Tìm một chổ chơi

Tìm một chổ chơi

KTNĐ – Ai đó (dĩ nhiên là người lớn) đã từng than: thời nay hẹn bạn bè trong thành phố chẳng biết đi đâu. Và nếu nhà có tiệc tùng tụ tập hay đưa con trẻ đi cafe cùng với mình vào ngày nghỉ thì mới thấy bọn trẻ “cuồng chân cuồng cẳng” ra sao, khiến không ít phụ huynh phải dùng đến hạ sách là “thảy” cho chúng cái điện thoại hay iPad để chúng bớt ngọ nguậy…

Chắc chắn các bậc phụ huynh ấy không thể không biết việc cắm mặt vào thiết bị điện tử hay dở ra sao, nhưng thử hỏi: tìm một chỗ chơi cho trẻ nơi đâu?

Nhiều trẻ em hiện nay, nhất là trẻ em trong đô thị lớn, sau những giờ học chính khóa – ngoại khóa – học thêm – học năng khiếu – học kỹ năng mềm… khi về nhà là chỉ muốn chơi. Ngay cả thời chưa phải đi học nhiều như hiện nay thì cái tuổi thơ ngây trong trẻo vẫn là tuổi ăn tuổi ngủ tuổi chơi. Nhu cầu vui chơi thiết yếu với trẻ vậy mà không ít nhà sau khi hoàn thiện đầy đủ các chức năng tiện nghi như góc học tập, giường ngủ, tủ đồ… bỗng chợt nhận ra: hình như nhà mình thiếu chỗ cho con chơi! Hình như chỗ nào trong nhà cũng gặp đồ chơi vương vãi. Hình như con mình khi ra công viên, vô siêu thị, hay sang nhà hàng xóm rộng rãi bỗng hét lên sung sướng, vì được rộng cẳng chạy nhảy nô đùa…

Thế nên kiến trúc sư nào đã trải qua cái thời chính mình cũng “thiếu chỗ chơi” ấy hôm nay ắt đủ thông cảm và lưu tâm khi thiết kế chừa ra vài ba khoảng trống, không chỉ để thư giãn hít thở cho người lớn, mà còn để những người – sẽ – thành – người – lớn được thỏa bản tính hiếu động có được một góc chơi. Khẳng định luôn là chơi thuần túy, chứ không cần phải lồng ghép ý nghĩa giáo dục sâu xa gì cả kiểu “chơi mà học, học mà chơi” nữa. Tùy theo điều kiện cụ thể, góc chơi này có thể hiểu như một phòng sinh hoạt của trẻ em, hay đơn giản hơn, là khoảng trống trong phòng riêng, là khoảng hành lang chung đủ rộng để trẻ có chỗ bày ra các trò chơi của mình, đủ thoáng để nhiều trẻ chơi chung, quây quần cùng với anh chị hay cha mẹ.

Dĩ nhiên tùy mặt bằng và cấu trúc không gian nên không nhà nào giống nhà nào. Nhưng cũng có thể hình dung các tiêu chí cơ bản như bố trí linh hoạt, đa năng, giảm thiểu cầu kỳ, ánh sáng tự nhiên và nhân tạo phải đầy đủ nhưng tránh chói gắt. Thông thoáng tự nhiên rất cần lưu tâm. Không phải vô cớ mà trẻ cứ đòi đi siêu thị hay chỗ chơi nào có gắn máy lạnh, nhất là vào mùa nóng bức, trẻ vui đùa nhiều lại dễ ra mồ hôi.

Đồ đạc cho không gian vui chơi của trẻ cần có kết cấu chắc chắn để tránh nguy hiểm nhưng lại phải cơ động để khi cần thì có thể mở rộng, thay đổi kích cỡ đồ dùng theo sự phát triển của trẻ sau này. Do đó, tuy gọi là làm chỗ chơi nhưng cũng phải tính toán, cân đối, và không ít chăm chút nếu muốn trẻ thích thú và cả nhà cùng vui chơi được, chứ không phải là một căn phòng đóng kín gắn máy lạnh rồi có… màn hình chơi điện tử!

Cũng không nên nghĩ rằng cứ là chỗ cho trẻ em chơi thì phải rực rỡ sắc màu. Có những em bé thuộc dạng “già trước tuổi” hoàn toàn có thể thích thú đắm chìm với tủ sách, những bộ sựu tập, tem thư, mô hình máy móc, lắp ráp xe cộ… Hoặc thậm chí bố trí phòng chơi – học nhạc cho trẻ với nhiều loại nhạc cụ, có thể trở thành phòng “văn nghệ” rất thú vị với những gia đình có năng khiếu nghệ thuật. Những không gian như vậy giúp nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật cho trẻ từ lúc ấu thơ, thực sự nghiêm túc chín chắn, và không hề cần trang trí xanh xanh đỏ đỏ chút nào.

BÀI: KTS TUẤN HÀ
ẢNH: KHÁNH NGỌC

Tạp chí Kiến trúc Nhà Đẹp – số tháng 6 – 2017

Có thể bạn thích

Quan Sát

Tình mới, hồn xưa

KTNĐ – Các chung cư cũ, đặc biệt ở những khu vực trung tâm thành phố, luôn gợi nhắc nhiều hồi ức với cư dân đô thị. Thật ngạc nhiên

Quan Sát

Sự thay đổi cần thiết

KTNĐ – Với diện tích không lớn nhưng ngôi nhà phố vẫn có được cảm giác phóng khoáng, tạo thành điểm nhấn khó quên ở khu đô thị mới ven

Quan Sát

Lao xao phố biển

KTNĐ – Cố gắng tạo ra sự tương tác nhiều nhất có thể giữa thiên nhiên và con người, với hồ cá làm tâm điểm, các không gian sống từ