Ý TÝ MÙA XUÂN
KTNĐ – Tôi vẫn luôn nhớ về miền đất ấy, nơi mây trắng bay la đà trên nóc những mái nhà trình tường bé xíu như vỏ bao diêm bám vào lưng núi, nơi những cánh đào, cánh mận căng mình khoe sắc đón xuân về ở góc sân nhà, nơi đám trẻ như bầy chim sẻ vây quanh tôi để được tô lên môi một lớp son hồng.
Nơi ấy là Ý Tý mùa xuân….
Nằm trên độ cao xấp xỉ hai ngàn mét so với mực nước biển, Ý Tý là điểm đến đầy quyến rũ vào mùa xuân. Một cuộc sống còn hoang sơ của đồng bào dân tộc thiểu số trên lưng núi, những bản làng quây quần trong lòng thung lũng. Ngay sát trên đường biên giới Việt – Trung, là một thế giới tách biệt như cổ tích, hoang hoải và đẹp đẽ, với rừng, với núi, với gió, với mây, tất cả hợp thành bản tình ca đánh thức những rung động thẳm sâu nhất trong trái tim người.
LAO CHẢI MỘT CHIỀU QUAN TÁI
Đầu đường vào thôn Lao Chải thấy cắm một cây nêu cao vút, phía trên là một bộ lông gà đen còn nguyên hình dạng được căng ra kiêu hãnh. Hỏi ra mới biết, người Hà Nhì ở Bát Xát đang trong dịp cúng lễ tết đầu xuân.
Một trong những nghi lễ quan trọng nhất dịp xuân mới là lễ cúng thần linh “gà tu tu”. “Gà tu tu” là lễ cúng cấm bản, ngăn không cho ma xấu vào nhà, thường được tổ chức vào ngày Hổ đầu tiên của tháng giêng (theo hệ lịch riêng của người Hà Nhì), đến ngày Rồng sẽ tổ chức lễ cúng thần nước.
Thôn Lao Chải nằm men theo con đường lớn, những mái nhà rơm nhấp nhô như cây nấm, từ nhà nọ sang nhà kia nối với nhau bằng những lối mòn. Bây giờ nhà trong thôn lợp mái fibro xi măng thay vì mái rạ nên khung cảnh ít nhiều bớt đi vẻ mộc mạc nguyên thủy.
Người Hà Nhì ở Ý Tý hay nuôi chim bồ câu, chiếc chuồng nhỏ treo lửng lơ dưới mái hiên nhà trên vách tường đất, màu gỗ cũ kỹ, trông thật bình yên. Nhà này có cây mận trắng nở hoa bên đống củi xếp ngay ngắn trong sân, nhà khác mận đã ra lá non xanh rợp. Bọn trẻ con nô đùa, tiếng cười trong vắt xuyên chiều sương.
Tôi giật mình bởi tiếng mời rượu của một người đàn ông vọng ra từ bên trong ô cửa. Vào nhà, một bà cụ già đang thổi lửa, bếp củi bập bùng, mùi khói xộc lên cay cay mắt. Hỏi người đàn ông vợ đi đâu, anh bảo đi lên rừng rồi. Phụ nữ Hà Nhì, quanh năm lên núi xuống đồng, trăm việc gia đình đều trút lên vai, ngày tết sao cũng đi làm? Ở đây đã thành cái lệ, chỉ có đàn ông làm việc thật khó như xây nhà hay dễ như trông con, mùa xuân ngồi bên bậu cửa, rượu uống tràn môi, ngắm nhìn đất trời Ý Tý nở hoa.
Chúng tôi ngồi cô độc trên đỉnh đồi sương giá. Lạnh buốt những cánh đồng rơm rạ. Gốc mận đơn côi bên căn nhà trình tường bỏ hoang lợp mái tôn xanh. Uống mấy cho say một chiều quan tái, không biết dưới Lao Chải kia, những người phụ nữ đã trở về bên bếp lửa, và có mang theo vào nhà những nốt nhạc xuân?
