Một thoáng Nhật Bản từ Điện Biên Phủ Q.3 đến Tokyo

Một thoáng Nhật Bản từ Điện Biên Phủ Q.3 đến Tokyo

KTNĐ – Người ta đã nói nhiều điều hay về Nhật Bản, nước Nhật hùng cường, hiện đại, nước Nhật văn minh mà cũng rất truyền thống. Và đương nhiên, một nước Nhật vô cùng tươi đẹp!

Và vượt lên tất cả, là một nước Nhật đã trải qua hầu hết những thảm họa kinh khủng nhất mà một quốc gia phải chịu: chiến tranh hạt nhân và động đất. Từ đó tạo nên một nước Nhật rất quật cường!

IMG_0124_resize_resizeNhưng không hiểu sao với những gì chỉ nghe về Nhật Bản, chưa bao giờ cảm thấy có một “nước Nhật quyến rũ” réo gọi bước chân mình?

Giống như trước một người tài sắc ta thấy thán phục. Đôi khi ta thích sự quyến rũ hơn là trí tuệ và nhan sắc!

Thế cho nên nhìn dòng người xếp hàng dài dằng dặc trên đường Điện Biên Phủ, Q.3 trước tòa Lãnh sự quán thấy thật ái ngại. Không định đi Nhật. Phải đổi tàu để đến Hawaii thì tiện thể dừng chân vài ngày ở Tokyo xem thế nào. Tò mò thôi chứ chả phải vì mùa anh đào đang rừng rực nở kéo hàng vạn người chen chân
đến đó.

Thông thường ở cơ quan lãnh sự quán các nước văn minh khác như Anh, Đức, Mỹ, Hà Lan việc lấy visa phải “đặt chỗ” qua mạng gọi là “appointment”, rồi “đến hẹn lại lên”, nên phần nào đỡ cho cái cảnh rồng rắn. Vậy mà ông cường quốc nổi tiếng giỏi giang mọi nhẽ này chả chơi thế, mà bắt xếp hàng, chả cho hẹn hò gì.

IMG_0368_resize_resizeMỗi nước có một thứ “đặc sản du lịch”, với Nhật Bản nổi tiếng là mùa hoa anh đào. Cho nên vào mỗi năm, tháng tư lại nhắc nhau nô nức sang đất Phù Tang xem anh đào nở, nên đông thế. Người mình vốn tính lo xa, kiên nhẫn, nên từ 6-7g đã đứng xếp hàng chờ 8g30 cơ quan mới mở cửa như xếp hàng đong gạo thời bao cấp.

Cứ thắc mắc trong lòng sao cái ông giỏi đủ điều lại không theo quy trình như các nước văn minh khác, bắt người ta theo cái phương thức như thời gian khổ xếp hàng “dầu phiếu gạo sổ” từ lúc mờ sương?

Nhưng vào trong thấy vui. Nó không căng thẳng như Anh Mỹ, không thu giữ điện thoại, phòng chờ thoải mái a lô, nhắn tin, vào mạng đọc, xem faceboook, cũng bớt sốt ruột. Giải quyết nhanh. Nghiệm ra có mặt trái của văn minh thì cũng có mặt phải của cung cách cũ cho là lạc hậu.

IMG_0352_resize_resizeNgờ rằng người Nhật làm thế là có ý cả. Cho các người xếp hàng chờ đợi, đứng lâu thì phải nghĩ, thì mới cảm nhận được cái sự hồi hộp hay lo lắng nó ra thế nào, thế nó mới thấm, sự phấn khích mới bật ra, mới ăm ắp đầy cảm xúc. Giá trị của sự việc tạo ra từ công sức mà ta bỏ ra vì nó!

TOKYO
Sân bay Narita có gì nhang nhác quen, nhớ ra là sân bay nước mình, từ Tân Sơn Nhất đến Nội Bài đều do Nhật vẽ kiểu và viện trợ. Nhìn ra ngay tinh thần đấy nhưng ở bậc cao hơn.

