Pù Luông – mùa lúa chín

Pù Luông – mùa lúa chín

KTNĐ – Lúa Pù Luông chín một năm hai vụ, vào tầm tháng 6 và tháng 10. Cách Hà Nội không quá xa để có một cuối tuần hít thở không khí trong trẻo của núi rừng lại thơm hương lúa chín, ngủ nhà sàn người Thái, ăn cơm mới, uống rượu cần, đồ nướng chấm chẩm chéo, thì Pù Luông luôn là một lựa chọn… để đời.

2PL_resize

Nói “để đời” là tôi ngoa ngôn một chút thôi, tất nhiên trừ phi khi đang đi trong rừng bạn bỗng nhiên gặp mưa.

Mưa Pù Luông đến nhanh đi cũng nhanh, rát mặt và đủ sức làm tan hoang những con đường nối bản làng với nhau. Vì thế, trước khi đi Pù Luông, điều cần thiết nhất là phải xem dự báo thời tiết. Nếu dự báo trời mưa, thì thôi, hãy ở nhà cho an tâm.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nằm trên địa phận huyện Bá Thước và Quan Hóa (Thanh Hóa) rộng khoảng 17.662ha được đánh giá cao về giá trị khoa học, kinh tế và du lịch sinh thái.

Pù Luông theo tiếng của người Thái có nghĩa là dãy núi cao. Ở giữa những dãy núi cao là thung lũng và cánh đồng. Nép mình dưới chân núi, bên cánh đồng là bản làng của người Mường, người Thái.

Chính điều kiện địa lý và tập quán sinh hoạt của đồng bào Thái – Mường ở khu bảo tồn đã tạo nên nét đẹp hiền hòa của Pù Luông.

IMG_0324_resize

PuLuong7_resize

untitled-0260_resize

Có hai hướng đi để tiếp cận Pù Luông. Hướng thứ nhất từ phía Mai Châu (Hòa Bình) rẽ vào đường 15C bám dọc theo suối Pưng. Hướng thứ hai từ phía Cành Nàng (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) ngược lên suối Chàm.

Có rất nhiều bản làng ở Pù Luông mà dân trekker say mê: Tuyến Eo Kén – Pả Ban – Đông Điểng – Pà Khà; tuyến Kho Mường – bản Pốn – Thành Công, tuyến Bản Cao – bản Trình – bản Hin – bản Nủa; tuyến Cao Hoong – bản Kịt, tuyến Eo Điếu, bản Hiêu, tuyến Son – Bá – Mười.

Phần lớn cư dân các bản là người Thái, trừ bản Pốn, Thành Công, Cao Hoong và Kịt là bản định cư của người Mường ở vùng lõi Pù Luông. Mỗi bản có từ vài chục đến hàng trăm nóc nhà dựng san sát bên nhau.

PuLuong6_resize

untitled-4288_resize

Nhà sàn của người Thái với kiến trúc trang nhã và chắc chắn, thường dựng ở nơi cao ráo nhưng lại rất gần nguồn nước theo quan niệm “sơn chầu thủy tụ” vừa tránh ẩm thấp lại vừa thoáng mát.

Nhà có sàn, gác có cột làm từ các loại cây thân gỗ thường được bà con đi rừng chọn lựa vào mùa khô, vừa đúng dịp nông nhàn lại là mùa cây ít bị sâu mọt, có kích thước rộng ngang kéo dài về hai phía đầu hồi lợp mái cum cúp như mai rùa.

Nhà người Thái cổ luôn có hai cầu thang dành riêng cho nam nữ với 7 bậc cho nam và 9 bậc cho nữ (tùy theo vía người), tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại đã không còn sự phân biệt này nữa, cầu thang dùng để đi chung.

untitled-4465_resize

 

untitled-0132_resize

untitled-4487_resize

Trong khi người Thái làm nhà sàn 3 gian hay 5 gian tùy theo gia cảnh nhưng rất tốn gỗ, ví dụ nhà 5 gian cần 6 vì cột, mỗi vì cột có 4 cột, 2 cột đỡ mái, 2 cột chống sàn thì nhà sàn của người Mường ở vùng lõi Pù Luông cũng có kiến trúc tương tự, nhưng nhỏ hơn và được làm từ tre nứa, lá gianh, cầu thang đặt giữa mặt tiền hoặc bên chái nhà.

Xung quanh nhà thường có lan can và rất nhiều cửa sổ. Người Thái quan niệm cửa sổ là đôi mắt, vì thế nhà có nhiều cửa sổ sẽ trở nên rộng mở, thoáng đãng, hòa hợp với đất trời.

Nhà sàn nói chung trong khu Pù Luông dùng mặt sàn trên làm nơi ở, tiếp khách, nấu nướng và sinh hoạt. Dưới gầm sàn phần lớn dùng để nhốt trâu bò, nuôi gia cầm, đặt các loại cối giã, nông cụ, khung cửi dệt vải và các đồ dùng khác.

Nhà có cổng vào, có hàng rào bao quanh bằng tre nứa hoặc các loại cây có gai như dứa, găng, xương rồng hoặc đặt các loại bồn hoa nho nhỏ.

Bếp lửa trong nhà, người Thái đang dịch dần sang chái trong khi người Mường vẫn để giữa nhà. Khung bếp bằng gỗ, lót đất sét, trên bếp có gác, dùng để muối, hong khô các đồ vật cần thiết.

Buổi tối mùa đông hoặc mưa ướt mà ngồi sưởi bên bếp củi, vừa chuyện trò vừa đồ xôi, nướng khoai, nướng ngô nhấm nháp… thì thi vị vô cùng.

untitled-0421_resize

Mỗi lần ngủ lại trong nhà sàn bản Nủa, tôi thường dọn giường ngay sát bên cửa sổ, để sáng ra có thể đẩy cánh cửa gỗ đón gió sớm ùa vào sàn, hướng tầm mắt ra phía cánh đồng đang vàng ruộm ấm no, hít thật sâu thứ không khí bình yên và trong trẻo đến nao lòng.

Lách cách tiếng thoi đưa vọng lên từ dưới sàn nhà bất chợt lay động cả tâm hồn.

Tôi cũng hay ngồi bên ô cửa khi chiều buông, nhấp một ngụm trà xanh, lắng nghe tiếng mõ trâu lốc cốc, tiếng quang gánh kĩu kịt trở về nhà trên đường làng nhập nhoạng.

Chiều trên núi, những chiều hoang hoải và mong nhớ đến khôn cùng…

Bài: THỦY TRẦN
Ảnh: THỦY TRẦN, MINH GIANG

Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 10.2015

Có thể bạn thích

Du Lịch Kiến Trúc

Mùa đông Ottawa

KTNĐ – Không hiểu sao tôi luôn nhớ đến những ngày mùa đông ở Ottawa, Canada với cái lạnh, buốt như dao cắt vào da mà vẫn thấy thích vì

Du Lịch Kiến Trúc

Đóa tầm xuân ven bờ Baltic

KTNĐ – Khi biết mình sẽ đi đến vùng Baltic, tôi đã quyết tâm phải đến Estonia. Tallinn, thủ đô Estonia trong truyện “Lửa trong thành phố sẩm tối” của

Du Lịch Kiến Trúc

Sống tối giản hẹp nhà mà rộng đời!

KTNĐ – Kinh đô Paris luôn hào nhoáng với những công trình kiến trúc cầu kỳ và hùng vĩ, những cửa hiệu thời trang cao cấp, những khối nhà mặt