DƯỚI GỐC CÂY ĐUYA ZÀ (*)
Sáng hôm sau, chúng tôi xuống thôn Chỏn Thèn chơi. Trước khi đi A Hờ dặn, hôm nay là ngày tết của người Hà Nhì, vào bản chơi nhớ chú ý những điều kiêng kỵ: không được đeo ba lô hai vai khi vào bản, đồ đạc phải xách bằng tay. Nói rồi đóng bộ quần áo thật đẹp, bảo trên Thiên Sinh hôm nay có chợ phiên, A Hờ phải đi chơi đây.
Nhà ở thôn Chỏn Thèn vẫn còn giữ nhiều nét nguyên bản trong kiến trúc của người Hà Nhì: nhà trình tường vuông, tường dày, ô cửa hẹp, trong nhà có tường ngăn với phòng chính tạo ra một hành lang, bên phải là nơi để nông cụ và làm chuồng gà, bên trái đặt giường ngủ cho con trai, con gái lớn hoặc cho khách. Bếp đặt trong nhà chính, luôn được giữ lửa ấm do đặc trưng khí hậu của vùng quanh năm sương giá, bồ hóng hun đen kịt cột kèo, mái nhà.
Dân làng đang tụ tập nơi đầu bản, thấy mấy vị khách lạ chỉ tò mò nhìn qua rồi lại việc ai nấy làm. Chúng tôi tản mát bước theo những lối xuân riêng, nơi mận nở trắng xanh bên cửa sổ, hoa đào hồng thắm cạnh bờ rào, hay đám chồi non lá biếc đang ngập ngừng đung đưa trong nắng. Chỏn Thèn lặng lẽ và an bình trong một buổi sớm mai đầy sương xuân lạnh giá. Những nếp nhà nép mình nương tựa, đâu đó có những mảng khói bay ra từ góc bếp, ấm áp và mang theo một thứ mùi vị hẳn rất ngon lành.
Con đường xuyên bản dẫn ra cuối làng, nơi có hai gốc cây đuya zà sừng sững in hình trên nền trời Ý Tý. Xa xa là những dãy núi dài chập chùng trong màn mây, thung lũng với những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa ngơi nghỉ.
Đám trẻ chạy ùa tới, những đồng xu trang trí trên chiếc mũ đội đầu reo vui theo từng bước chân đi. Như bầy chim sẻ, chúng vừa tò mò vừa bẽn lẽn vây quanh tôi đợi “tô son”. Từng đứa trong vòng tay tôi, hé môi chờ đợi, ngoan ngoãn làm theo hướng dẫn, cho đến khi đôi môi trở nên rạng rỡ. Tôi không biết vì màu son càng ra gió càng rực rỡ hay chính các em đang rực rỡ hơn bởi những hân hoan tỏa lan từ trong sâu thẳm tâm hồn?
Tôi ngồi trên bờ rào đá, dưới gốc cây đuya zà theo tiếng của người Hà Nhì. Gió reo trên tầng cây, suối róc rách vọng lại từ bên kia bờ ruộng, bọn trẻ khúc khích cười, tiếng bạn đồng hành ngân nga hát. Ý Tý thật rộn ràng với bản giao hưởng mùa xuân.
(*): Đuya zà: Tiếng của người Hà Nhì
BÀI & ẢNH: THỦY TRẦN
Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 1 & 2 .2017
Có thể bạn thích
Bóng nắng trong nhà
KTNĐ – “Chất lượng cuộc sống mà công trình mang đến phần nào được cảm nhận từ hình khối kiến trúc, và hình khối kiến trúc phải có sự gắn
Đẹp hiện đại
KTNĐ – Ngôi biệt thự nằm trong khu đô thị Vĩnh Điềm Trung ở thành phố Nha Trang có kiến trúc theo phong cách hiện đại và chỉn chu. Tất
Thấp thoáng hương vị cao nguyên
KTNĐ – Bạn hỏi cái chỗ ăn buffet ngọt ấy có gì hay. Trả lời rằng ừ thì cũng là địa điểm kinh doanh, nhưng hình thức và không gian