HIỂU THẤU ĐỂ BIẾN TẤU
Từ mảng tường gồ ghề, cụm xương rồng, cho đến lam mái từ cây khô, đèn cói, bình đất nung… đều không chỉ toát lên không khí Địa Trung Hải, mà còn như một khung cảnh hoang sơ, bình yên, lạ lẫm một chút trong lòng phố thị
Những phong cách thiết kế có tuổi đời nhiều năm trên thế giới ngày càng xuất hiện nhiều ở Việt Nam trên tinh thần “nhập gia tùy tục”. Nhưng làm sao để đặc trưng điển hình của các phong cách nguyên bản không bị biến đổi hoàn toàn, đồng thời đáp ứng nhu cầu, lối sống của gia chủ cũng như phù hợp với khí hậu, cộng đồng dân cư xung quanh? Cuộc trò chuyện với nhóm thiết kế để phần nào làm rõ vấn đề này.
- Chào các anh chị của 1618 Design Studio, ngôi nhà phố ở Bình Tân này với bề ngoài đơn giản, ít trang trí, cửa sổ nhỏ… khá khác biệt với “mẫu số chung“ xung quanh. Anh chị có thể chia sẻ căn nguyên hình thành ý tưởng của dự án? Liệu kiểu nhà này có sự liên quan đến sở thích, lối sống của gia chủ?
Gia chủ là một gia đình trẻ, có gu, biết tận hưởng cuộc sống, thích những chi tiết thô mộc của gỗ, màu cam nâu của đất nung, thích một không gian nhiều cây xanh và đầy nắng gió… Ngoài ra người vợ còn có niềm yêu thích đặc biệt với macrame (nghệ thuật thắt dây cotton tạo thành họa tiết cho các sản phẩm trang trí trong gia đình). Các dữ liệu này gợi cho chúng tôi ý tưởng về một phong cách hiện đại kết hợp với âm hưởng của những vùng đất phóng khoáng mang hơi thở biển cả, đậm chất nghệ thuật, lãng mạn… của phong cách Địa Trung Hải.
- Thật thú vị khi gu sống, sở thích, đam mê… của mình và gia đình được nhà chuyên môn chuyển hóa thành giải pháp thiết kế trong không gian sống. Nhưng với một căn nhà điển hình cho dạng nhà phân lô nơi đô thị, có lẽ phong cách thiết kế sẽ phải được chuyển biến, cân chỉnh lại cho phù hợp?
Đúng vậy, khi chúng tôi cùng nhau lựa chọn ý tưởng thiết kế này, rất nhiều yếu tố đã phải “đong đếm” lại. Nhà theo phong cách Địa Trung Hải phù hợp với biệt thự ven biển, nhà diện tích lớn với thiên nhiên bao quanh, có hàng hiên rộng, nhiều cửa sổ… nhưng nhà phố phân lô trong hẻm thì thật khó đáp ứng những điều đó. Chúng tôi phải cân chỉnh và nhìn không gian dưới một lăng kính khác để đặc trưng Địa Trung Hải vẫn được hiển lộ.
- Thực tế cho thấy các khó khăn đó được đội ngũ thiết kế-thi công khắc phục và xử lý thú vị. Rõ ràng phải có cộng hưởng và đồng lòng của các bên để tiến hành suôn sẻ phải không?
Gia đình bên gia chủ đã “nâng lên hạ xuống” nhiều lần các giải pháp thiết kế sao cho vừa phù hợp diện tích, ngân sách, vừa đáp ứng mong muốn của họ: Một căn nhà tự nhiên, thô mộc với các không gian chú trọng tính thư giãn, kết nối tối đa với thiên nhiên kiểu như một địa điểm nghỉ dưỡng vậy đó.
Bạn có thể thấy những khung cửa vòm, đà gỗ, sơn hiệu ứng đất nung và những chiếc đèn trang trí được làm bằng vật liệu tự nhiên xuất hiện xuyên suốt, lặp lại ở các không gian. Hay như cách tận dụng giếng trời để lấy sáng và kết nối các tầng với nhau, điểm xuyết cây xanh tại vài vị trí để bổ sung sự tươi mát..
- Quả là một chốn “nghỉ dưỡng tại gia” cuốn hút. Vậy ngoài sự cân chỉnh, phối trộn các phong cách một cách khéo léo, ở công trình này theo anh chị còn điểm nhấn nào đặc biệt không ?