Đầu tháng tư se lạnh, trời âm u. Sáng chủ nhật thành phố vắng lặng. Qua các khe hở giữa những đoạn đường trên cao nhìn xuống phố chỉ thấy lác đác vài bóng người trên hè vắng, Tokyo gần gũi chứ không nặng nề như trong tưởng tượng trước đó.

IMG_0381_resize_resizeRải rác trên đường những cây anh đào đơn côi, những cánh hoa màu hồng trắng bàng bạc trong buổi sáng mờ mờ không có nắng nhìn hơi thảm. Nhưng đến khi gặp cả một rặng cây chạy dài dọc phố, con đường
trong công viên hay bờ sông thì khác hẳn. Như một cánh rừng, cái màu bàng bạc, những cánh hoa tưởng như yểu điệu ấy trỗi dậy trùng trùng như sóng bể. Màu anh đào nhàn nhạt nhưng cái sức nở rộ của nó thật
kinh khủng, có cái độ rừng rực ngấm ngầm như bốc lửa bên trong.

Có cảm giác giống như những cô gái Nhật kia, thướt tha trong bộ kimono truyền thống yểu điệu làm duyên dưới hoa, nhưng một lúc nào đó cũng oằn mình lên cháy hết như một cô gái Latin vùng Caribe hay Nam Mỹ vậy!

Nhìn anh đào chỉ toàn anh đào trong sự rực nở dễ nhức mắt. Nhìn nó trong sự thưa thớt, thướt tha, nhất là khi nó che chắn loáng thoáng cho một khung hình “toàn cảnh” kiến trúc, hay một hai tòa nhà, và đặc biệt bên những cung đường bê tông trên cao mới thấy cái sự dâng hiến kinh khủng của nó!

Đi trên đường ở trung tâm Tokyo không bị nghẽn tắc. Đường không quá đông, hóa ra ở đây người ta chui xuống đất nhiều hơn, chả mấy người dùng xe cá nhân đi làm. Dưới “underground” – tàu điện ngầm đông nghẹt, hoặc những con đường trên cao len lỏi vòng vèo quanh những tòa cao ốc có vẻ tăng sự chật hẹp của đô thị nhưng làm mềm cảnh quan. Thành phố cứ đi lên đi xuống, khỏe chân cho người đi bộ, phê cho người lái xe và đảm bảo cho dòng chảy giao thông không bị tắc nghẽn.

IMG_0418_resize_resizeKiến trúc Nhật Bản hiện đại một cách nghiêm cẩn, thích dụng. Có lẽ nét mềm mại, nhẹ nhàng lươn lướt rất sinh khí là ở tinh thần Nhật Bản luôn còn đọng lại trong cái hiện đại ấy khá rõ. Cái tinh thần ấy còn ở sự duy trì thói quen sinh hoạt thường nhật, như một sức sống bền bỉ bên cạnh sự căng cứng dồn dập của đời sống hiện đại. Ở khoảng trống dưới chân tòa cao ốc vẫn có những sạp bán rau quả như ngoài chợ, và mấy ông đánh giày. Những người đàn ông ngồi xếp hàng chờ đánh giày trong một trạng thái có lẽ là thanh thản nhất, có cảm giác đấy là khoảng thời gian thư thái nhẹ nhõm nhất của họ trong ngày.

