Đưa mảng xanh lên cao
KTNĐ – Việc đưa mảng xanh lên cao, làm vườn treo là một giải pháp dù không mới song vẫn luôn thú vị và hiệu quả, đem lại nhiều sắc thái đa dạng tích cực trong hoàn cảnh đô thị và môi trường sống thiếu màu xanh. Đó cũng là câu chuyện nghề của những người làm thiết kế.
Một ngôi nhà có sân vườn, có những mảng xanh cây cối là điều ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhà ở đô thị hiện nay, thì đó là một điều rất khó. Nhà phố hay chung cư – là những loại hình phổ biến
trong đô thị – hầu như không dư thừa diện tích để làm vườn.
ĐƯA MẢNG XANH LÊN CAO
Thực tế có phũ phàng đến đâu, đất hay nhà có chật đến đâu, thì dường như con người vẫn cần đến màu xanh, cần đến thiên nhiên cây cỏ. Khó có thể hình dung ra một không gian sống, một môi trường sống hoàn toàn vắng bóng cây xanh.
Không phải lúc nào, chỗ nào cũng có thể trồng cây; thôi thì ngắm nhờ màu xanh ngoài phố, hay màu xanh bên hàng xóm cho dịu mắt. Nhưng không gì bằng mình tự chủ động tạo ra những khoảng xanh cho mình để hưởng thụ.
Có thể màu xanh chỉ là những điểm nhấn nho nhỏ như một chậu hoa ngoài ban công, một cành leo xanh bên cửa sổ… Nhưng khi có điều kiện, người ta có thể tạo thành một không gian xanh từ những mảnh vườn. Đương nhiên, vườn ở dưới đất là rất khó với nhà phố, nên những khoảng xanh hầu như là vườn trên sân thượng, trên mái.
Thường với nhà lô phố, phía trước lầu trên cùng (hướng ra khoảng không) là sân trống không phải phòng – đó là một khoảng xanh, một không gian xanh lý tưởng.
Trước kia, đa phần các chủ nhà hay để chậu kiểng – đó là một giải pháp đơn giản và linh hoạt. Tuy nhiên cũng chính sự đơn giản này lại làm cho những khoảng xanh khô cứng thiếu tự nhiên, mà diện tích cũng như không gian “vườn” lại có cảm giác tù túng vướng víu, bất tiện.
Với phương tiện và các loại vật liệu chống thấm hiện tại, cùng với việc đầu tư nhiều hơn cho ngôi nhà, rất nhiều công trình đã có một “vườn ra vườn” trên mái, trên sân thượng, có nghiên cứu, bố cục chứ không chỉ là những chậu kiểng đơn lẻ nữa.
Thậm chí, nếu tính toán kỹ càng về kết cấu, thoát nước công trình cũng như đặc điểm sinh học của các loại cây trồng, hoàn toàn có thể trồng trực tiếp được những cây lớn tương đối trên sân thượng, trên mái.
MẢNG XANH – GIẢI PHÁP CHỐNG NÓNG HIỆU QUẢ
Nước ta là nước nhiệt đới, việc xử lý chống nóng là một trong những nội dung quan trọng của thiết kế công trình. Bề mặt kiến trúc có thời gian nhận bức xạ mặt trời nhiều nhất chính là mái. Vì vậy, xử lý chống nóng cho công trình cũng đồng nghĩa với việc đưa ra giải pháp kiến trúc – kỹ thuật cho mái.
Trồng cây trên mái, làm vườn trên mái không chỉ là một phần trang trí ngoại thất, hay một thú vui của chủ nhà, mà nó còn có ý nghĩa công năng thật sự. Nếu được nghiên cứu và kết hợp tốt, thì vườn trên mái là một giải pháp chống nóng rất hiệu quả bên cạnh yếu tố thẩm mỹ – làm đẹp cho công trình.
Lớp đất ẩm ở vườn trên mái giúp ngăn bức xạ xuống bề mặt bê tông của mái, điều hòa nhiệt độ, chống nóng rất hiệu quả. Thậm chí có thể thiết kế, lắp đặt hồ bơi, bể cảnh kết hợp với vườn cây.
Ngoài ra, việc giảm bức xạ cho kết cấu bê tông cũng làm bê tông mái giảm thiểu hiện tượng co ngót (đặc biệt khi nhiệt độ thay đổi đột ngột) gây nứt bề mặt, từ đó dẫn đến hiện tượng thấm dột.
