bếp, phòng tắm, hành lang, cầu thang được đặt ở hướng tây nhằm hạn chế các bức xạ nhiệt.  Các không gian đặt lệch nhau tạo ra sự chênh lệch áp suất. Do đó, khi những ngôi nhà xung quanh được xây dựng, sự thông gió tự nhiên vẫn diễn ra. Nhờ các yếu tố này, ngôi nhà luôn luôn mát mẻ. Hệ thống điều hòa dự phòng gần như không cần sử dụng đến. 

Các khoảng vườn trên mái đan xen vừa để trồng các cây bóng mát, giảm nhiệt độ trong nhà, vừa để trồng rau phục vụ nhu cầu rau sạch cho bữa ăn hằng ngày. Đây là giải pháp nông nghiệp theo phương đứng phù hợp với bối cảnh của các ngôi nhà trong thành phố. Nó cũng phù hợp với phong cách sống của người Việt. 

Thực hiện: PV TẠP CHÍ KIẾN TRÚC NHÀ ĐẸP

Hình ảnh: CÁC VĂN PHÒNG KTS 

Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC NHÀ ĐẸP THÁNG 1+2/2022

Có thể bạn thích

Bàn Tròn

CHIẾU SÁNG KHÔNG CHỈ CHO RIÊNG MÌNH

Những gương mặt khách mời Bàn Tròn Nhà Đẹp Tháng 12 đều ở độ tuổi đủ chững chạc để đúc kết những giá trị về chiếu sáng đúng kỹ thuật,

Bàn Tròn

SỞ HỮU PHÒNG TẮM ĐẬM CHẤT RIÊNG VỚI HANSGROHE FINISHPLUS

Ngoài cảm giác sáng sạch, bóng loáng từ các thiết bị phòng tắm mạ chrome quen thuộc, không gian phòng tắm hiện đại còn có thể trở nên ấn tượng

Bàn Tròn

Thiết kế vườn và hồ cho nhà ở

KTNĐ – Thử tưởng tượng, những không gian ở chốn đô thị sẽ khô cứng và ngột ngạt biết chừng nào nếu thiếu vắng bóng dáng cây xanh. Và khi