Trung tâm mua sắm lớn nhất (có lẽ) Tokyo Matsuya Ginza cũng gần chợ cá Tsukiji mà mọi khách du lịch đều muốn đến, vô tình hay cố ý đều chuẩn. Mua sắm xong đi chợ cá, xem cá, nhìn người bán cá, ăn cá như một cục nam châm hút tất cả những ai đặt chân đến Tokyo. Người Nhật giỏi trong cách làm khách móc ví tiền mà lòng vẫn thấy nhẹ. Với cái vẻ náo nhiệt dân dã, những quầy bán cá và mấy cái xe máy chuyên dùng chở cá có bagage to vật phía sau, những quán ăn nhỏ đi vào rồi bước lên cầu thang chật hẹp khiến người ta cảm thấy yên lòng. Dù sau đó lúc đưa bill trả tiển là một khoản không hề rẻ. Như một cách dẫn dụ tinh tế và cao thủ đưa người vào cõi miên man trước những gì thật gần gũi, sinh động rồi chả cần để ý, lăn tăn gì về giá cả khi móc ví trả tiền. Mời T., một bạn trẻ người Việt đang làm việc ở Tokyo ăn tối. Cháu đến rất muộn, vừa gọi món xong một lúc đã thấy nôn nóng xem đồng hồ vẻ sốt ruột. Hỏi sao vậy, bảo “cháu phải về trước 10 rưỡi không khách sạn đóng cửa”. Ô lạ vậy? T. làm việc bên này đã vài năm, tốt nghiệp đại học trong nước, giỏi, được giải một cuộc thi gì đó rồi Tập đoàn AEON nhận sang làm. Giờ thạo việc rồi, về Tokyo trong một khóa đi huấn luyện cho bọn mới vào. Như vậy là “huấn luyện viên” và ở mức độ nào đó là “thầy” bọn trẻ rồi. Công ty thuê khách sạn cho thầy trò ở trong đợt “training”, nhưng bảo “khách sạn quy định bắt bọn cháu phải “ngủ sớm” nên không được về quá 10:30pm”. Như một trường nội trú của học sinh trung học!

IMG_0428_resize_resizeT. kể làm việc trong một chế độ hà khắc và căng thẳng lắm. Cả về quan hệ. Một lỗi nhỏ như đến muộn ít phút mà bị “kiểm điểm” như lỗi lầm sẽ dẫn đến sự “sụp đổ” cho cả công ty.

Ở Nhật 10 năm thì có thể làm quốc tịch, nhưng T. nói “cháu chưa bao giờ nghĩ sẽ ở đến 10 năm ở đây”.

Hỏi có bè bạn yêu đương gì không, T. bảo cũng khó. Cũng có bạn quen, nhưng mời đi café hay ăn tối toàn nhận được lời tiếc nuối vì bận việc.

Nghe T. kể chuyện lại nghĩ đến những đôi chân bước vội, trên tay bên là cặp, bên ly café đi ra từ cửa hiệu Starbucks buổi sáng, những cái đầu ngủ gật trong toa tàu điện ngầm buổi chiều, những người khuân đồ ở sân bay nhanh như một cỗ máy sắp đặt, chất đồ vào gầm xe xong vội vàng đứng gập người khi xe từ từ lăn bánh.

Một đời sống đầy công việc, công nghệ trong sự rực rỡ của anh đào nở rộ vào mỗi tháng tư.

Nên chắc vẫn cần một lần trở lại Tokyo không vội vã!

BÀI & ẢNH: TẠ MỸ DƯƠNG

Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 1 & 2 .2017

Có thể bạn thích

Quan Sát

Khúc dạo đầu và những dấu lặng

Xuân du phương thảo địa Hạ thưởng lục hà trì Thu ẩm hoàng hoa tửu Đông ngâm bạch tuyết thi. (Xuân hạ thu đông, thơ Thôi Hiệu) — KTNĐ –

Quan Sát

Nhà ở, thừa và phí

KTNĐ – Dư thừa, phung phí chẳng mấy khi dẫn tới sự tiện lợi, lại càng ít khi dẫn tới cái đẹp. Cái đẹp không đồng nghĩa với sự xa

Quan Sát

Lao xao phố biển

KTNĐ – Cố gắng tạo ra sự tương tác nhiều nhất có thể giữa thiên nhiên và con người, với hồ cá làm tâm điểm, các không gian sống từ