Tuy nhiên, để chống nóng được hiệu quả bằng giải pháp này, mái phải xử lý chống thấm thật tốt, các loại cây trồng cũng phải được lựa chọn cho phù hợp. Những loại cây trồng trên mái nên là những loại cây dễ sống trong điều kiện ít được chăm sóc, không vươn cao quá.
Không nên trồng cây rễ cọc vì khó có đủ độ sâu đất cho cây và rễ cây xuyên sâu có thể ảnh hưởng đến kết cấu bê tông. Việc xử lý thoát nước, chống úng ngập cũng rất quan trọng, phải thi công kỹ càng theo đúng tiêu chuẩn, quy trình.
Vườn trên mái cũng là một giải pháp kiến trúc sinh thái được nhiều nước trên thế giới ứng dụng cho xu hướng kiến trúc xanh và bền vững. Ở Việt Nam hiện cũng đã có nhiều công trình công cộng, công trình lớn sử dụng mái xanh và có hiệu quả cao về thẩm mỹ lẫn công năng chống nóng.
Bên cạnh đó, việc tổ chức mảng xanh trên mặt đứng cũng là một giải pháp rất tốt để ngăn bức xạ nhiệt và tạo diện mạo mới cho công trình, dù với cách này, cây xanh được phô diễn nhiều hơn và góp phần tạo nên hình thức kiến trúc.
VÀ TRỒNG RAU TRÊN MÁI
Nếu ai đó (có thể là chủ nhà hay kiến trúc sư) có ý định, hay đề xuất ý tưởng làm vườn trên mái; hẳn sẽ có người hỏi: Vườn gì? – Là vườn hoa, vườn cây kiểng? – Đúng rồi! Thế làm vườn rau được không? – Được chứ! Tại sao không?
Trồng rau trên mái, mới nghe thấy có vẻ kỳ kỳ. Những đó là một nhu cầu thực tế. Nếu để ý quan sát những ngôi nhà trong đô thị từ điểm nhìn trên cao, ta có thể thấy rất nhiều nhà có đặt những thùng nhựa, những thùng xốp ở ban công, sân thượng hay mái nhà… để trồng rau.
Yếu tố kinh tế – “tăng gia sản xuất” dĩ nhiên không phải là vấn đề chính. Lý do chính là họ… muốn trồng rau, muốn làm vườn và cần có rau sạch.
Thật ra, trồng rau trên mái là đơn giản và hiệu quả, tuy vấn đề thẩm mỹ và vệ sinh có kém hơn vì rau không thể đẹp bằng hoa hay cây kiểng. Trồng rau lại mất công chăm sóc, tưới tắm thường xuyên. Nhưng trồng rau an toàn cho mái bởi tải trọng lên mái không tăng do có sự luân chuyển tuần hoàn.
Khác với trồng các loại cây thân gỗ cỡ vừa và lớn, rễ của rau đương nhiên không thể xâm hại kết cấu mái.
Việc trồng rau (trên mái) cho rau sạch ngay ở nhà, điều đó cũng rất có ý nghĩa trong thời buổi giá cả đắt đỏ và vấn đề an toàn thực phẩm luôn làm người tiêu dùng đau đầu, bất an.
Và cuối cùng, việc trồng rau tạo một thói quen lao động chân tay, gần gũi thiên nhiên, tạo thái độ chăm sóc gia đình tích cực – điều ngày càng hiếm thấy trong bối cảnh xã hội quá nhiều áp lực công việc đè nặng lên mỗi con người.
BÀI & ẢNH: KTS NGUYỄN TRẦN ĐỨC ANH
Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 7-2016
Có thể bạn thích
DUNG HÒA ĐỂ THOÁNG SÁNG HƠN
Là nơi ở của ba anh chị em, ngôi nhà nhỏ này thực sự là nơi đáng sống với nhóm cư dân trẻ, năng động, đang cố gắng mỗi ngày
Về bên núi đồi
KTNĐ – Ra đời để phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi của gia chủ, ngôi nhà mang tinh thần cởi mở, thân thiện và giao hòa với thiên nhiên
NHÀ KHÔNG “ĐU TREND”
Từ ngôn ngữ thiết kế, ngôn ngữ không gian thể hiện qua hình ảnh thực tế, đến ngôn ngữ “chuyện bây giờ mới kể” của người cảm nhận công trình,