Trong nhà phố hiện nay, sân thượng là nơi ít được đầu tư và tần suất sử dụng thấp, hoặc có người quan niệm lên cao cũng… không có gì chơi. Nhưng đối với căn nhà này, sân thượng là một nhấn nhá thú vị. Vì diện tích đất không đủ làm sân vườn rộng rãi, thoáng đãng đúng kiểu Địa Trung Hải, nên chúng tôi đã “tậu” cho gia chủ một “chỗ chill nhỏ” trên sân thượng. Từ mảng tường gồ ghề, cụm xương rồng trồng trên cát, cho đến phần lam mái từ cây khô, đèn cói, bình đất nung… đều không chỉ toát lên “không khí” Địa Trung Hải, mà còn như một khung cảnh hoang sơ, bình yên, lạ lẫm một chút trong lòng phố thị. Chúng tôi tin rằng những thiết kế xuất phát từ cuộc sống, khi hiểu thấu nhu cầu thực tế của gia chủ, thì biến tấu so với nguyên bản vẫn được công nhận, tạo nên cá tính độc đáo.
Cảm ơn anh chị về buổi chia sẻ với nhiều góc nhìn thú vị.
THÔNG TIN CÔNG TRÌNH:
Địa điểm: Bình Tân, Sài Gòn
Đơn vị thiết kế-thi công: 1618 Design Studio
Phong cách Địa Trung Hải: bắt nguồn từ những năm đầu thế kỷ XX, phong cách thiết kế này có sự pha trộn giữa kiến trúc Tây Ban Nha, Ý… và dần chiếm ưu thế ở những vùng có thời tiết ấm áp, khí hậu cận duyên hải châu Âu và Caribe. Theo The Spruce, các đặc điểm chính của nhà kiểu Địa Trung Hải là:
- Nhấn mạnh vào cuộc sống kết nối trong nhà-ngoài trời, với sân, hiên, ban công…
- Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên và tầm nhìn ra qua hệ cửa hình vòm mộc mạc.
- Dầm lộ thiên, tường đá tự nhiên và sàn lát gạch hoặc gỗ cứng, không gian tập trung nhiều vào các khu vực chung với nhiều góc thư giãn và bàn ăn lớn.
- Bảng màu trung tính với tường thạch cao trắng và lớp hoàn thiện tự nhiên như gỗ, mây, ngói, gốm sứ, đất nung, sắt rèn, vải lanh và sợi bông.
- Điểm nhấn rõ nét, tươi sáng, phản ánh môi trường tự nhiên, từ màu xanh lục của đại dương đến màu vàng và tông vàng của mặt trời.
Có 3 biến thể chính của phong cách Địa Trung Hải:
- Phục hưng Ý: cảm hứng từ các tòa nhà trong thời Phục hưng Ý, phong cách này được đánh dấu bằng các cột và vòm tròn.
- Spanish Revival: chịu ảnh hưởng của kiến trúc thuộc địa Tây Ban Nha, thường có đường nét đơn giản, sạch sẽ và mái dốc thấp.
- Địa Trung Hải hiện đại: mang đặc trưng truyền thống vùng Hy Lạp, Nam Âu, pha chút hiện đại với không gian mở nhiều hơn.
Thực hiện: THANH NHÀN
Ảnh: 1618 Design Studio
Theo Tạp Chí Kiến Trúc Nhà Đẹp Tháng 4.2023
Có thể bạn thích
HÀI HÒA, LINH HOẠT, ĐA DẠNG – 3 TỪ KHÓA CỦA CÔNG TẮC Ổ CẮM PANASONIC MODERVA
Khám phá tất tần tật về công tắc ổ cắm Panasonic Moderva – mảnh ghép tinh tế cho mọi ngôi nhà Thiết kế hài hòa, ứng dụng linh hoạt, thỏa
KẾT NỐI VÀ TƯƠNG PHẢN
… Cần gì hơn nữa để một nhà hàng mới có thể biểu hiện chất lượng không chỉ ở trải nghiệm ẩm thực cho khách hàng, mà còn qua dấu
CHÚT THÊM BỚT CHO KHÔNG GIAN THÚ VỊ
Làm nhà dĩ nhiên phải tính toán. Có phép tính sinh ra từ hạn mức kinh phí hay quy mô. Cũng có bài toán không đem lại nhiều sự chọn